Nhạc sĩ Nguyễn Cường kể chuyện 'viết nhạc theo đơn'

Trong nhóm 'tứ quái' Hà Nội có 3 cái tên nổi lên là những 'thương hiệu' trong việc viết 'tỉnh ca', 'ngành ca' là các nhạc sĩ: Trần Tiến, Phó Đức Phương và Nguyễn Cường. Nhiều người cho rằng, nghệ thuật mà mang tính thương mại thì thực dụng quá, nhưng nhạc sĩ Nguyễn Cường lại có lý lẽ rằng, đặt hàng chính là 'thước đo' biểu hiện giá trị của người viết.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường. Ảnh: Quang Đức

Những “bậc thầy viết thuê”

Trong làng nhạc không hiếm chuyện các nhạc sĩ được đặt hàng để viết ca khúc, như bài “Hoa sữa” của nhạc sĩ Hồng Đăng viết cho phim “Hà Nội mùa chim làm tổ”, “Một thoáng quê hương” của nhạc sĩ Thanh Tùng viết cho cuộc thi Hoa hậu Áo dài, “Gót hồng” của nhạc sĩ Bảo Phúc trở thành “hoa hậu ca” cũng là viết trong dịp đặt hàng... Nhưng “viết thuê” mà khỏe và giỏi thì trong giới hiện chưa ai vượt qua được các “thương hiệu” Trần Tiến, Phó Đức Phương và Nguyễn Cường.

Với nhạc sĩ Trần Tiến, có những đơn đặt hàng viết về ngành tưởng chừng rất “khó nhằn”, khô khan, nhưng ông đã nâng tầm những liệt kê, đặc trưng về ngành nghề thành triết lý trong đời sống. Chùm ca khúc nổi tiếng như: “Cô bé vô tư”, “Sao em nỡ vội lấy chồng”, “Thượng đế buồn”… giờ đây không còn bị “mặc định” là những ca khúc đặt hàng mà đã đi vào đời sống.

Đến khó như viết về doanh nghiệp Tôn Hoa Sen mà nhạc sĩ Trần Tiến cũng chuyển hóa tài tình thành ca khúc “Sen hồng hư không”. Từ logo Hoa sen của doanh nghiệp, nhạc sĩ liên tưởng đến hoa sen trong đạo Phật để thi vị hóa triết lý trong kinh doanh của đơn vị này: Một đóa sen hồng của lòng từ bi bao dung bác ái cõi Phật đã bừng nở trong hư không thiền định, chở che nhân gian trước bão giông cuộc đời. Thế nên trong bài mới có những ca từ: “Một đời doanh nhân chi sơ bản thiện rồi ngày đêm thao thức”, “Sắc sắc không không đem giông mịt mùng dưới mái tôn nghe như kinh nguyện cầu”; hay như tiếng mưa được ví như tiếng đàn, mái tôn được hát thành “Mái che ân tình”.

Nhiều ca khúc nổi tiếng khác cũng được “kê đơn”, nhưng nếu không được nhạc sĩ Trần Tiến bật mí, công chúng sẽ khó mà nhận ra, như ca khúc nổi tiếng “Vết chân tròn trên cát” viết cho ngày Thương binh – Liệt sĩ, giờ đây không chỉ “nằm lòng” với chiến sĩ mà còn với công chúng mỗi khi nghĩ về sự hi sinh cao cả của các anh trong chiến tranh. Những ca khúc “tỉnh ca” như “Vật đổi sao dời” viết cho Đà Nẵng, tuy chưa có độ phổ cập rộng rãi như các ca khúc trước đó của ông, nhưng theo tiết lộ của nhạc sĩ Trần Tiến, hồi ông Nguyễn Bá Thanh còn đương chức ở Đà Nẵng, đã gọi điện cảm ơn và khen bài hát đã nói được hình ảnh rất đẹp của sông Hàn, gắn liền với những thân phận con người và mang bản sắc thành phố.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng là một tên tuổi nổi tiếng để đặt hàng. Bài “Về quê” ban đầu được viết theo lời đề nghị của Đoàn Quan họ Bắc Ninh. Thời gian ấy, nghệ sĩ Thúy Cải là Trưởng đoàn đề nghị ông viết cho giọng hát Hai Tráng một ca khúc mới, phù hợp với cấu trúc chương trình mà đoàn đang xây dựng. Từ những câu hát mộc mạc, giản dị của người con xa quê: “Theo em, anh thì về, thăm lại miền quê, nơi có một triền đê, có hàng tre ru khi chiều về”... ông đã đẩy lên thành triết lý: “Nơi bền lâu là nơi lắng sâu/Thiếu quê hương ta về đâu”. Bài hát sau đó được nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha đúc kết là “ca khúc kiếm cơm nhiều nhất và phổ biến nhất của những người hát rong”.

Ngoài ra, còn nhiều ca khúc khác như: “Những cô gái quan họ”, “Về quê”, “Hồ trên núi”, “Trên đỉnh Phù Vân”, “Chảy đi sông ơi”, “Không thể và có thể”... đều là những tác phẩm được nhạc sĩ Phó Đức Phương viết theo đơn đặt hàng của các bộ phim hay vở kịch nhưng đều “thoát ly” để trở thành ca khúc của số đông. Những câu chuyện về đặt hàng hay viết cho sự kiện cụ thể, giờ chỉ là giai thoại mà thôi.

Đặt hàng không phải chỉ có tiền

Ông Vũ Duy Bổng- người được ví như "doanh nhân đại nghĩa" trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa cho Hòa Bình.

Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhạc sĩ Nguyễn Cường là người để lại “gia sản” lớn là những tác phẩm đồ sộ bắt nguồn từ đặt hàng. Ví dụ, “Đại bàng giọt đắng” viết về cà phê Trung Nguyên dài 3 chương; “Mặt trời trên đỉnh Chư H'Drông” (4 chương) do tỉnh Gia Lai đặt hàng; tác phẩm nữa là “Parasamgate” viết cho dịp đại lễ Vesak diễn ra tại Ninh Bình. Hay một loạt những ca khúc rất nổi tiếng khác như: “Ơi Mdrak”, “Ly cà phê Ban Mê”, “Đôi mắt Pleiku”, “Hơren lên rẫy”... đều là các sản phẩm từ đơn đặt hàng của doanh nghiệp, hoặc địa phương.

Dẫu vậy, khi nói đến từ “đặt hàng” là nhạc sĩ Nguyễn Cường lại giãy nảy: “Mọi người thường nghĩ không đúng về từ đặt hàng. Những bài hát chỉ là “tỉnh ca”, “huyện ca” hay thậm chí là “công ty ca” như: “Jamaika”, “Torna a Surriento” hay “Hotel California” đã được cả thế giới biết đến và ngưỡng mộ. Nhiều sáng tác của những nhạc sĩ lừng danh trên thế giới như Beethoven, Chopin hay Mozart và những tác phẩm lớn của Việt Nam là sản phẩm của đơn đặt hàng. Nhưng đặt hàng không có nghĩa là bắt tôi viết thế này, bắt tôi viết thế kia. Tôi vẫn luôn được tự do trong xúc cảm của mình và muốn viết thế nào thì viết. Như “Đà giang đại hợp xướng”, chi phí thực hiện lên đến hàng tỷ đồng, nhưng tiền đó là cho tác phẩm, còn tôi thì không nhận một đồng nào cả. Thế nên đừng nghĩ đặt hàng chỉ là tiền”.

Cũng theo nhạc sĩ Nguyễn Cường, việc đặt hàng chỉ có nghĩa đảm bảo về đầu ra, còn khi thực hiện lại mất rất nhiều công sức, vì khi đó không chỉ viết vì cái tên của mình mà còn vì sự tín nhiệm của “đối tác”. “Để viết tác phẩm “Đà giang đại hợp xướng” nhân kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh Hòa Bình, tôi đã mất một năm trời và từ bỏ hết tất cả những dự án khác để chuyên tâm. Tôi phải đọc rất nhiều sử thi, từ “Đẻ đất, Đẻ nước” đến “Người Việt, người Mường” để hiểu văn hóa Hòa Bình mới ra được”, nhạc sĩ Nguyễn Cường nói.

Dù vậy, có những đơn đặt hàng mà nhạc sĩ Nguyễn Cường phải từ chối, như có lần đã nhận lời một xí nghiệp đóng tàu, nhưng ông đành xin lỗi rút lui vì “không sao tìm ra vẻ đẹp trong tâm hồn người đặt hàng”. Với ông, nó phải bắt nguồn từ cái duyên và cả sự đồng điệu về văn hóa, cảm phục về tài năng và nhân cách của họ thì mới có cảm hứng sâu sắc. Ông bảo: “Như với “Đại bàng giọt đắng”, tôi viết là bởi quý Đặng Lê Nguyên Vũ có một tình yêu với đất nước. Vũ không khát khao phấn đấu vì tiền mà vì lòng tự tôn dân tộc. Lúc đặt hàng, Vũ đề nghị tác phẩm không cần nhắc tên doanh nghiệp cậu ấy. Trong bài hát có câu nói tự đáy lòng của Vũ mà tôi rất thích: Một ngày mới cho ta, cho quê hương”.

Hay với “Đà Giang đại hợp xướng”, nhạc sĩ Nguyễn Cường gọi mối duyên này là “hành trình tìm về với nguồn cội của người Việt”. Nhạc sĩ kể, chính giai điệu “Bình Boong Bính Khẳm” xuyên suốt tác phẩm 4 chương là sự “phát lộ” từ ông Bùi Ngọc Lâm, Giám đốc Sở Văn hóa tỉnh Hòa Bình trong một lần uống rượu. Rồi trong quá trình thực hiện tác phẩm, doanh nhân Vũ Duy Bổng - người bỏ Hà Nội lên Hòa Bình lập nghiệp và có 10 năm gắn bó với văn hóa Mường - đã cho nhạc sĩ Nguyễn Cường những gợi ý tuyệt vời, như đưa tiếng mo, làn điệu hát ru bằng ngôn ngữ Mường do chính các nghệ nhân Mường thể hiện... Hỏi ra mới biết, doanh nhân Vũ Duy Bổng vốn là một nhạc công chơi guitar, nhưng vì thiếu một chút duyên nên ông đã rẽ hướng làm kinh doanh. Dù vậy, trong đời sống, doanh nhân Vũ Duy Bổng vẫn giữ sự quảng giao với giới văn nghệ sĩ, mê đắm và am hiểu văn hóa dân tộc. Mong muốn có một tác phẩm mang đậm dấu ấn Hòa Bình cũng là xuất phát điểm để ông và nhạc sĩ Nguyễn Cường gặp nhau.

Dù đặt hàng nhưng đó chỉ là cái cớ để các nhạc sĩ biểu đạt cảm xúc cá nhân với đời sống. Nói như nhạc sĩ Trần Tiến: “Tôi chỉ mượn quảng cáo của họ để nói câu chuyện tâm hồn mình”. Chính vì vậy mà các tác phẩm “có điều kiện” ấy mới trở nên lan tỏa và bám trụ vào đời sống sâu sắc đến vậy.

Nói về những tác phẩm đặt hàng bởi các doanh nhân, nhạc sĩ Dương Thụ cho rằng: “Đó là cách làm thương hiệu văn minh và đẳng cấp. Như ở Nhật, họ có thuật ngữ “doanh nhân đại nghĩa”. Tôi nghĩ doanh nhân là phải tài trợ cho nghệ thuật, làm phát triển văn hóa chứ không phải chuyện gì cũng nghĩ đến doanh thu được”.

Thanh Hà

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giai-tri/nhac-si-nguyen-cuong-ke-chuyen-viet-nhac-theo-don-20160725081314177.htm