Nhà thơ Thanh Thảo và những 'ký ức thơ' với nhạc sĩ Văn Cao

Từ khi còn rất trẻ, nhà thơ Thanh Thảo đã cùng với hai nhà thơ-nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha và Nguyễn Trọng Tạo được nhạc sĩ Văn Cao mời biên tập bản thảo thơ của ông. Những kỷ niệm về người bạn thơ vong niên và người anh lớn Văn Cao, cùng những cuộc gặp gỡ, trò chuyện với nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng khác được nhà thơ Thanh Thảo kể lại trong bài viết 'Văn Cao trong tôi'.

Văn Cao và Thanh Thảo. (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)

Văn Cao trong tôi

Tôi được quen biết rồi thân thiết với Văn Cao từ dạo năm 1984. Còn trước đó, trong Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam (NSVN) tháng 11/1983, mừng Văn Cao “chính thức trở lại” khi ông được đại biểu dự đại hội bầu vào Ban chấp hành Hội NSVV, bạn bè có rủ tôi tới nhà ông chơi, “dự thính” một buổi tối “Âm nhạc Văn Cao” do các nghệ sĩ nổi tiếng hồi đó trực tiếp trình diễn.

Nhà Văn Cao chật, nên các nghệ sĩ chỉ ngồi mà hát, khách mời cũng ngồi mà nghe, còn tôi và vài người bạn thuộc dạng “vòng ngoài” thì chỉ đứng nghe hát. Tôi nhớ, khi chúng tôi tới nhà Văn Cao, vào căn phòng ông, thì nghệ sĩ gạo cội Quang Hưng đang hát “Trường ca Sông Lô”. Giọng Quang Hưng vừa dày ấm vừa mãnh liệt, lại có những khoảng “xuống” đầy cảm xúc, khiến chúng tôi như mê đi.

Chỉ vậy thôi.

Sang năm 1984, qua lời giới thiệu của Nguyễn Thụy Kha và Nguyễn Trọng Tạo về tôi, hình như lúc ấy Văn Cao cũng đã đọc trường ca “Những người đi tới biển” của tôi, mà theo lời Thụy Kha nói, thì Văn Cao thích trường ca này, coi nó như nối tiếp trường ca “Những người trên cửa biển” của ông.

Qua hai người bạn Tạo-Kha, Văn Cao nhắn mời tôi đến nhà ông chơi. Đúng lúc tôi vừa từ Quy Nhơn ra Hà Nội, nghe lời mời này, tôi và Trọng Tạo, Thụy Kha “nhào” tới nhà Văn Cao ngay. Gặp một người “Anh Lớn” thì đúng rồi, nhưng không chỉ có thế. Uống rượu với Văn Cao, mới là chuyện thú vị hơn.

Trong buổi trò chuyện tại Báo Nhân Dân về nhạc sĩ Văn Cao chiều 6/11, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cũng nhắc đến sự trân trọng mà nhạc sĩ dành cho những văn nghệ sĩ trẻ tuổi như nhà thơ Thanh Thảo và nhạc sĩ Thụy Kha.

Ngay từ lần gặp chính thức đầu tiên ấy, cả Văn Cao và tôi đều kịp nhận ra nhau, hình như là ở “anh em xã hội” mà Văn Cao là bậc đàn anh, còn tôi là đàn em, nhưng tôi nhận mình là bạn vong niên với ông thôi. Hồi đó tôi còn trẻ, tính tình ngang ngạnh, chỉ chơi thật sự với ai khi mình thật thích. Mà Văn Cao lại khiến tôi thích ông ngay ở lần gặp đầu tiên ấy, ông chân thành coi tôi là bạn, và tôi cũng vậy. Như thế là anh em tôi “có duyên” với nhau rồi. Khi Văn Cao muốn ủy quyền cho Thụy Kha và Trọng Tạo tổ chức bản thảo tập thơ giúp ông, các bài thơ đều lấy ra từ cuốn sổ tay nhỏ mà chữ viết lít nhít rất khó đọc, thì nguyên đề tập thơ ấy là “LÁ”. Chẳng biết Văn Cao hay Tạo-Kha đặt, nhưng “ông già” có vẻ ưng ý cái tên này. Và vẫn theo Kha-Tạo “ truyền đạt”, thì Văn Cao chính thức mời tôi cùng tham gia biên tập bản thảo tập thơ với hai ông bạn “nhà thơ-nhạc sĩ” Nguyễn Thụy Kha-Nguyễn Trọng Tạo.

Được tham gia biên tập bản thảo tập thơ “LÁ” cho Văn Cao là niềm vinh dự của ba đứa chúng tôi, chứ không hề có chuyện gì ở đây.

Vì ai cũng biết, từ mấy chục năm cho tới lúc ấy, Văn Cao không xuất hiện thơ trên thi đàn chính thống. Chẳng biết ai cấm ông, nhưng Văn Cao chỉ còn được vẽ minh họa cho báo Văn Nghệ để kiếm những món tiền nhuận bút “còm” cho bà Thúy Băng-vợ ông-đi chợ.

Nhà thơ Thanh Thảo.

Nhưng đã là nhà thơ, thì được in thơ chỉ là một chuyện, không là tất cả. Vì nhà thơ còn bút, còn giấy, còn những cuốn sổ tay nhỏ, là còn viết, là còn thơ. Văn Cao đã viết thơ như vậy, như một củ huệ lan chờ lúc bật chồi. Ngày xưa ấy, thơ trong sổ tay không chỉ có trong sổ tay nhà thơ, còn có quá nhiều trong sổ tay những người lính mang ra chiến trường. Đó là tài sản của họ, những người đọc thơ. Có những người lính đọc thuộc lòng những bài thơ mình yêu thích. Có những người lính, khi hy sinh, những cuốn sổ tay chép thơ của họ được lính Mỹ thu nhặt, và được họ mang về Mỹ. Chính những cuốn sổ tay chép thơ của lính VC (Việt Cộng) được mang về Mỹ, được gìn giữ như những kỷ vật đáng quý ấy đã là “một phần đóng góp” cho tình hữu nghị Việt-Mỹ sau này.

Văn Cao biết, thơ không bao giờ chết, nếu đó là thơ hay.

Kiên nhẫn cũng là đức tính mặc định của tài năng, hơn nữa, của thiên tài.

Vài năm trước, khi vợ chồng tôi tới thăm bà Nghiêm Thúy Băng, vợ bác Văn Cao, gặp bà chị tuổi đã ngoài 90 mà vẫn tươi tỉnh, sắc diện đầy linh hoạt, tôi chợt nhớ bài thơ “Khuôn mặt em” Văn Cao viết tặng vợ mình năm 1974:

“Dù hai đứa chúng ta

Chưa lúc nào sung sướng

Những ngày đau khổ ấy

Khuôn mặt em

Như mảnh trăng những đêm rừng cháy”

Khi Văn Cao phải buột thốt từ “đau khổ” trong bài thơ, thì tôi biết, sự đau khổ ấy đã tới cùng cực. Nhưng vợ chồng Ông vẫn kiên nhẫn sống, vì Ông cảm nhận hoàn toàn chính xác:

“ Ôi khuôn mặt sáng trong và bình lặng

Tôi được đầu tiên và còn lại cuối cùng” (Khuôn mặt em)

Đúng là “đầu tiên” và “cuối cùng”, khi Văn Cao mất, ông đã gối đầu lên bàn tay của vợ mình.

*

May mắn cho tôi, những năm tôi được gặp và chơi thân thiết với vợ chồng bác Văn Cao, tôi cảm nhận, đó là những năm hạnh phúc của vợ chồng bác. Dù bấy giờ đời sống vật chất vẫn đầy khó khăn, eo hẹp, nhưng hạnh phúc vượt lên trên những chuyện đó. Hạnh phúc là hạnh phúc, thế thôi.

Như chuyện mỗi lần có chai rượu ngon, bạn bè tới, Văn Cao mở ra cùng uống, bao giờ ông cũng nhắc bà Băng: “Nhớ để dành một phần chai rượu cho Thái Bá Vân, cho Trịnh Công Sơn, cho Thanh Thảo nhé!”

Anh Thái Bá Vân ở Hà Nội, không xa nhà Văn Cao mấy, hay tới chơi, nhưng ông đặc biệt yêu quý Thái Bá Vân. Còn Trịnh Công Sơn ở tận Sài Gòn, xa, lâu lâu mới ra Hà Nội, nên để rượu chờ. Tôi thì ở Quy Nhơn, nhà lại nghèo, mỗi lần ra Hà Nội phải đi tàu lửa, khá vất vả, nên ông thương tôi. Rượu lại chờ.

Khi gia đình có chai rượu “chờ” bạn mình, khi ấy, gia đình có hạnh phúc.

Và tôi lại nhớ kỷ niệm này. Khi cô con gái Văn Cao ở Ba Lan sinh cháu ngoại gái cho ông, nhờ ông ngoại đặt tên cháu, Văn Cao đã lấy tên Thanh Thảo đặt cho cháu ngoại mình. Biết chuyện này, tôi đã hết sức cảm động. Càng vui hơn, khi lớn lên, cháu Thanh Thảo đã trở thành một pianist nổi tiếng ở Ba Lan.

Còn chuyện năm 1985, nhân kỷ niệm 10 năm Hòa bình Thống nhất đất nước, tôi đề nghị hai anh lãnh đạo tỉnh Nghĩa Bình hồi ấy là anh Đỗ Quang Thắng, Bí thư, và anh Võ Trọng Nguyễn, Phó Bí thư thường trực, để tỉnh ủy Nghĩa Bình mời vợ chồng Văn Cao vào thăm Nghĩa Bình. Đề nghị được các anh lãnh đạo Nghĩa Bình vui vẻ chấp nhận. Chuyến đi ấy của vợ chồng bác Văn Cao là chuyến đi thật vui, nhiều cảm xúc, khi Văn Cao được nhân dân và lãnh đạo Nghĩa Bình, Quy Nhơn tiếp đón nồng nhiệt và ân cần. Chuyến đi ấy đã tạo cảm hứng cho Văn Cao viết được 3 bài thơ rất ưng ý của Ông: “Quy Nhơn 1”, “Quy Nhơn 2” và “Quy Nhơn 3”:

“Từ trời xanh

rơi

vài giọt tháp Chàm

quanh Quy Nhơn

tôi như đứa nhỏ yêu huyền thoại” (Quy Nhơn 3)

Tôi cũng rất vui, rất tự hào vì mình có góp chút công nhỏ làm nên chuyến đi này. Với ba bài thơ Quy Nhơn, Văn Cao đã chính thức trở lại thi đàn Thơ Việt.

Và với cả sự nghiệp Thơ của mình, Văn Cao là một thiên tài thơ, chứ không chỉ là thiên tài âm nhạc.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Văn Cao, chợt thấy thời gian trôi nhanh quá. Bao nhiêu là đổi thay sau ngày Văn Cao qua đời (1995), nhưng trong tôi, mãi vẫn là anh Văn đó, gầy gò, tươi vui với bạn bè em út, ngồi lặng lẽ nhấp từng hớp rượu nhỏ đầy trân trọng và yêu thương.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nha-tho-thanh-thao-va-nhung-ky-uc-tho-voi-nhac-si-van-cao-post781424.html