Nha Trang 'cạn' quỹ đất tái định cư

Dù dự án, công trình chen chúc 'mọc' lên, nhưng quỹ đất tái định cư ở TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) đã 'cạn', không đáp ứng được nhu cầu tái định cư tại chỗ của người dân.

Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa tại TP. Nha Trang diễn ra khá nhanh. Nhiều dự án “chen chúc” mọc lên, trong khi công tác đền bù, giải phóng mặt bằng gặp không ít trở ngại, nhất là việc bố trí quỹ đất tái định cư.

Một thực tế đáng lo là, khu vực trung tâm không còn quỹ đất cấp phép, nhiều dự án “tràn” về các vùng ven, thậm chí “mọc” trên các… ngọn núi. Điều này không chỉ kéo theo nhiều hệ lụy xấu về sau, mà còn dẫn đến các sai phạm về đất đai, điển hình là hàng loạt dự án trên núi Chín Khúc khiến các cựu lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa vướng vòng lao lý.

Ông N.Đ.H (người dân TP. Nha Trang) đánh giá, công tác giải quyết, bố trí tái định cư hiện nay ở Khánh Hòa chưa đáp ứng nhu cầu cho những hộ dân phải giải tỏa.

“Nhiều khu tái định cư chưa đáp ứng điều kiện về vị trí tương đương với vị trí giải tỏa của các hộ dân nội thành (nhất là ở địa bàn TP. Nha Trang). Tại Nha Trang, hiện không có nhiều khu tái định cư, nhiều loại hình tái định cư để người dân bị giải tỏa có thể lựa chọn… Đây là thực tế mà tỉnh Khánh Hòa cần có giải pháp để cải thiện trong thời gian tới, nhằm tăng quỹ đất và số lô tái định cư, góp phần ổn định cuộc sống của người dân bị thu hồi đất”, ông N.Đ.H nhìn nhận.

Theo đánh giá của HĐND tỉnh Khánh Hòa, hiện nay, quỹ đất tái định cư trên địa bàn TP. Nha Trang không đáp ứng đủ cho nhu cầu tái định cư của các dự án đang triển khai và dự kiến cho các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng trong thời gian tới.

Đó là lý do mà mới đây, HĐND tỉnh Khánh Hòa kiến nghị UBND tỉnh xem xét, nghiên cứu, ban hành chính sách tái định cư bằng nhà ở cho các trường hợp đủ điều kiện tái định cư (bên cạnh việc tái định cư bằng đất ở như quy định của UBBND tỉnh), theo quy định tại Điều 35, Luật Nhà ở năm 2014, quy định nguyên tắc phát triển nhà ở phục vụ tái định cư.

HĐND tỉnh Khánh Hòa kiến nghị UBND tỉnh chủ động xây dựng các khu tái định cư trước khi triển khai thu hồi dự án; hoàn chỉnh đầy đủ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, xây dựng các khu tái định cư phù hợp với ngành nghề, điều kiện sống tương đương với vị trí giải tỏa để đảm bảo cho người dân có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn vị trí giải tỏa.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong kỳ giám sát của HĐND tỉnh (giai đoạn 2021 - 2023), trên địa bàn tỉnh đã bố trí tái định cư 847 lô và tổng diện tích 74.119,53 m2 đất cho 967 hộ được cấp đất/nhà tái định cư; 72 hộ được hỗ trợ tái định cư và hỗ trợ chênh lệch với số tiền 1.971,21 triệu đồng. Trong đó, tái định cư trên địa bàn TP. Nha Trang chiếm tỷ lệ cao nhất, bố trí tổng diện tích tái định cư 21.979,58 m2 đất, 261 lô đất.

Tuy vậy, Đoàn giám sát HĐND tỉnh Khánh Hòa cho biết, số lượng đơn thư phát sinh trong lĩnh vực này nhiều và kéo dài, phức tạp, chủ yếu vì không được tái định cư tại chỗ; vị trí tái định cư xa, không bằng nơi cũ; không được giao đất tái định cư vì có nơi ở khác ổn định; giá đất tái định cư không kịp thời, kéo dài, không ổn định cuộc sống…

Một thực tế nữa là, nhiều dự án đã được tỉnh Khánh Hòa thu hồi đất của dân để giao các nhà đầu tư thực hiện dự án kinh doanh bất động sản, phân lô bán nền với các lô đất ở, biệt thự rộng 100 - 600 m2, nhiều trường hợp còn rộng hơn. Trong khi đó, diện tích đất tái định cư cho dân bị thu hồi đất khá nhỏ. Cụ thể, trong 847 lô tái định cư đã nêu trong toàn tỉnh, bình quân chỉ rộng 87,5 m2/lô; diện tích bình quân mỗi lô đất tái định cư ở TP. Nha Trang đã giao chỉ rộng 84,2 m2.

“Có rất nhiều dự án trên địa bàn tỉnh, vì chưa có quỹ đất tái định cư, nên chưa trình được phương án giá bồi thường để thu hồi đất và giá đất tái định cư cùng một thời điểm. Từ đó dẫn đến nhiều mâu thuẫn, bất cập trong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho dân bị thu hồi đất”, HĐND tỉnh cho hay.

HĐND tỉnh kiến nghị UBND tỉnh nghiên cứu cơ chế khuyến khích các chủ đầu tư dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước để tự nguyện hỗ trợ thêm cho tổ chức, cá nhân bị thu hồi đất để họ ổn định sản xuất - kinh doanh và ổn định đời sống.

“UBND tỉnh cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thu hồi đất, hỗ trợ, tái định cư; giải quyết kịp thời những khiếu nại, tố cáo; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được duyệt và vi phạm Luật Đất đai nói chung, chấm dứt tình trạng lấn chiếm đất”, HĐND tỉnh kiến nghị.

Linh Đan

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/batdongsan/nha-trang-can-quy-dat-tai-dinh-cu-d207892.html