'Nhâm nhi' Tết Việt qua những trang ký ức văn thơ nhạc họa

Thú chơi sách Tết những năm gần đây trở lại vô cùng mạnh mẽ. Nếu những năm trước chủ đề chủ yếu xoay quanh đại dịch, thì năm nay nhiều chuyến du hành về lại quá khứ đã được gợi mở.

Trong nhiều ấn phẩm ra mắt nhân dịp Tết này, Sách Tết Quý Mão 2023 của Đông A có thể nói là tập sách ấn tượng với sự góp mặt của nhiều văn – nghệ sĩ, họa sĩ nổi tiếng. Vẫn được tuyển chọn thường niên bởi nhà văn Hồ Anh Thái, năm nay sách có sự góp mặt của những tác giả nổi tiếng như: Xuân Phượng, Nguyễn Thị Minh Thái, Ma Văn Kháng, Nguyễn Thị Thu Huệ, Lê Minh Khuê, Trung Sỹ…

Những thú vị ngày Tết thời phong kiến

Mở đầu tập sách, nhà văn Xuân Phượng kể về cái Tết những năm 40 của thế kỷ trước trong bài Tết quê nội, Tết quê ngoại. Câu chuyện khá thú về những phong tục cũng như thói quen vào dịp năm mới thời còn phong kiến. Đón Tết quê nội ở tận Phan Rí, bà kể về việc mời các thợ may ở luôn nhà mình để may áo mới cho các chị em. Có một người ông là quan chức sắc triều đình, nên các hoạt động cũng thật khác lạ so với hiện nay.

Vào ngày Mùng một, con cháu trong nhà sẽ tập hợp lại trong một khoảnh sân dưới con mắt nhìn của người ông lớn đang mặc triều phục và mũ cánh chuồn. Cứ một tiếng trống là một cái lạy, để rồi sau đó trẻ con sẽ được nhận tiền trong các lần vung. Sau nghi thức ấy trẻ sẽ tiếp tục được ra làng chơi với các trò vui có thưởng như Tôm, Cua, Rùa, Ếch, ném vòng, bịt mắt bắt dê, hô bài chòi, đánh lô tô…

Cũng nói về những trò vui của bọn trẻ con, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Minh Thái cũng kể về những ký ức “mâm cao cỗ đầy” trong ba ngày Tết. Bà nhớ những “đĩa thịt gà, thịt lợn luộc chặt miếng to, đĩa đầy tú ụ, nào nộm đu đủ, dưa hành muối, canh măng, canh bóng miến, bánh chưng…” Tuy thế thay vì tận hưởng bàn tiệc một năm mới có một lần, thì bọn trẻ con trong tuổi ham vui chỉ thích tam cúc, nhảy dây, nhảy ngựa, ra đồng trộm mía, bẻ ngô về nướng… chứ chẳng thiết mấy đến bàn tiệc ấy.

Do sống trong thời đại phong kiến, nên sự phân biệt nam – nữ vẫn còn tồn tại. Tuy thế nhà văn Xuân Phượng không kể về những điều này với vẻ phê phán, mà ở đâu đó còn khá vui vẻ. Đó là quá trình "cực hình nữ công" với Tết quê ngoại. Ở đó nữ giới phải ngồi cẩn trọng gọt từng củ gừng, sau đó là những rổ me phải tách vỏ ra mà viêc nữ công đòi hỏi vẫn phải giữ nguyên vẹn phần cái bên trong. Họ cũng đánh nhừ thật nhuyễn chè đậu xanh, chè hạt sen… để pha màu xanh, đỏ, vàng, và rồi tỉa hoa với đủ hình dạng và mọi màu sắc…

Những ngày sau đó tiểu thư khuê các còn được các o giúp việc bưng ra mấy nồi bồ kết, hương nhu, chanh sả thơm lừng... để gội đầu. Ở một phía khác là nồi cháo to mà đã thành lệ, vào chiều ba mươi thì các gia đình đều đặt trước cổng để cho người nghèo đến ăn như nét văn hóa chia sẻ từ những ngày cũ.

Bìa cuốn sách Sách Tết Quý Mão 2023.

Cái Tết quê hương đầm ấm là thế, còn với những người xa xứ như nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Minh Thái thì nó cũng đầy cảm xúc và những tiếng vọng. Với những ký ức khi đi du học ở tận nước Nga xa xôi, bà kể về lần đón Tết không thể nào quên với cô giáo tiếng Nga, thầy dạy thể hình sân khấu… của mình. Dịp đặc biệt này họ đã trở thành gia đình để đến uống rượu Lúa Mới, ăn thịt gà luộc, rồi còn nem rán, thịt đông… đến độ hôm sau bà phải nghỉ học nhưng lại nhận được nhiều sự cảm thông từ phía thầy cô dẫu khi bình thường vô cùng nghiêm khắc.

Tuy thế một nỗi nhớ nhà và tình hoài hương vẫn luôn hiện diện, khiến con người ta chực trào nước mắt. Bởi nhẽ như bà nhớ lại, người Việt dù sống tha hương ở phương trời nào, thì cũng hoài nhớ đến Tết Việt Nam như nỗi “nhớ đầy”, “và nỗi lòng họ, đã như nước chảy về chỗ trũng là nơi bản quán, như lá phải rụng về cội rễ quê hương”.

Muôn màu ký ức Tết Việt

Hướng về quá khứ nhưng cũng không quên những ngày hiện tại, phần Văn của tập sách này cũng nói về những góc riêng mà bất cứ ai cũng sẽ thấy mình ở đâu trong đó. Với bài Chậu lan Thầy cho ngày tết, nhà văn Ma Văn Kháng kể lại hành trình mình bị mất lan, từ đó nhớ lại ý nghĩa của sự sẻ chia. Theo ông cho đi là một hành vi phổ biến của con người, và khi đã là con người thì phải yêu thương, do đó cho đi chính là biểu lộ cao nhất của khả năng và quyền lực cá nhân.

Vì thế ta sẽ thấy được những sự sẻ chia lan ra rộng khắp như cơn mưa xuân gieo xuống những lộc. Tác giả Trương Anh Quốc với Thả bò lên núi cũng khai thác một góc rất khác về những “người bạn” mà ta vốn dĩ thân quen nhưng không ai nhớ vào dịp đặc biệt. Để sau những lời thăm chúc, những bao lì xì… đến khi đi cúng khai sơn thì bò đã không còn nữa, bị hổ ăn mất.

Minh Khuê và Văn Thành Lê cũng dành ra những trang viết cho các thân phận không được may mắn trong cuộc sống này, để như một lời thủ thỉ và sự sẻ chia, chúng ta cùng ngồi ngậm ngùi và nhớ đến họ. Đó là những người thiếu nữ vô cùng mỏng manh trước cuộc sống này, bơ vơ giữa tương lai mới hay bị gả đi không theo ý muốn, mà sự nhắc nhớ duy nhất vào mỗi năm mới là một tấm thiếp. Nhưng đến một năm thiếp mới chẳng đến, thiếp xưa thì phai nhạt màu đi theo chính số phận linh đinh của một con người.

Các phong tục riêng như nôn vào cây cột ma, mua lợn về cúng để rửa cột nhà… của các đồng bào miền cao cũng được khai thác vô cùng mới lạ trong bài Lễ phạt vạ của tác giả Hữu Vi. Và dù muôn hình vạn trạng thì tựu trung lại đó đều là những tình cảm cũng như một lòng biết ơn dành cho các thầy/cô giáo không ngại khó khăn đem chữ đến với vùng cao.

Khép lại cuốn sách, ký ức về những cái Tết thời còn sinh sống ở tại quân khu Nam Đồng muôn mặt thiếu thốn cũng được kể lại. Nhà thơ Ý Nhi cũng nhớ về mẹ của mình, trong việc gom đường trước khi Tết đến để làm những loại mứt ngon, gói thành dăm ba chiếc bánh cho bọn trẻ con, khách đến chơi nhà. Trí nhớ có thể suy tàn, ký ức có thể quên đi, nhưng khi Tết đến chúng sẽ sống lại và thực rực rỡ như màu xác pháo vẫn muôn năm cũ.

Trân trọng quá khứ, biết ơn hiện tại… Sách Tết Quý Mão 2023 mang đến nhiều ký ức đẹp, từ đó con người sẻ chia, hy vọng và dành nhiều sự quan tâm hơn nữa đến nhau. Cùng với những món ăn ngon, những thú vui riêng… đọc sách ngày Tết như một nguồn vui trong những ngày này.

Minh Anh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/nham-nhi-tet-viet-qua-nhung-trang-ky-uc-van-tho-nhac-hoa-38155.html