Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn: Thành công từ những cỗ trọng pháo văn chương

Với 25 đầu sách đã in, 'nhà văn trẻ tóc bạc' Nguyễn Bắc Sơn được ghi nhận là một trong những cây bút văn xuôi sung sức với hàng loạt 'cỗ trọng pháo văn chương' tiểu thuyết. Tác phẩm của ông thiên về chính luận, mổ xẻ cơ chế điều hành xã hội và hệ thống nhân vật điều hành cơ chế ấy.

Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn tên khai sinh là Nguyễn Công Bác, sinh năm 1941 tại Nam Định, quê gốc ở Hữu Bằng, Thạch Thất, Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, ông dạy Văn cấp 3 ở quê nhãn Hưng Yên rồi chuyển về Hà Nội, từng vào quân ngũ mấy năm.

Đất nước thống nhất, ông trở lại dạy học, làm Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An. Gần chục năm tiếp theo, ông làm công tác quản lý xuất bản báo chí. Đam mê từ rất lâu, nhưng chỉ khi nghỉ hưu (năm 2002) ông mới dành toàn bộ thời gian và tâm huyết cày xới, gieo trồng trên cánh đồng chữ và gặt hái nhiều thành công.

Với 25 đầu sách đã in, “nhà văn trẻ tóc bạc” Nguyễn Bắc Sơn được ghi nhận là một trong những cây bút văn xuôi sung sức với hàng loạt "cỗ trọng pháo văn chương" tiểu thuyết. Tác phẩm của ông thiên về chính luận, mổ xẻ cơ chế điều hành xã hội và hệ thống nhân vật điều hành cơ chế ấy.

Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn.

Nhà văn là người nắm bắt tinh nhạy vấn đề cốt yếu trong đời sống, tái hiện sinh động trong tác phẩm. Đề tài trong tiểu thuyết của Nguyễn Bắc Sơn là hàng loạt vấn đề nóng trong xã hội đương đại: những xung đột trong hôn nhân, tình yêu; các vấn đề chính trị được xã hội quan tâm. Đi trên con đường đầy những gai góc ấy nhưng nhà văn dũng cảm và kiên trì. Các vấn đề trong xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XX và những thập niên đầu của thế kỷ XXI được phản ánh sống động và giải quyết thuyết phục dưới góc nhìn của một trí thức từng trải, có quan điểm lập trường kiên định, nhất quán. Tác phẩm của ông hướng tới miêu tả cuộc đấu tranh nhằm giải quyết xung đột giữa cái cũ và cái mới, đấu tranh để đổi mới tư duy, thay đổi cách nghĩ và tiến tới thay đổi hành động để xã hội ngày một phát triển.

Tiểu thuyết “Luật đời và Cha con”(2005) vừa ra đời đã trở thành một hiện tượng văn học. Sau đó, tiểu thuyết được chuyển thể thành bộ phim truyền hình 26 tập mang tên "Luật đời", được khán giả bình chọn là phim truyền hình nhiều tập hay nhất năm 2007. Ấn phẩm tập trung phản ánh sự xung đột tất yếu giữa ba thế hệ trong một gia đình (ông, cha, cháu: Lê Hòe, Lê Đại, Lê Cường) bắt đầu từ thời kỳ cải cách ruộng đất trong sự vận động của toàn xã hội. Ở đó có cả đời sống chính trị, đời sống công chức, chuyện quản lý tại địa phương, bám sát những vấn đề nhạy cảm, phản biện xã hội theo góc nhìn sắc sảo.

Nhà văn phản ánh màn bi hài kịch trong gia đình ông Lê Hòe - chuyên viên cao cấp ngành tư tưởng, tạo được ấn tượng vì đã tìm đúng tâm điểm của căn bệnh xã hội, phơi bày những ung nhọt của nó trước công luận. Nhân vật “ông Nghị Quyết” Lê Hòe là tấm gương phản chiếu lịch sử hiện đại Việt Nam có những biến động dữ dội, điểm nhấn là cuộc chiến ý thức hệ dẫn tới bi kịch đau thương. Lê Hòe là thủ phạm đồng thời cũng là nạn nhân của chính hệ ý thức và cơ chế chính trị đương thời. Nguyễn Bắc Sơn đã thành công khi lách ngòi bút sắc sảo vào các mối quan hệ, cả bề nổi và phần chìm khuất của căn bệnh tham nhũng cùng không khí nặng nề của những cuộc đấu tranh nội bộ nhằm tranh giành quyền lực ở những quan chức đã tha hóa về nhân cách.

Nhân vật trí thức - cán bộ công chức được ghi nhận như một “đặc sản” của riêng ông. Trong các tiểu thuyết của mình, Nguyễn Bắc Sơn xây dựng những nhân vật trung tâm của thời kỳ Đổi mới. Đây quả là thách thức rất lớn, nhưng nhà văn Nguyễn Bắc Sơn không những làm được mà còn làm tốt. Hàng loạt tác phẩm của ông đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật trí thức - cán bộ công chức - đạt tới mức độ lý tưởng. Nhân vật của ông tồn tại như con người đang sống quanh ta chứ không phải là những hình nộm người khô cứng:

Nhà báo Xuân Tùng (trong “Gã tép riu”), Bí thư quận ủy Trần Kiên (trong “Lửa đắng”) là những nhân vật sống động. Giữa lúc các nhà văn khác né tránh, không dám hoặc nói rất ít đến cán bộ cao cấp trong hệ thống chính trị. Nguyễn Bắc Sơn đưa nhân vật Cố vấn Bộ Chính trị và cả Tổng Bí thư vào tiểu thuyết của mình trong một số chương. “Lửa đắng” của ông đã được Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đọc và biểu dương ghi nhận thành công.

Cuốn tiểu thuyết “Lửa đắng” (2008) với 600 trang gồm 30 chương, xoay quanh vấn đề nóng của đất nước ta thời đó là công cuộc cải tổ để đổi mới, dòng chảy chính của hiện thực. Nếu “Luật đời và Cha con” tập trung miêu tả và giải quyết xung đột giữa các thế hệ thì “Lửa đắng” xoay quanh một luận đề khác là cải cách hành chính. Các nhân vật trong đó đổi vị trí liên tục. Cuốn tiểu thuyết đã “phanh phui để phê phán cái xấu trong xã hội mà không làm người đọc thất vọng. Bên cạnh số người đang tạo ra những trì trệ, cản trở, vẫn toát lên âm hưởng lạc quan từ những phẩm cách như Tổng Bí thư, như Kiên, như Đại, như Đoàn Hùng, Vĩnh Bảo, Thanh Diệu, Thảo Tần và nhiều người khác (Vũ Duy Thông). Nhân vật của Nguyễn Bắc Sơn là những con người chân thực, nhà văn tập trung phản ánh vấn đề giáo dục, cải cách hành chính. Tác phẩm có tính dự báo sát thực.

Nghệ thuật kể chuyện có duyên, nhẩn nha mà cuốn hút. Trần thuật bằng giọng điệu thế nào là biểu hiện tài năng của mỗi nhà văn. Với mỗi tác phẩm, Nguyễn Bắc Sơn có lối kể phù hợp. Các câu văn trần thuật, miêu tả hay đối thoại được dùng chuẩn xác. Lời kể có sự hòa quyện giữa nhà văn và nhân vật, giữa văn chương hàn lâm với cách nói quần chúng. Nhà văn không ngại dùng cả khẩu ngữ khi cần thiết, khiến cho lời kể không khô cứng. Lại có những khi ngôn ngữ mang tính giễu nhại, hài hước, "tươi ròng sự sống" (Ma Văn Kháng), tạo nên không gian nghệ thuật trong tác phẩm đa chiều, mới mẻ. Chất hài trong tiểu thuyết của ông có tác dụng tựa bóng mát trên chặng đường leo dốc khiến người đọc tiếp nhận tác phẩm dễ dàng hơn.

Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn cùng các bạn văn.

Ở tiểu thuyết “Gã tép riu” (2 tập, 2010 – 2014) nhà văn kể về mối xung đột gia đình thông qua sự xung đột nhân cách của một cặp vợ chồng công chức: nhà báo Trần Xuân Tùng được đề bạt làm Trưởng phòng Quản lý xuất bản báo chí cấp Sở nhưng có kiến văn sâu rộng nhờ ham học hỏi, rất bản lĩnh, sống có trách nhiệm, nhân cách và lí tưởng rõ ràng. Tùng không ngần ngại đương đầu với thói dốt nát, hãnh tiến, vụ lợi mà cô vợ anh - Diệu Thúy là đại diện tiêu biểu. Diệu Thúy từng làm cán bộ đoàn ở phường, rồi lên quận. Cô ta chẳng chịu đọc sách, ngại học tập, nhận thức chỉ tầm tầm nhưng rất háo danh. Nhờ có nhan sắc và biết sử dụng"vốn tự có" nên cô có “cán bộ cỡ bự” nâng đỡ, thăng tiến nhanh, làm đến Vụ phó rồi Vụ trưởng vụ Tổ chức cán bộ. Hai con người sống một nhà nhưng tính cách khác nhau đối nghịch qua các mối quan hệ xã hội, trong bữa ăn và tất nhiên họ đồng sàng dị mộng.

Cảm hứng thế sự được nhà văn chiêm nghiệm từ chính cuộc đời mình. Phiên tòa ly dị của hai vợ chồng Xuân Tùng - Diệu Thúy là kết cục tất yếu. Tuy nhân vật chính của tác phẩm tự nhận là "Gã tép riu"- một loài thủy sinh quá nhỏ bé, khi trao đổi hàng hóa phải tính bằng đơn vị mớ - nhưng với bản tính không sợ cường quyền, tham bạo, đó thật sự là một sinh vật đáng nể. Nhờ vốn sống ngồn ngộn, tiểu thuyết "Gã tép riu" hấp dẫn người đọc từ đầu đến cuối bởi nhà văn khác miêu tả những cuộc hôn nhân tan vỡ thường là do “ông ăn chả, bà ăn nem”, còn Nguyễn Bắc Sơn nói về sự chia tay giữa các cặp vợ chồng chủ yếu do mâu thuẫn chính kiến, quan điểm sống.

Nguyễn Bắc Sơn đã giành nhiều giải thưởng danh giá: Giải Ba về đề tài Giao thông vận tải, Giải Nhì và hai giải Nhất cuộc thi cả nước viết về Thăng Long - Hà Nội; 6/7 cuốn tiểu thuyết của ông giành giải Ba của Hội Nhà văn, Giải thưởng sông Mê Kông (2 lần). Gần đây nhất, ông được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (năm 2023). Đây quả là “Cuộc vuông tròn”, một cái kết có hậu và xứng đáng với một nhà giáo - nhà văn tận hiến cho văn chương, cho cuộc sống.

Nguyên nhân đạt được thành công ấy? Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn đã trải lòng: "Với tôi, tất cả những thành công ấy là kết quả của biết bao ngày tháng trăn trở, đau đáu, viết trong nỗi nhọc nhằn. Để hoàn thành mỗi tác phẩm, tôi phải dốc vốn liếng về vốn sống tích lũy được vào từng trang giấy... ". Thành công của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn là bài học quý cho những người cầm bút: không ngừng sáng tạo, có khả năng nắm bắt vấn đề, nỗ lực cày xới và gieo trồng trên cánh đồng chữ.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/nha-van-nguyen-bac-son-thanh-cong-tu-nhung-co-trong-phao-van-chuong-i723175/