Nhà văn trẻ Tống Phước Bảo: Túi văn trĩu giải thưởng

Văn đàn mấy năm gần đây không ai xa lạ với cái tên Tống Phước Bảo. Tần suất tên anh xuất hiện dày đặc không chỉ ở số lượng tác phẩm văn học xuất bản trên các phương tiện thông tin đại chúng, mà Tống Phước Bảo còn khiến văn đàn và bạn viết biết tới anh đông đảo hơn, mến phục anh nhiều hơn bởi những giải thưởng văn chương mà anh đoạt được. Trong hơn 10 năm cầm bút, anh đã 'săn' về một tay nải kha khá tầm 20 giải thưởng lớn nhỏ. Một sức viết đáng nể phục.

Văn nghệ Công an Xuân Giáp Thìn đã có cuộc trò chuyện thú vị với anh.

Nhà văn trẻ Tống Phước Bảo.

- Anh bắt đầu viết văn từ lúc nào? Con đường văn chương của những người văn thường bắt nguồn từ những lí do, vì nghề văn nó lạ lắm, đặc biệt lắm, nó là nghiệp vận thì đúng hơn là lựa nghề. Với anh thì sao?

+ Thực ra hành trình văn chương của tôi tính ra phải chia 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu là những năm học cấp 3 cho đến thời sinh viên vỏn vẹn tầm 4 năm là tôi bỏ viết. Bẵng đi 15 năm, một mối lương duyên đưa tôi gặp lại các bạn viết hồi ấy, nhìn bạn bè mình đã là nhà văn có sách, tác phẩm in báo, tôi lại thấy hình như lửa trong lòng được nhen nhóm. Tôi nhớ khoảng tháng 8 năm 2017 tôi lại bắt đầu viết, mà là truyện ngắn. Tự dưng bỏ cả 15 năm mà ngồi xuống viết một mạch gởi cho báo, chỉ nửa tháng sau tờ báo chọn in truyện. Tôi nghĩ thôi rồi, “tổ” văn chọn mình. Viết lách như một cái nghiệp, kiếp tằm thì phải nhả tơ. Kể từ khi đó tôi mới thực sự đến với văn chương bằng sự dấn thân.

- Cứ cho văn chương với anh là một nghề đi, vì chỉ có là nghề thì người làm nghề mới có động lực, hoặc áp lực (cười) để sản xuất đều đặn và năng suất như vậy. Nhưng tôi băn khoăn lắm. Nghệ thuật là sự sáng tạo của cá nhân. Mà sáng tạo thì phải có cảm hứng, có cảm xúc… Anh lấy đâu ra nhiều cảm xúc để sáng tác đến thế?

+ Thực ra khi dấn thân vào viết lách tôi thấy đó là cái nghề chứ không phải câu chuyện đam mê. Bởi nếu chỉ xem đó là đam mê thì chỉ là nhất thời. Chúng ta sẽ ngẫu hứng và dễ buông bỏ. Tôi nghĩ nghề nào cũng có áp lực, cũng phải đối diện khó khăn. Nhưng, với nghề này và với tính cách của tôi thì áp lực lại là động lực để trau dồi, học hỏi và quyết tâm hơn. Cảm xúc không thể tự rơi vào mình. Ngoài phố xá, trên những chuyến đi, những cuộc gặp gỡ, những câu chuyện đời đó mới là chất liệu tạo nên cảm xúc. Cảm hứng từ đâu ra? Từ sự chín mùi của cảm xúc, từ sự tiếp lửa trong các cuộc giao lưu, thậm chí đọc 1 truyện ngắn hay của bạn bè chúng ta vẫn tự lấy lại cho mình cảm hứng, tự tạo được động lực để viết. Quan trọng là chịu sống, đi, ngẫm và ngồi xuống. Chữ dắt chữ. Mọi thứ trong đầu sẽ nhảy múa trên trang viết. Nghề văn nó đặc biệt là chỗ đó.

- Trên văn đàn, Tống Phước Bảo được xem là một tay “sát thủ săn giải”. Từ khi viết văn đến nay hơn 10 năm mà anh đã sơ sơ có bộ sưu tập khoảng 20 giải thưởng lớn nhỏ. Trong số người viết trẻ, tay nải giải thưởng của anh có vẻ nặng hơn cả? (cười).

+ Thiệt tình là tôi nghĩ cuộc thi hay giải thưởng là cái duyên đấy. Nếu mình nói viết là cái nghiệp quàng vào thân, mình cứ sống trọn vẹn với cái nghiệp đấy, tổ nghề sẽ đãi. Tôi vẫn hay nói với các bạn văn trẻ vậy đó. Nếu nói ra điều này chắc độc giả sẽ mắc cười, chúng tôi ở khắp nơi, một dịp gặp nhau hẹn hò đôi khi chẳng thành, nhưng tụ nhau ở một cuộc đi lĩnh giải sẽ là một niềm vui rộn ràng. Quả thật, văn chương cho tôi nhiều niềm vui bạn bè, sự kết nối thân gần và tôi nghĩ khát khao gặp nhau của dân viết lách là một khát khao dễ thương.

- Anh đánh giá thế nào về chất lượng của những giải thưởng văn học hiện nay. Nhà văn Nguyễn Thế Hùng mới đây trên diễn đàn Văn nghệ Công an có nêu vấn đề các cuộc thi sáng tác văn học hiện nay nhiều như cuộc thi Hoa hậu. Nhiều quá thì dễ hóa nhàm, không còn sự thiêng liêng nữa. Có những giải trao xong rồi chìm luôn, không ai còn nhớ tác phẩm và giải thưởng nữa. Anh nghĩ sao về điều này?

+ Tôi đọc và thích bài báo này của anh Nguyễn Thế Hùng. Bây giờ nhiều cuộc thi cả trên các báo lớn, báo ngành, tạp chí rồi trên các diễn đàn văn chương mạng. Chúng ta không quơ đũa cả nắm vì cuộc thi nào suy cho cùng có một động lực cho giới viết lách, cũng cho thấy văn chương vẫn còn hấp lực. Tuy nhiên là người viết, bản thân chúng ta phải tự chủ mình phù hợp cuộc thi nào, và giải thưởng là một động lực để mình phấn đấu chứ không phải để mình ảo tưởng để rồi chết trong ảo tưởng đó. Có bạn văn trẻ đoạt giải thưởng rồi tự cho mình là tài năng, thậm chí giở giọng cao đạo là tiền bối với các bạn trẻ khác. Hóa ra tác phẩm đoạt giải ấy được góp ý và nhào nặn từ tay một nhà văn chuyên nghiệp khác. Thậm chí có người trẻ ăn cắp ý tưởng tinh vi để phát triển thành tác phẩm mình, may mắn lọt qua Ban giám khảo có giải nhưng rồi họ vẫn chìm nghỉm vì chính bản thân họ đến với văn chương không thật tâm và không có nội lực. Văn chương trao cho mình một thân phận và mình phải sống đẹp trước tiên với thân phận văn chương mới mong cầu một đường văn dài và sâu được.

Nhà văn trẻ Tống Phước Bảo phát biểu tại lễ trao giải Cây bút Vàng của Bộ Công an.

- Nhìn bộ sưu tập giải thưởng của Tống Phước Bảo, bạn đọc dễ nghĩ anh viết là để săn giải (cười). Vì sao anh biết đến nhiều cuộc thi để mà tham gia thế? Anh có thể chia sẻ về những giải thưởng văn chương tâm huyết nhất mà anh được trao tặng? Anh đã viết tác phẩm đó như thế nào?

+ Nhiều khi các bạn văn chính là người cho tôi thông tin để tôi thi. Có những cuộc thi mà Phan Đức Lộc, Hoàng Anh Tuấn, Lê Đình Trung, Đào Thu Hà… còn dí tôi từng ngày, từng tháng để thi. Cho đến bây giờ tôi thích 2 giải thưởng mà mình đoạt được, đó là giải B cuộc thi Cây bút Vàng của Bộ Công an với truyện ngắn “Hiên chờ”. Tôi quý giải thưởng này bởi đây là tác phẩm đầu tiên tôi viết về chiến sĩ Công an trong những ngày TP Hồ Chí Minh phong tỏa vì dịch. Tôi không mang đến một câu chuyện không nặng về nghiệp vụ mà là một câu chuyện giữa con người với con người, dù khoác lên mình màu áo nào, thì chữ tình vẫn là thứ khiến chúng ta vì nhau mà sống. Giải thứ 2 mà tôi thích là giải Nhất của cuộc thi truyện ngắn “Một nửa làm đầy thế giới” - do NXB Văn hóa - Văn nghệ TP Hồ Chí Minh tổ chức. Tác phẩm “Tràng Phan” nói về một ngành nghề may cờ phướn của người Hoa ở Chợ Lớn. Một ngành nghề bị mai một theo sự phát triển hiện đại. Từ cuộc thi viết này tôi có một nhóm bạn thân và luôn động viên nhau trong nghề viết.

- Anh cũng là một trong những gương mặt sáng giá khi viết về đề tài Công an và nhiều lần đoạt giải thưởng của Bộ Công an. Anh có thể chia sẻ về đề tài này trong các sáng tác của anh?

+ Tôi phải cảm ơn Phan Đức Lộc, một nhà văn Công an, một người em mà tôi quý, bởi Lộc là người cho tôi thông tin cuộc thi Cây bút Vàng. Người thứ hai là biên tập viên Nguyễn Thùy Liên của Nhà xuất bản CAND vì chị luôn đồng hành, góp ý cho tôi những sáng tác về đề tài Công an. Nhưng trước khi có giải thưởng viết về đề tài Công an thì chính Chuyên đề Văn nghệ Công an là tờ báo đưa tôi đến với đề tài này. Biên tập viên như anh Thế Hùng, chị Như Bình của Văn nghệ Công an đã là nhịp cầu nối để tác phẩm tôi lan tỏa hơn đến bạn đọc. Tất cả những điều này khiến tôi tin mình viết được đề tài dù không phải sở trường của mình.

- Theo anh, những người viết trẻ cần có những tố chất gì để có thể sở hữu được những chiếc vương miện văn chương?

+ Tôi nghĩ những người trẻ viết cần sự học hỏi và dấn thân không mưu cầu với văn chương trước khi nghĩ đến vương miện. Học hỏi từ các anh chị đi trước, từ bạn bè đã định danh, thậm chí từ người nhỏ hơn mình mà viết hay vẫn phải học. Học và đọc để cho mình một kiến văn. Sống và đi sẽ cho mình trải nghiệm. Và cuối cùng là viết và tử tế với chính câu chữ của mình. Nếu tin văn chương là nghề, thì vẫn phải tin có tổ nghề, và chỉ cần mình sống tử tế với văn chương những đãi ngộ tự khắc sẽ đến. Mọi mưu cầu hay toan tính sẽ khiến mình đánh mất giá trị văn chương, đánh mất chính mình và mất đi cái nghiệp viết mà mình may mắn được ông trời ban cho.

- Trân trọng cảm ơn nhà văn Tống Phước Bảo và chúc anh bước sang năm Giáp Thìn sẽ tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới và săn nhiều giải thưởng hơn nữa.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/nha-van-tre-tong-phuoc-bao-tui-van-triu-giai-thuong-i722295/