Nhãn lồng Hưng Yên tạo sự khác biệt từ giá trị thổ nhưỡng

Ngoài áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, sơ chế, bảo quản, điều kiện thổ nhưỡng là một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng tạo nên sự khác biệt những mặt hàng được gọi là 'đặc sản' của mỗi vùng miền. Nhãn lồng Hưng Yên cũng vậy.

Nói đến Hưng Yên hầu như ai cũng biết đó là quê hương nhãn lồng. Vì thế, Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận nhãn lồng Hưng Yên là loại nhãn ngon nhất và xếp hạng 13 trong số 50 trái cây nổi tiếng của Việt Nam. Các cơ quan chức năng đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa “Nhãn lồng Hưng Yên hương vị tiến vua” và được công nhận chỉ dẫn địa lý. Đây là điều kiện quan trọng để khách hàng khắp năm châu nhận biết được nhãn lồng chính hiệu Hưng Yên.

Hiện có nhiều địa phương trồng nhãn, nhưng nhờ điều kiện thổ nhưỡng, nhãn lồng Hưng Yên luôn có sự khác biệt, xứng danh với tên gọi "Hưng Yên đất Nhãn"

Hiện có nhiều địa phương trồng nhãn, nhưng nhờ điều kiện thổ nhưỡng, nhãn lồng Hưng Yên luôn có sự khác biệt, xứng danh với tên gọi "Hưng Yên đất Nhãn"

Thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh, Hưng Yên có khoảng 5.000 ha canh tác nhãn, trong đó chủ yếu tập trung tại các huyện Khoái Châu, Phù Cừ, Tiên Lữ, Ân Thi và thành phố Hưng Yên… Những năm gần đây, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thay vì tập trung thu hoạch vào một vụ chính, thì nay nhãn lồng được thu hoạch 3 vụ: Nhãn trà sớm từ tháng 3 đến tháng 7; nhãn chính vụ từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 8; nhãn chín muộn từ đầu tháng 9 đến giữa tháng 10. Với việc thu hoạch trong khoảng thời gian tương đối dài khiến quả nhãn cho giá trị kinh tế cao hơn.

Để phát huy lợi thế về điều kiện thổ nhưỡng khiến vị nhãn lồng Hưng Yên thơm, ngon không đâu có được, bên cạnh áp dụng triệt để việc chăm sóc, sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, nhiều nhà vườn, hộ nông dân, hợp tác xã còn đẩy mạnh trồng, chăm sóc nhãn lồng theo mô hình hữu cơ (không dùng phân hóa học hay các loại chất…). Nhờ mô hình này, dù năng suất tăng nhưng chất lượng nhãn lồng vẫn được đảm bảo. Nói một cách ngắn gọn, nhờ trồng, chăm bón theo mô hình hữu cơ nên vẫn giữ được “tinh túy” của chất đất (thổ nhưỡng) khiến quả nhãn lồng Hưng Yên thơm, ngon không đâu có được.

Hiện nay, bên cạnh việc đẩy mạnh tiêu thụ trong nước thông qua các kênh phân phối và thương mại điện tử, “Nhãn lồng Hưng Yên hương vị tiến vua” đã có mặt tại hệ thống siêu thị châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore và một số quốc gia khác.

Để tiếp tục khai thác giá trị gia tăng trên “nền thổ nhưỡng”, với sự giúp đỡ của các nhà khoa học, một số nông dân, hợp tác xã còn chuyển sang trồng loại nhãn siêu ngọt. Đây là loại nhãn có thời gian sinh trưởng, chín muộn hơn các loại nhãn lồng khác, nên giá bán cũng thường cao hơn các loại nhãn khác.

Năm nay, theo ước tính của ngành Nông nghiệp, sản lượng nhãn toàn tỉnh Hưng Yên ước đạt 40 nghìn tấn. Để thúc đẩy tiêu thụ nhãn, các ngành, địa phương và nhà vườn đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại từ việc ký kết với các kênh phân phối trong nước, đẩy mạnh thương mại điện tử cũng như mở các tour du lịch “trăm nghe không bằng mắt thấy”, giúp di khách trong và ngoài nước đến trải nghiệm, tận hưởng tận nơi quả nhãn lồng Hưng Yên để thấy sự khác biệt.

Chị Hương, một doanh đến từ miền Tây vừa có chuyến trải nghiệm xuống Hưng Yên cho hay, cũng như các loại nông sản khác, nhãn lồng hiện nay được trồng khá nhiều trên khắp mọi miền đất nước, trong đó có miền Tây, nhưng phải công nhận đến Hưng Yên được thưởng thức nhãn lồng nơi đây thực sự mới thấy hết sự khác biệt. “Điều kiện thổ nhưỡng mà thiên nhiên ban tặng đã đạo ra cho mỗi vùng miền một loại đặc sản là có thật. Nhãn lồng Hưng Yên là thế”- chị Hương kết luận.

H.L

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nhan-long-hung-yen-tao-su-khac-biet-tu-gia-tri-tho-nhuong-159292.html