Nhân danh 'giải cứu' hay 'sự móc ngoặc công - tư'?

Cuộc chiến không khoan nhượng với cái xấu trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng đã và đang diễn ra vô cùng quyết liệt. Quyết định truy tố của các cơ quan chức năng đối với một số cán bộ và những cái 'bắt tay, móc ngoặc công - tư, những vòi bạch tuộc' đã lộ diện dưới ánh sáng của công lý.

Chuyến bay COMBO

Chúng ta đã chứng kiến, nhớ lại những tháng đầu năm 2020, Việt Nam tạm dừng các chuyến bay thương mại quốc tế nhằm ngăn đại dịch Covid-19 lây lan. Người lao động có tay nghề, chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam làm việc và ngược lại người Việt ở nước ngoài muốn về nước phải đi bằng các chuyến bay giải cứu (không trả phí), chuyến bay COMBO (trả phí). Việt Nam đã tổ chức gần 2.000 chuyến bay giải cứu, chuyến bay COMBO cho công dân mắc kẹt ở nước ngoài vì Covid-19. Hành khách đi trên các chuyến bay trả phí phải thanh toán trọn gói dịch vụ (COMBO) gồm: tiền vé máy bay; chi phí cách ly 15 ngày; chi phí phương tiện mặt đất đón từ sân bay tới khách sạn cách ly; tiền ăn tiêu chuẩn 3 bữa/ngày; chi phí xét nghiệm Covid-19 theo quy định; các chi phí phát sinh khác (nếu có), hành khách sẽ thanh toán tại khách sạn cách ly.

Chuyến bay đầu tiên đón những công dân đầu tiên từ vùng dịch về nước được dư luận trong nước và cả thế giới quan tâm là chuyến bay của hãng hàng không Vietnam Airlines, khởi hành ngày 9-2-2020 đưa 30 công dân Việt Nam từ tâm dịch Vũ Hán, Trung Quốc về nước. Sau đó, các hãng hàng không khác cũng tham gia giải cứu, combo đưa công dân về Việt Nam. Việc tổ chức chuyến bay cứu hộ này vừa đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động vừa thể hiện tính nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm tới công dân Việt Nam ở nước ngoài. Đây là một sự cố gắng, nỗ lực của cả một dân tộc được thế giới công nhận, là “hình mẫu” nhân văn, nhân ái, thể hiện bản chất chế độ xã hội mà không phải quốc gia nào trên thế giới cũng có thể làm được trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Sự thật móc ngoặc công - tư?

Khi “con covid” mang tên “COMBO VỀ NƯỚC”, “COMBO GIẢI CỨU” xuất hiện, một số cán bộ, đảng viên - công bộc của nhân dân ở một số cơ quan chức năng đã đón đầu, móc ngoặc với nhau và “liên minh” với một số cá nhân ở một số công ty khu vực tư để vun vén cho lợi ích cá nhân, để phe cánh trục lợi. Và kết cục, hàng loạt các quan chức rơi vào vòng lao lý, với những cái tên đủ loại: Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao), Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao), Đỗ Hoàng Tùng (cựu Phó cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao), Trần Văn Dự (cựu Phó cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an), Nguyễn Diệu Mơ (cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại du lịch và Dịch vụ hàng không An Bình), Phạm Trung Kiên (cựu chuyên viên Vụ Trang thiết bị và công trình y tế Bộ Y tế), Vũ Anh Tuấn (cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an)… Chắc hẳn, những cái tên ấy còn dài hơn nữa là minh chứng thể hiện sự bội ước của bộ phận cán bộ, đảng viên mà hằng ngày họ vẫn leo lẻo: không có gì, không cốc cà phê, làm vì lương tâm…

Xâu chuỗi những vi phạm, có thể khẳng định, nguyên nhân sâu xa chính là sự tha hóa phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Họ lợi dụng những chủ trương, chính sách nhân văn, nhân ái để trục lợi, vun vén cá nhân, kiếm chác cho đầy túi tham, trong khi vẫn leo lẻo về lòng nhân ái “giải cứu”, đầy sự giả trá về lẽ phụng sự đồng bào, về liêm chính, về dấn thân, vì Tổ quốc, vì nhân dân.

Lý ra, với cương vị của mình, bộ phận cán bộ, đảng viên này phải làm gương, chống lại chủ nghĩa cá nhân, cục bộ, quan liêu, tham nhũng thì bản thân họ đã đi ngược lại lời thề của chính mình, bội ước với lời tuyên thệ thiêng liêng trước khi đứng vào hàng ngũ của Đảng. Vì lợi ích của mình và phe nhóm mình, họ đã đứng trên lợi ích của cả dân tộc Việt Nam và họ phải trả giá cho hành động đi ngược lại lời thề danh dự của bản thân, của người đảng viên cộng sản, như một kết cục tự nhiên.

Sự thật phải suy ngẫm

Nhìn vào diễn biến “con vi rút” mang tên “COMBO VỀ NƯỚC”, “COMBO GIẢI CỨU” với mức giá kinh hoàng được các cơ quan có thẩm quyền chỉ ra với 2.000 chuyến bay và mỗi chuyến là 2 tỷ đồng thì đây chẳng khác nào một “Việt Á mang tầm quốc tế”. Chúng ta thử so sánh giữa giải cứu rau, hành tím, ổi, dưa… những nông sản của bà con nông dân với sự giải cứu mà họ nhân danh hành xử trong thời gian đó, thì tội trạng của họ khó bút nào ghi nổi. Ai cũng đều rõ, một bộ phận cán bộ, đảng viên thực thi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó đã bắt tay móc ngoặc với nhau để kiếm tìm lợi ích cho riêng mình trong tất cả các khâu, quy trình giải cứu, để nhằm đục khoét, trục lợi không giới hạn và vô nhân tính.

Ai cũng thấy, mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân và xã hội của một số lãnh đạo cấp cao như ông Tô Anh Dũng, bà Nguyễn Thị Hương Lan, ông Trần Văn Dự... hay nhiều lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) khác đã bị sỉ nhục; tính kỷ cương, kỷ luật, phê bình và tự phê bình trong Đảng của một số chi bộ, đảng bộ ở những nơi đó rất lỏng lẻo và vai trò của tổ chức đảng chưa được coi trọng. Với cương vị đảng viên, họ thật sự phải là những tấm gương về sự trung thực, phục tùng kỷ luật Đảng, phụng sự nhân dân thì họ lại đi ngược lại và chà đạp lên tất cả.

Qua sự kiện cơ quan chức năng khởi tố vụ án, bắt giam một số cán bộ của Bộ Ngoại giao, Bộ Công an trong thời gian qua có thể thấy, bất kỳ đảng viên nào nếu không có sự tu dưỡng, rèn luyện, trau rồi đạo đức cách mạng cá nhân sẽ đều dẫn tới sự tha hóa bản thân và dẫn tới những hệ lụy đau lòng, mất niềm tin của nhân dân với Đảng. Và qua những sự kiện vừa qua cũng đã khẳng định đúng như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay.

Qua vụ án về “COMBO GIẢI CỨU” có thể nhận thấy, những cán bộ, đảng viên này mưu đồ “mượn gió bẻ măng”, thừa cơ hội “nước đục thả câu”, núp sau giải cứu để trục lợi, làm giàu bất chính… Đây là sự tha hóa, phai nhạt lý tưởng Đảng trong chính những cán bộ, đảng viên ấy để dẫn tới những hệ lụy đớn đau! Bởi sự thật phía sau những đảng viên ấy làm gì có 2 chữ ĐỒNG BÀO khi trong họ chỉ có những “bóng ma” ĐỒNG TIỀN, ĐỒNG ĐÔ LA và điểm “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” của họ là sự ĐỒNG LÕA và cuối cùng tất cả trở thành ĐỒNG PHẠM trong vụ án mà con vi rút COMBO GIẢI CỨU này đã tàn phá tất cả những gì mà họ từng có trước đó.

Nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026: “Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”.

Đó là những điều mà chúng tôi tin rằng những người trong vụ án này bây giờ đang suy ngẫm và kịp thấm thía hơn bao giờ hết, nhưng đã quá muộn...

Lê Thạch - Thùy Linh - Minh Nhâm

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/89/136975/nhan-danh-giai-cuu-hay-su-moc-ngoac-cong-tu