Nhà văn - Đại tá Minh Khoa qua đời

Gia đình của nhà văn - Đại tá Minh Khoa, nổi tiếng với kịch bản tác phẩm sân khấu Người ven đô, cho biết sau thời gian điều trị bệnh, ông đã trút hơi thở cuối cùng lúc 19 giờ 20 phút ngày 28-7, thọ 96 tuổi.

Nhà văn - Đại tá Minh Khoa tên thật là Đặng Quang Hổ, sinh tại Sài Gòn (1928), là cựu học sinh và cũng là Đoàn phó Đoàn "S.E.T" Trường Trung học Huỳnh Khương Ninh, quận 1, Sài Gòn (1943), thuộc cán bộ tiền khởi nghĩa.

Từ đây, ông hoạt động bí mật cho Việt Minh với vỏ bọc là thầy giáo (bằng Thành chung). Cuộc đời làm văn nghệ của ngài Đại tá có lẽ khởi đầu ở đất Bắc và kết quả chín rộ thì khi trở về Nam, đó cũng là dấu ấn của cuộc đời sáng tác văn học của ông.

Nhà văn - Đại tá Minh Khoa

Ðến thời điểm mà kinh nghiệm trong quân ngũ lẫn cảm xúc chín muồi, ông mới bắt đầu sáng tác. Tác phẩm đầu tay của ông là truyện ngắn Kéo cày đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội - 1958. Trước đó, ông được tin vui từ trong Nam, là cô Ngọc Kha (vợ ông) sinh ra người con trai và đặt tên là Minh Khoa; nên khi sáng tác truyện ngắn Kéo cày, ông lấy bút danh Minh Khoa.

Năm 1960, ông làm Chính trị viên Tiểu đoàn Pháo binh 105, E4, F330; năm 1961, ông được lệnh trở về Nam công tác tại Cục Chính trị Quân Giải phóng miền Nam cho đến ngày giải phóng (1975). Trong suốt giai đoạn này, tác giả Minh Khoa vừa cầm súng chiến đấu, vừa cầm viết sáng tác.

Có lẽ, trong giai đoạn này, bút pháp của soạn giả Minh Khoa nở rộ về thể loại văn xuôi, mà chủ đề - đề tài xuyên suốt của ông là “chủ nghĩa anh hùng cách mạng”, với những nhân vật anh hùng đầy tính sử thi của dân tộc.

Chương trình “Mai vàng nhân ái” của Báo Người Lao Động đã từng đến thăm nhà văn - đại tá Minh Khoa

Những tác phẩm tiêu biểu: Cho máu chảy vào Tim (1962), Lá thư chưa kịp gởi, Người lái xe tòng quân (1963), Không rời đồng đội (truyện ngắn, giải Nhất Văn nghệ miền Đông - 1964), Một viên đạn một quân thù (1965), Chiến công đồi Khánh, Con người thép trong lửa đạn (1967), Làn sóng điện kỳ diệu, Người chị xóm nhỏ, Cô gái quân nhu vùng hậu địch, Ông lão lái đò trên sông Sài Gòn, Người thợ rừng, Ông lão trồng mai (1968), Chú bé Cả Xên (1972), Quật khởi (1973),... là những truyện ngắn, truyện ký, truyện dài đều được đăng trên Tạp chí VN Quân Giải phóng miền Nam và in thành sách phát hành.

Sau ngày giải phóng miền Nam, ông làm Trưởng phòng Tuyên huấn Quân khu 7 (1976-1988) và vẫn sáng tác đều tay. Về văn xuôi, nhà văn Minh Khoa tiếp tục cho ra đời những tác phẩm: Ông lão chăn dê và chàng trinh sát (1981, NXB VNTP, Hội Nhà văn VN), Trên lưng ngựa (tập 1 - 1985, tập 2 - 1986, tập 3 - 1994, NXB Trẻ), Một tiếng đờn kìm (1997, NXB Hội Nhà văn VN), Một công binh xưởng bỏ túi (2001, NXB QĐND), Ông họa đồ Lanh (2003, NXB Trẻ), Những người hào kiệt (2005, NXBVN TP.HCM),...

Ông khắc họa những nhân vật hào hùng từ người thật, việc thật thành những hình tượng hết sức sống động, làm lay động lòng người. Như anh hùng Huỳnh Văn Đảnh ở Long An, chỉ có 20 viên đạn mà chặn đứng một tiểu đoàn địch (Một viên đạn một quân thù); một chú bé mồ côi trở thành dũng sĩ diệt Mỹ (Chú bé Cả Xên), anh hùng Nguyễn Văn Quang (Quật khởi), anh hùng Nguyễn Văn Một (Trên lưng ngựa), ông Bảy Đờn vì bảo vệ một cán bộ cách mạng mà bị giặc móc đi hai con mắt (Một tiếng đờn Kìm),...

Văn phong của ông không cầu kỳ, trau chuốt mà rất mộc mạc nhưng cũng rất sâu lắng; ngôn từ của nhân vật đậm đặc tính cách khẩu ngữ trong phương ngữ Nam bộ; lối hành văn tự sự, kể hơn là tả, bằng những câu chuyện thật đầy cảm xúc...

Soạn giả Minh Khoa viết kịch bản sân khấu không nhiều lắm, nhưng từng tác phẩm có sức sống bền lâu và có sức thuyết phục công chúng mạnh mẽ. Mỗi kịch bản sân khấu của ông thường in lại nhiều dấu ấn trong nền nghệ thuật dân tộc, bằng khá nhiều loại thể: Kịch nói, cải lương, phim truyện, với hình thức sàn diễn, phát thanh, truyền hình hoặc một kịch bản cùng nhiều đơn vị dàn dựng,...

Ông viết kịch bản từ năm 1964, với tác phẩm đầu tay là Hai cha con chú tự vệ (kịch nói), được giải Nhất Văn nghệ miền Đông, kịch bản văn học - 1965; kế đó là Người con gái TP Bác Hồ (kịch nói) dựng cho Văn công QGPMN - 1968 và Đài Phát thanh Giải phóng thu, phát sóng - 1969; Người con gái làng Mỹ Hạnh (kịch nói - 1974), in thành sách và dựng cho Văn công QGPMN - 1975,...

Đặc biệt, tác phẩm Người ven đô - một trong những kịch bản sân khấu nổi tiếng, để đời nhất, ông viết rất công phu, gần 2 năm mới xong (1973-1974), bản thảo chồng lên cao đến hơn một mét.

Thanh Hiệp

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/van-nghe/nha-van-dai-ta-minh-khoa-qua-doi-20230729100155275.htm