Nhà văn đoạt giải Nobel từng phải dùng đến ba vệ sĩ riêng

Sự kiện Salman Rushdie bị tấn công đã khiến nhà văn đoạt giải Nobel Orhan Pamuk suy tư về chủ nghĩa cực đoan. Ông chia sẻ về 15 năm cần có vệ sĩ.

Orhan Pamuk không bao giờ ngủ một lần quá bốn tiếng. Ông thích đọc và viết một chút khi vừa tỉnh dậy. Tháng vừa rồi, lúc ông đọc tin tức về vụ tấn công Salman Rushdie ở Mỹ cũng là vào nửa đêm.

"Tôi từng có ba vệ sĩ, bây giờ chỉ còn một thôi"

Nếu như Rushdie cần có người bảo vệ từ lúc ông nhận án truy nã tử hình khi xuất bản The Satanic Verses (Những vần thơ của quỷ Satan) vào năm 1989, thì Pamuk cũng phải có vệ sĩ trong suốt 15 năm sau khi ông đưa ra bình luận về cuộc thảm sát người Armenia và Kurd năm 1915 trong một cuộc phỏng vấn năm 2005. Pamuk và Rushdie đã trở thành bạn hữu khi cả hai đều sống ở New York vào đầu những năm 2000.

Khi được hỏi liệu vụ tấn công Rushdie có làm ông lo sợ cho an nguy của chính mình không, Pamuk chia sẻ trên The Guardian: “Nói đúng hơn là tôi cảm thấy mình cảnh giác hơn”. Ông từng e ngại rằng sẽ không thể ngồi quán xá, hay đi dạo một mình trong thành phố Istanbul, và việc bảo vệ giám sát sẽ tách rời ông khỏi cuộc sống thường nhật vốn là niềm cảm hứng cho những trang viết.

Tuy nhiên, ông vẫn lạc quan khi vui vẻ bình luận rằng: “Tôi từng có đến ba vệ sĩ, bây giờ chỉ còn một người thôi, điều đó chứng tỏ là tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ đang có tiến triển đấy chứ".

Hiện tại, Pamuk không ở Istanbul dù đây là thành phố ông đã sống một quãng đời dài và là bối cảnh trong nhiều tác phẩm nổi tiếng của ông như Tên tôi là Đỏ, Istanbul: Hồi ức và Thành phố. Pamuk chia sẻ: “Dù tôi có viết một tiểu thuyết không diễn ra ở Istanbul thì cũng sẽ có một nhân vật luôn muốn quay về Istanbul".

Nhà văn Orhan Pamuk. Ảnh: Kerem Uzel/Theguardian.

Tiểu thuyết có tính tiên đoán về đại dịch được ấp ủ 40 năm

Pamuk hiện sống trong một căn villa cho thuê trên hòn đảo Büyükada, cách Istanbul một tiếng rưỡi đường biển. Đây vốn là nơi ông thường đến để nghỉ hè khi còn nhỏ.

Những ngày ở đây, Pamuk thường mặc áo thun polo và tận hưởng cuộc sống ở chế độ nghỉ dưỡng thảnh thơi, nhưng ông luôn viết mỗi ngày. Bối cảnh cho cuốn tiểu thuyết mới nhất của Pamuk - Nights of Plague (Những đêm dịch bệnh) - cũng lấy một phần cảm hứng từ hòn đảo Büyükada.

Câu chuyện của Nights of Plague diễn ra ở một hòn đảo tưởng tượng những năm đầu thế kỷ 20, vào cuối thời đế quốc Ottoman. Pamuk chia sẻ rằng ông rất thích lấy bối cảnh câu chuyện diễn ra ở vùng đất nhỏ.

Tuy nhiên, ông phải tạo ra một hòn đảo tưởng tượng để tránh những lời cáo buộc rằng ông đã diễn dịch sai quá khứ: “Tôi không muốn những nhà phê bình lại tìm đến tôi và bảo rằng lịch sử đâu phải như thế”. Bối cảnh câu chuyện phải là nơi nhỏ bé, biệt lập để “lịch sử không can dự vào tiểu thuyết của tôi quá nhiều”.

Tuy nhiên, với dung lượng hơn 700 trang về đề tài dịch bệnh, Nights of Plague đã ra mắt vào thời điểm thích hợp. Hơn nữa, cuốn tiểu thuyết này còn là sự kết hợp giữa nhiều thể loại đan xen hài hòa: vừa lãng mạn vừa trinh thám-hình sự, lại có cả yếu tố lịch sử.

Dù Pamuk vừa hoàn thành Nights of Plague vào năm ngoái, nhà văn đã ấp ủ ý tưởng viết tiểu thuyết về đề tài dịch bệnh trong gần 40 năm, từ những ngày còn viết tiểu thuyết Pháo đài trắng năm 1985.

Năm 2016, ông quyết định thực hiện ý tưởng này và đã dành ba năm rưỡi vừa nghiên cứu, vừa viết. Nhớ lại khoảng thời gian đó, Pamuk chia sẻ: “Tôi từng thoáng nghĩ rằng bản thảo nhỏ bé mà mình cặm cụi làm từng chút một bỗng dưng phình to ra. Như thể trận dịch đã nhảy xổ từ bản thảo của tôi ra khỏi thế giới rộng lớn ngoài kia”.

Và thực sự, có rất nhiều chi tiết trong cuốn tiểu thuyết của ông rất giống với trận đại dịch mà nhân loại vừa trải qua: những quy định cách ly, các loại xà phòng rửa tay diệt khuẩn, lệnh đóng cửa trường học và doanh nghiệp, những chiếc khẩu trang và các con số thống kê lượng người tử vong mỗi ngày…

Bìa sách Nights of Plague. Ảnh: theguardian.

Vào tháng 3/2020 - thời điểm mà Pamuk gọi là “thời khủng hoảng của nhân loại” bắt đầu - ông vẫn viết đều đặn 12 tiếng mỗi ngày dù Istanbul không ban lệnh phong tỏa vào thời điểm ấy.

Ông nói vui: “Tôi luôn là người viết suốt 50 năm qua, điều đó có nghĩa là tôi đã bị phong tỏa suốt 50 năm rồi còn gì”.

Khi biết ông bắt đầu viết tiểu thuyết mới, bạn bè bảo ông rằng: “Sẽ chẳng ai đọc tiểu thuyết thời trung cổ của ông đâu, giờ còn ai mà quan tâm đến dịch bệnh?” Nhưng khi đại dịch diễn ra thì họ lại nói với ông rằng: “Ông gặp may đấy, chủ đề này bây giờ được rất nhiều người quan tâm”.

Bản thân ông lại cảm thấy sợ hãi vì người dì chỉ sống cách ông hai dãy nhà là một trong những người đầu tiên qua đời vì dịch Covid-19 ở Istanbul. Ông tâm sự với vợ rằng: “Anh đang viết một cuốn tiểu thuyết trong lúc mọi người đang chết như rạ. Thật là mỉa mai. Anh có phải là người tàn nhẫn không?”.

Ông từng hy vọng rằng khi ông hoàn thành cuốn tiểu thuyết thì đại dịch cũng sẽ kết thúc. Tuy nhiên, thực tế lại không được như thế.

Nights of Plague xuất bản ở Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 3/2021, ngay lúc cả nước đang phong tỏa. Ông nhớ lại lần mình đi dạo quanh thành phố Istanbul hoang vu cùng vệ sĩ riêng vào “một ngày đặc biệt” khi chỉ có những người trên 65 tuổi được phép ra khỏi nhà. “Chẳng có ai cả, chỉ có một, hai cặp lớn tuổi. Thế rồi chúng tôi đi ngang qua cửa sổ của một hiệu sách lớn nhất, ở đó có một chồng sách của tôi xếp cao thành tháp. Nhưng hiệu sách lại đang đóng cửa nên chẳng có ai mua cả. Đấy, vận may của tôi mà mấy ông bạn đã nói đấy”, ông hóm hỉnh kể lại.

Vào ngày 22/9 sắp tới, bản dịch tiếng Anh của Nights of Plague sẽ được nhà xuất bản Faber phát hành.

Từ trận đại dịch mà nhân loại vừa trải qua lẫn vụ tấn công Rushdie mới diễn ra gần đây, Pamuk cho rằng sự cực đoan đó là kết quả từ “cơn phẫn nộ của những người bị đánh giá kém cỏi, những người bị phớt lờ, những người mà ta chẳng màng đoái hoài”. Theo ông, nhiệm vụ của một nhà văn là phải để cho những con người ấy được nhìn thấy, được nghe thấy.

Lập Nhật

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nha-van-doat-giai-nobel-tung-phai-dung-den-ba-ve-si-rieng-post1354443.html