Nhân học tôn giáo – một góc nhìn đối sánh

Tôn giáo, tín ngưỡng, 'tâm linh' là gì? Niềm tin khác với đức tin như thế nào? Linh hồn, hồn ma và cái chết là gì? Linh hồn sẽ đi về đâu? Có bao nhiêu cách thức mai táng? Các đặc tính của tôn giáo là gì?... Góc nhìn khoa học từ cuốn 'Nhân học tôn giáo' sẽ giúp chúng ta lý giải những thắc mắc nói trên.

Trong bối cảnh xã hội hiện nay đang hoang mang vì khủng hoảng đức tin, Nhân học tôn giáo giúp chúng ta không bị “tẩu hỏa nhập ma” giữa hằng hà sa số những cuốn sách “tâm linh” và bói toán hay những “bậc thầy” hằng ngày rao giảng về “tâm linh” và tính dục.

Nếu bạn đã đọc cuốn Lược sử tôn giáo của Holloway hay Tôn giáo học từ nhiều hướng tiếp cận của Connolly thì Nhân học tôn giáo chính là một cuốn sách công cụ để chúng ta có thể tự mình khám phá các tôn giáo và tín ngưỡng từ nhiều hướng nhìn như vậy. Nếu bạn từng đọc Hành trình của linh hồn của Newton qua góc nhìn tâm lý học thì Nhân học tôn giáo lại cho bạn một cái nhìn trực diện hơn của nhân học đối với các vấn đề có liên quan đến tôn giáo và tín ngưỡng trong đời sống hiện nay.

Đọc Muôn kiếp nhân sinh của Nguyên Phong, bạn choáng ngợp trước thế giới “tâm linh” từ góc nhìn hư cấu của văn học. Nhân học tôn giáo có thể cho bạn “công cụ” khoa học để khám phá cái thế giới ly kỳ hay những câu chuyện “tưởng tượng” đó.

Bìa sách Nhân học tôn giáo (Nxb ĐHQGHN, 2023).

Không chỉ nhìn tôn giáo và tín ngưỡng từ các lý thuyết và phương pháp luận của khoa học xã hội và nhân văn, Nhân học tôn giáo còn hé mở một góc nhìn mới qua thế giới lượng tử của vật lý học, một bộ môn tưởng chừng như không liên quan gì đến tôn giáo và tín ngưỡng. Nhưng việc các nhà khoa học tìm ra “Hạt của Chúa” cùng với sự khẳng định sự tồn tại của “Rối lượng tử” bằng giải Nobel vật lý năm 2022 dường như đã kết nối hai lĩnh vực vô cùng khác biệt này với nhau.

Đúng như tác giả đã nhận xét, “đời sống tinh thần của con người đang bị khủng hoảng, đặc biệt là sự khủng hoảng niềm tin/đức tin. Nghiên cứu tôn giáo và tín ngưỡng trong một bối cảnh như vậy vừa mang đến sự hấp dẫn của đối tượng nghiên cứu nhưng cũng dễ dẫn nhà nghiên cứu đến những nhận định sai lầm khi nhìn nhận vấn đề một cách phiến diện” (tr.107).

Với sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ hiện nay, những nghiên cứu theo hướng toàn thể, thông linh và siêu linh đang được quan tâm ngày càng nhiều hơn không chỉ bằng những thực nghiệm ngoại cảm hay thôi miên trong tâm lý học mà còn có thể được lý giải thông qua góc nhìn của vật lý lý thuyết, đặc biệt là thuyết lượng tử. Hy vọng trong tương lai, những tìm hiểu về bản chất lưỡng tính sóng – hạt và mối liên hệ giữa tinh thần/linh hồn với vật chất hay thể chất có thể được kiến giải bằng lượng tử thay cho các thực hành “áp vong” và “gọi hồn” của các vị “phù thủy” và “đồng cốt” xưa và nay (tr.131).

Với các vấn đề có liên quan đến “tâm linh” và tính dục, tác giả cho rằng tín ngưỡng bái vật thường được biết đến như là loại tín ngưỡng sùng bái sinh sản và thờ sinh thực khí. Nhưng ít người biết đến hai nghĩa còn lại là sự “sùng bái vật chất” trong kinh tế học Marx và “hành vi tính dục” theo quan điểm tâm phân học của Freud.

Giờ đây, khi trào lưu hưởng thụ và chủ nghĩa tiêu dùng đang làm chao đảo các giá trị đạo đức và quan điểm tự nhiên, tiền bạc và vật chất lên ngôi đi kèm với sự ra đời của nhiều “tín đồ hàng hiệu” với siêu xe, “chân dài - đại gia,”… Trong bối cảnh đó, bái vật giáo trong mối quan hệ kinh tế giữa tiền và hàng hóa dường như lại là đối tượng nghiên cứu thú vị cho các nhà nhân học. Góc nhìn này nếu kết hợp với quan điểm về thị trường tôn giáo có thể giúp ta hiểu sâu hơn các hiện tượng như tôn sùng “thần tượng” hay “buôn thần bán thánh” đang diễn ra sôi động trong xã hội Việt Nam hiện nay (tr.211-213).

Công trình Nhân học tôn giáo của Đinh Hồng Hải vừa được ấn hành bởi Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tác giả Đinh Hồng Hải.

Tác giả Đinh Hồng Hải hiện đang giảng dạy tại Khoa Nhân học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông từng du học tại Khoa Phật học, Đại học Delhi, Cộng hòa Ấn Độ (2005-2006) và Khoa Nhân học, Đại học Harvard, Hoa Kỳ (2008-2010). Hiện là ủy viên điều hành Hiệp hội Ký hiệu học quốc tế và Phó Tổng thư ký Hiệp hội Ký hiệu học châu Á. Ông cũng là thành viên Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia – NAFOSTED.

Đinh Hồng Hải đã cho ra mắt nhiều cuốn sách với chủ đề liên quan như: Các bộ trang trí điển hình, Các vị thần, Các vị tổ, Các con vật linh, Thiên đường và địa ngục cùng nhiều công bố chung và riêng ở trong và ngoài nước như: Nghiên cứu tôn giáo ở Việt Nam, Tôn giáo trong xã hội Việt Nam hiện nay, Nhân học: ngành khoa học về con người, Animism in the arts of Southeast Asia (Tín ngưỡng vật linh trong nghệ thuật Đông Nam Á), Open semiotics (Ký hiệu học mở),…

Hoài Nam

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/nhan-hoc-ton-giao-mot-goc-nhin-doi-sanh-40973.html