Nhạc buồn

- Anh Nguyên ở trong ngành công an đã gần hai mươi năm, đối mặt với tội phạm hằng ngày, anh đã có nhiều thành công trong công việc. Xin hỏi anh, lặn lội mãi trong cái mặt trái, mặt tối đen của đời sống, có lúc nào anh thấy con người thật là đáng ghê sợ và khinh ghét không?

- Ghê sợ, khinh ghét thì không, nhưng đã có lúc tôi hoang mang.

- Hoang mang?

- Hoang mang thật sự. Là bởi vì, con người, cái sinh thể tuyệt vời của tự nhiên, xã hội ấy lẽ ra phải kiêu hãnh và sống đẹp hơn nữa thì nhiều lúc nó lại để dục vọng lấn át, chi phối đến khó hiểu!

- Như vậy là con người bất chấp cái uy của pháp luật, cái quyền năng của sự trừng phạt, cứ ngang nhiên phạm tội, tăm tối và vô phương biến cải!

Nghe tôi lý sự, Nguyên - Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy công an huyện cười nhẹ:

- Anh lý luận về con người tuyệt hay. Nhưng để cụ thể, tôi kể cho anh nghe một tình huống tôi đã trải qua khi đi bắt tội phạm.

***

Sau đây là câu chuyện của Nguyên.

Lê Toan là một tội phạm. Tội lỗi của y đã rành rành, đầy đủ tang chứng, không thể chối cãi và hôm ấy Nguyên chỉ còn một việc đơn giản là đến nhà, đưa anh ta về nơi giam giữ.

Nhà Toan là biệt thự cổ thừa kế của ông cha giữa một khu vườn xanh om cây lưu niên. Cảm giác gặp lại một giá trị tinh thần hiếm hoi đã se thắt tim Nguyên. Khi bước vào tiền sảnh, Nguyên còn nghe thấy tiếng đàn dương cầm buông từng giọt thánh thót và anh nhận ra đó là một bản nhạc buồn.

Trong rưng rưng cảm xúc, Nguyên sững sờ đứng lặng đón nhận cái nhún chân, cúi đầu thi lễ của một bé gái mặc váy trắng, tết nơ hồng ở hai bím tóc vừa rời đôi bàn tay xinh trên những phím đàn trắng điểm đen.

- Sao cháu chơi bản Nhạc buồn này của thiên tài Sô-panh da diết thế!

- Dạ!

- Thưa ông, mời ông uống trà. Nhà tôi ở trên lầu đang thu xếp đồ đạc ạ - đáp thay lời cháu gái là một thiếu phụ xinh đẹp. Chị dịu dàng đặt trước mặt Nguyên một cốc nước trà hồng. Sau lưng chiếc ghế bành anh ngồi là bức tranh Mùa thu vàng tuyệt đẹp nổi tiếng của họa sĩ người Nga Lê-vi-tan khung nạm vàng. Một bộ kỷ gỗ mun kê ở giữa buồng, bóng lọng như đồ vật chào hàng. Chiếc tủ kính chia 3 tầng, đặt những lọ, bình, tượng bằng gốm, sứ, đá, đồng, những vật thể đẹp và lạ từ dáng, kiểu đến chất liệu, kết tinh một trình độ thẩm mỹ cao. Trên cái đi-văng da kê ở góc xa, một chiếc gối mây đặt trên một chiếc chăn len vừa gấp còn ấm hơi người. Cạnh đó, một cuốn sách dày, bìa cứng nổi dòng chữ xanh đậm: Tuyển tập Hêminguây, nằm dưới một cái chao đèn bọc lụa màu mỡ gà.

Khung cảnh, bầu không khí trầm tĩnh, yên ả và cuốn tuyển tập khiến Nguyên lặng đi. Còn ao ước nào hơn là nếu thi thoảng được tách ra khỏi tất cả cái phồn tạp, nhộn nhàng để trở về trong sự thanh tĩnh phẳng lặng nghiêm ngắn này!

Cộc cộc cộc...

Từ trên gác, tiếng những bước chân đặt lên cầu thang vọng xuống nghe như tiếng búa nện. Nguyên đứng dậy và có cảm giác phải nhảy một bước dài để ra khỏi cái trạng thái bản nguyên vừa đạt tới. Người đàn ông mà anh đến bắt đi quy án từ cầu thang bước xuống, chậm rãi đi ra.

Dừng lại giây lát ở cửa phòng khách, gương mặt nhọn hoắt cùng cái mũi khoằm khoặm của anh ta chợt nhợt bệch như mất máu. Một đối nghịch đã xuất hiện và phá vỡ khung cảnh hài hòa. Người đàn ông mũi khoặm kia, anh ta còn mong mỏi, còn ước muốn gì nữa nhỉ? Anh ta còn muốn đi tới bến bờ nào? Không, anh ta đâu có nghèo. Anh ta đã học xong bậc đại học. Về danh vị thì anh ta đã là một cán bộ cấp trung cao trong hệ thống chính quyền. Lương bổng chân chính của anh ta và của cải thừa kế của ông cha thừa mứa cho anh ta sống đến mãn đời. Anh ta có 3 tài khoản ở ngân hàng và 10 sổ tiết kiệm với tổng số tiền 40 tỷ đồng. Anh ta sở hữu 3 tòa biệt thự, 2 chiếc ôtô loại siêu sang… Anh ta có một con trai đang học thạc sĩ ở London, Vương quốc Anh. Anh ta có một người vợ trẻ đẹp. Hiện ở nhà anh còn một con gái. Cô bé xinh xắn và là một năng khiếu dương cầm. Tóm lại, cuộc sống của anh ta là cuộc sống hàng tỷ người mơ ước mà không có. Vậy thì thuộc dạng trí tuệ gì và chịu sự chi phối của một hệ tư tưởng nào mà vừa rồi anh ta lại giấu cả mấy chục cặp hêroin ở khung bức tranh quý giá nọ trong chuyến bay xuất ngoại với danh nghĩa một cán bộ cao cấp đi công tác? Mà không chỉ có lần vừa rồi?

- Chú ơi chú, thế là đời cháu tan nát hết rồi!

Cô bé xinh xắn nức nở gục mặt trên mặt đàn. Nguyên dẫn người đàn ông đi qua căn phòng. Mặt người đàn ông tái dại. Anh ta đứng lại và bất thần rập hai đầu gối xuống trước mặt đứa con gái tuổi đời còn đang dở dang, hai hàng nước mắt đổ chan chan, miệng mếu xệch:

- Con ơi, ba có tội! Ba đã phản bội Đảng. Ba có tội với nhân dân, với tổ chức, với đồng nghiệp. Giờ đây, ba đau khổ lắm, ân hận lắm. Ba xin lỗi tất cả. Hãy tha tội cho ba!

- Anh có nghe rõ câu nói cuối cùng của Toan không? - Nguyên hỏi tôi, rồi tiếp - Tôi tin rằng ân hận và đau khổ là tâm trạng thành thật của người tội phạm này. Thế đấy! Dục vọng chính là nguồn gốc sự đau khổ của anh ta và tiếc rằng tất cả đều đã muộn màng! Con người bị dục vọng điều khiển rồi khi tỉnh ra thì nuối tiếc, khổ đau là thế đấy!

***

Ngưng lại mấy giây, lát sau nhìn tôi, Nguyên tiếp, giọng thật sâu trầm:

- Vâng, tất cả là do dục vọng. Tất nhiên, đã là con người thì ai mà không có ham muốn, dục vọng. Nhưng xét ra thì cũng có nhiều cách hiểu và thực hiện dục vọng. Biết đủ là đủ là một cách. Biết đủ là đủ không phải là thái độ của kẻ ươn hèn, cầu an, trì trệ, không dám vươn tới thay đổi số phận. Trái lại, biết đủ là đủ là phẩm chất của con người sáng suốt, biết phải trái, biết hoàn cảnh và năng lực của mình, biết giới hạn, không sa vào trạng thái ảo tưởng, biết chế ngự lòng tham vốn là nhân tính của con người. Thực ra, chưa cần biết đến triết thuyết của Lão Tử, biết đủ là đủ đã là một quan niệm về cách sống trong hiện thực đời sống của nhân dân ta từ trong lịch sử. Hoặc như ngày nay, ở Thụy Điển, người ta đang phổ biến một cách sống gọi tắt là Lagom, theo họ thì hạnh phúc là một cuộc sống cân bằng, vừa đủ, không quá nhiều, quá ít, hài hòa với xung quanh, một cuộc sống nhẹ nhõm, yên bình.

Còn như để dục vọng chi phối thì con người còn đau khổ. Dục vọng gây ra đau khổ cho người ta, theo triết gia Đức Arthur Schopenhauer, là do 3 lẽ sau: Một là, ham muốn nảy sinh vì cảm thấy đòi hỏi còn nhiều, còn cháy bỏng, nghĩa là nó nảy sinh từ chỗ vốn đã đau khổ. Hai là, phần lớn các ham muốn đều không được thỏa mãn ngay và hoàn toàn nên thường dẫn đến đau khổ dữ dội. Ba là, dù ham muốn có đạt được mục tiêu thì đó cũng không phải là thỏa mãn vĩnh viễn, mà là sự thỏa mãn chỉ tạm thời, nghĩa là sự đau khổ của họ còn phải kéo dài cho đến cả những ngày sau đó nữa.

Tham khảo thêm vấn đề này có thể nhắc đến câu nói sau đây của Khổng Tử: “Tòng tâm sở dục bất du củ”. Nghĩa là lòng ham muốn của mình cũng không nên vượt quá quy củ. Quy củ giờ đây có thể hiểu trên 2 phương diện: Những quy phạm bên ngoài, tức hệ thống luân lý pháp luật, quy tắc của tổ chức và những ràng buộc bên trong nội tâm, tức lương tâm, lẽ phải, đạo lý nhân sinh. Làm trái với quy phạm quy tắc luật lệ xã hội hiển nhiên là sẽ không thể có sự yên bình. Hoạt động trái với ràng buộc nội tâm ắt sẽ dẫn đến cắn rứt, giày vò, khổ đau từ trong tâm khảm.

Ma Văn Kháng

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/542/156523/nhac-buon