Nhân dân cả nước tiếc thương nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu

Những bài học quý về công tác đối ngoại quốc phòngThời gian Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu chiến đấu ở Mặt trận 979 và làm Chính ủy Quân khu 9, đồng chí luôn gắn bó với đồng đội, chăm sóc, chỉ huy, dìu dắt các đồng chí, đồng đội trưởng thành. Đồng chí thường xuyên động viên, giáo dục chiến sĩ phải đoàn kết để làm tốt nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Cam-pu-chia.

Những bài học quý về công tác đối ngoại quốc phòng

Thời gian Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu chiến đấu ở Mặt trận 979 và làm Chính ủy Quân khu 9, đồng chí luôn gắn bó với đồng đội, chăm sóc, chỉ huy, dìu dắt các đồng chí, đồng đội trưởng thành. Đồng chí thường xuyên động viên, giáo dục chiến sĩ phải đoàn kết để làm tốt nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Cam-pu-chia.

Trong quá trình đó, có ba bài học đồng chí chú trọng nhắc nhở, hướng dẫn anh em thực hiện tốt. Thứ nhất, phải quan tâm đến đời sống người dân nước bạn, cho nên bộ đội phải nhường lại một ít gạo để cứu dân. Thứ hai, để tiến hành công tác dân vận hiệu quả thì phải hiểu bạn, phải học tiếng của dân tộc bạn. Bởi vậy cán bộ mình công tác nhiều năm ở Cam-pu-chia, đa số anh em biết nói những câu giao tiếp thông thường, trò chuyện được với quân đội và người dân Cam-pu-chia. Thứ ba là giữ mối quan hệ đoàn kết giữa quân đội Việt Nam với quân đội Cam-pu-chia. Trong giúp bạn xây dựng lực lượng, đầu tiên là ta làm, bạn xem rồi ta với bạn cùng làm, cuối cùng là bạn làm ta giúp đỡ. Trong việc này, đồng chí luôn sâu sát, đi đến đâu cũng hỏi xem quá trình hỗ trợ bạn có gì khó khăn, vướng mắc để chỉ đạo giải quyết.

Những bài học mà đồng chí hướng dẫn anh em đồng đội lúc đó vẫn còn nguyên giá trị trong nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND LÊ XÃ HỘI

Nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 9

Công an Đắk Lắk mãi ghi nhớ nhà lãnh đạo tài năng, đức độ

Tôi thuộc thế hệ con, cháu của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Lúc tôi học ra trường về nhận công tác tại Công an tỉnh Đắk Lắk, thời điểm đó ông là người lãnh đạo cao nhất của Đảng. Từ khi về công tác tại Công an tỉnh Đắk Lắk đến nay, tôi đã trải qua nhiều vị trí công tác, hiện nay là Trưởng phòng Công tác đảng, công tác chính trị và công tác quần chúng (PX03) của Công an tỉnh, tôi càng có điều kiện học tập, nghiên cứu và tìm hiểu nhiều hơn các văn kiện, nghị quyết về xây dựng Đảng. Tôi nhận thấy nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là người lãnh đạo tài năng, đức độ, có nhiều đóng góp to lớn trên rất nhiều lĩnh vực trong kháng chiến cũng như trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, đặc biệt là người có tầm nhìn sâu sắc về công tác xây dựng Đảng.

Sau khi được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII bầu làm Tổng Bí thư, với cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã thẳng thắn nhìn nhận, sớm nhận ra những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, đánh giá đúng thực tế và thể hiện quyết tâm chấn chỉnh đội ngũ thông qua việc quyết liệt đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhằm làm trong sạch bộ máy, giữ gìn sức chiến đấu của tổ chức đảng, củng cố niềm tin của nhân dân. Quyết tâm này được thể hiện bằng việc, tháng 2-1999, Trung ương đã ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 (lần 2) Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng, trong đó yêu cầu các cấp ủy đảng và người đứng đầu các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở phải chịu trách nhiệm chống tham nhũng ở nơi mình phụ trách. Chính nhờ việc triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII đến các nghị quyết về xây dựng Đảng sau này đã góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân, trong đó công lao của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là rất lớn.

Với Công an tỉnh Đắk Lắk, trong nhiều năm qua thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII đến nay, từ Đảng ủy Công an tỉnh đến các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc luôn triển khai quán triệt, học tập đầy đủ, nghiêm túc các nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là các nghị quyết về xây dựng Đảng nhằm xây dựng các tổ chức cơ sở đảng và đảng viên trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo toàn lực lượng công an trong tỉnh hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, triệt phá các băng nhóm tội phạm, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân...

Thượng tá NGÔ VĂN CƯỜNG

Trưởng phòng PX03 Công an tỉnh Đắk Lắk

Những kỷ niệm không quên về nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu

Lần đầu tiên tôi may mắn được gặp đồng chí Lê Khả Phiêu là năm 1995, vào dịp tỉnh Tuyên Quang tổ chức kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập nước. Khi ấy đồng chí là Thượng tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Thăm Đình Tân Trào, thấy tôi đi gần, đồng chí chủ động bắt tay và hỏi thăm tôi làm gì, quê đâu. Tôi nói quê Nông Cống, Thanh Hóa, đồng chí cười bảo: “Mình quê Đông Sơn, Thanh Hóa, đồng hương đấy”. Cuộc gặp tình cờ chỉ mấy phút nhưng tôi có ấn tượng về một vị tướng mộc mạc, dễ gần.

Năm 2017, thực hiện bộ sách Văn nghệ sĩ - Nhà báo xứ Thanh tại Hà Nội với quê Thanh, chúng tôi đến nhà riêng mời đồng chí Lê Khả Phiêu viết lời giới thiệu. Hôm ấy có cả đồng chí Lê Huy Ngọ, Chủ tịch Hội đồng hương Thanh Hóa tại Hà Nội, NSND Tâm Chính, nhà văn - dịch giả Lê Bá Thự… Bước vào phòng khách đã thấy trên bàn chuẩn bị sẵn bánh kẹo ngon và hoa quả. Chúng tôi rất cảm động trước tình cảm trân trọng ông dành cho các văn nghệ sĩ. Lúc chúng tôi ra về, ông bảo NSND Tâm Chính: Kẹo ngon, mang hết về chia cho các cháu nhỏ.

Hôm 4-4-2019, mấy anh em chúng tôi mang đến tặng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cuốn sách Với quê Thanh vừa xuất bản, được bác viết lời giới thiệu. Thư ký dặn, chỉ được gặp bác 10 phút để giữ sức khỏe cho ông. Nhận sách, ông bảo: “Chờ tôi xem sách chút”. Chúng tôi chờ... Thư ký lên ra hiệu đã hết giờ, chúng tôi vội đứng dậy. Ông quay lại, nhắc một câu ngắn gọn: “Tôi vẫn đang xem”. Việc ấy nói lên ông rất quan tâm đến cách ứng xử với văn nghệ sĩ, nhà báo.

Đồng chí Lê Khả Phiêu là một Tổng Bí thư được cả nước ghi nhận, đánh giá cao về tinh thần quyết liệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng... Với giới văn nghệ sĩ, nhà báo, ông là một người vô cùng phúc hậu, nhân từ. Mỗi lần chúng tôi được gặp nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, ông luôn tiếp đãi chân tình và đầm ấm như với người ruột thịt, không cách biệt, không quan cách. Những ấn tượng đó chúng tôi sẽ nhớ mãi dù nay nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã đi xa.

Nhà thơ LÊ TUẤN LỘC

Nhà lãnh đạo luôn quan tâm đến nhân dân

Khi ở cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đảng, đồng chí Lê Khả Phiêu đã dành rất nhiều tâm huyết của mình cho công tác xây dựng Đảng, quan tâm đến quyền lợi của nhân dân; chủ trương mở rộng và phát huy dân chủ cơ sở... Với tinh thần đó, ngày 18-2-1998, đồng chí Lê Khả Phiêu đã thay mặt Bộ Chính trị (khóa VIII) ký ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Chỉ thị đã nhấn mạnh: “Khâu quan trọng và cấp bách trước mắt là phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở, là nơi trực tiếp thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, là nơi cần thực hiện quyền dân chủ của nhân dân một cách trực tiếp và rộng rãi nhất”. Đồng thời yêu cầu phải có quy chế và các hình thức để nhân dân, cán bộ, công chức ở cơ sở được bàn bạc và tham gia ý kiến vào các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ công tác chuyên môn, công tác cán bộ... của chính quyền, cơ quan, đơn vị; kết quả ý kiến đóng góp phải được xem xét, cân nhắc khi chính quyền hoặc thủ trưởng ra quyết định.

Lĩnh hội được tinh thần của Chỉ thị, học tập phong cách gần dân, sâu sát cơ sở của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Thành ủy và các cấp ủy đảng thành phố Hà Nội đã nghiêm túc triển khai thực hiện. Thành phố đã thực hiện tốt dân chủ trong việc lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ chính trị; đổi mới phong cách công tác, lề lối làm việc, coi trọng thực hiện phương châm dựa vào dân để xây dựng đảng; không hô hào chung chung, mà đi vào cụ thể và gắn bó chặt chẽ với cơ sở. Những năm gần đây, định kỳ hằng năm, công tác tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân được thực hiện nghiêm túc, trở thành nền nếp từ các đồng chí lãnh đạo thành phố đến các xã, phường, thị trấn, bảo đảm dân chủ, công khai. Qua đối thoại, lãnh đạo các cấp trực tiếp tuyên truyền, vận động, giải thích cho nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kịp thời giải quyết những phát sinh ngay tại cơ sở, được dư luận nhân dân đồng tình, tin tưởng, qua đó góp phần quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền địa phương, phát huy dân chủ trực tiếp, củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền và nhân dân.

NGUYỄN THỊ TUYẾN

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội

Người khai sinh làng Rồng

Cách đây 21 năm, đầu tháng 11-1999, cơn lũ lịch sử đã gây hậu quả nặng nề tại tỉnh Thừa Thiên Huế, trong đó đập Hòa Duân là điểm ngập lụt kinh hoàng nhất. Chỉ trong một đêm, cơn lũ đã cuốn trôi tất cả nhà cửa, tài sản và 14 người dân sống trên đập Hòa Duân ra biển, “xóa sổ” con đập tạo thành một cửa biển lớn. Từ chủ trương hàn khẩu đập Hòa Duân sau trận lũ lịch sử đó, nhân dân thôn Hải Thành được Trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế cho tái định cư đến nơi ở mới là làng Rồng hiện nay (thôn An Hải, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế). Người đã khai sinh ra làng Rồng cho ngư dân chính là nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

Bà con làng Rồng không thể quên, khoảng 11 giờ khuya ngày 2-11-1999 năm ấy, trong cơn lũ dữ, đất đá đổ ầm ầm, tiếng người kêu cứu vang cả xóm, lúc tôi tỉnh lại thì tất cả từ nhà cửa đến người thân đều ra đi. Người dân thôn Hải Thành gọi nhau chạy lũ thì nước phá Tam Giang bất ngờ dâng cao rồi cuốn trôi 64 ngôi nhà cùng 14 người ra cửa biển. Tuyến đường nối từ Hải Thành về làng Hòa Duân (xã Phú Thuận, Phú Vang) bị vỡ, cuốn theo dòng nước ra biển và mở ra một cửa biển mới. Những người còn sống sót của Hải Thành dắt nhau đi ở nhờ các nhà dân trong làng để chờ qua cơn lũ dữ. Sau cơn đại hồng thủy 1999 đi qua, đồng chí Lê Khả Phiêu (lúc ấy đang là Tổng Bí thư) chỉ đạo Quân khu 4 về hỗ trợ, chăm lo cuộc sống giúp dân. Trong chuyến công tác đến thăm hỏi, động viên bà con sau lũ lụt, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã đặt tên cho ngôi làng này là làng Rồng với mong muốn kỳ vọng về một cuộc sống ấm no, bà con mạnh mẽ đứng lên sau đau thương, mất mát. Chính nhờ sự quan tâm kịp thời của đồng chí chúng tôi đã có điều kiện nhanh chóng ổn định cuộc sống, giúp có nhà cửa để ở, cho tôi nghị lực để đứng dậy sống tiếp. Khi được tin nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã đi xa, tôi và người dân làng Rồng rất đau buồn, không ít người dân làng Rồng thương tiếc, đau buồn như đang mất đi chính người thân của mình.

Suốt 21 năm qua, cứ mỗi lần lễ, Tết, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu lại về thăm hỏi, dành những phần quà để gửi tặng người dân làng Rồng; nhiều khi bận công việc thì đồng chí vẫn gửi quà tặng cho bà con. Riêng gia đình tôi, nhà cửa đều tan hoang, 12 người thân trong nhà đã mất tích, bị nước cuốn ra biển. Mỗi lần đến thăm, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu luôn chia sẻ, động viên, nhắc nhở chúng tôi “luôn phải tự mình gượng dậy viết lại cuộc đời”. Cuộc sống của người dân ở làng Rồng nay đã có nhiều thay đổi, bà con đã tạo dựng một ngôi làng mới, biết cách làm ăn cho nên cuộc sống cũng no đủ. Nhiều gia đình có nhà tầng mái ngói, con em được học hành đến nơi đến chốn, nhiều em đỗ đại học và cao đẳng. Hiện làng Rồng có tất cả 64 hộ với 276 nhân khẩu, trong đó có 11 hộ có nhà hai tầng khang trang. Phần lớn đời sống người dân ở đây đều ổn định, nhiều hộ khá giả, chủ yếu từ nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản… Ngôi làng không được ghi tên trong sổ sách hành chính, nhưng đã được người dân khắc ghi mãi. Chúng tôi sẽ mãi lưu giữ những tình cảm đặc biệt mà bác Lê Khả Phiêu đã dành cho dân làng Rồng.

TRẦN VĂN THU

(Người dân làng Rồng, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế)

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/nhan-dan-ca-nuoc-tiec-thuong-nguyen-tong-bi-thu-le-kha-phieu-613020/