Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Sĩ Đại: Tôi vẫn thích được đăng thơ Tết, nó sang trọng, hạnh phúc lắm

'Phần văn nghệ trên báo Tết sẽ là ca từ rộn ràng, tươi mới để mỗi chúng ta bước sang năm mới với tâm hồn phơi phới, yêu đời hơn. Từ yêu người, yêu đời giàu khát vọng 'hai cánh tay như hai cánh bay lên' người ta sẽ làm được tất cả…' - nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại chia sẻ.

Tết là một mùa vụ thu hoạch

+ Nói đến thơ Tết – một đặc sản trên mâm cỗ Giai phẩm Xuân, người ta thường nghĩ về những câu thơ, những bài thơ như thế nào để thích hợp nhất cho việc chào đón một năm mới, thưa nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại?

- Thơ nói riêng, nghệ thuật nói chung, không thể thiếu trên báo Tết. Đó là hàm lượng nhân văn, bồi bổ con người và văn hóa dân tộc. Chính trị nào, thời sự nào cũng nhất thời. Chính trị chân chính càng phải trân trọng nghệ thuật vì nghệ thuật là chính trị chân chính. Phần văn nghệ trên báo Tết sẽ là ca từ rộn ràng, tươi mới để mỗi chúng ta bước sang năm mới với tâm hồn phơi phới, yêu đời hơn. Từ yêu người, yêu đời giàu khát vọng “hai cánh tay như hai cánh bay lên” người ta sẽ làm được tất cả… Về phần cá nhân tôi chẳng có gì đáng nói. Nếu chỉ tính nhuận bút, thì đăng một bài báo Tết, nhuận bút bằng bốn, năm lần bài thơ, nhưng tôi vẫn thích được đăng thơ Tết, nó sang trọng, nó hạnh phúc lắm. Lớn rồi nhưng có bài thơ đăng báo Tết vẫn khoe. Tôi có nhiều bạn bè là Biên tập viên, việc đăng thơ không thật khó lắm, nhưng khó là thơ có suy ngẫm, buồn mà hay thì không được đăng vào dịp Tết, nên cũng chẳng đăng được nhiều, cái nồi bánh chưng nhà tôi chẳng mấy khi đầy đặn...

Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Sĩ Đại.

+ Tôi thấy giới văn nghệ sĩ ngày trước hay kháo nhau rằng, cứ mỗi dịp đón Tết thì các nhà thơ, nhà văn lại bận bịu với các cuộc điện thoại từ các tòa soạn báo xin thơ, đặt thơ đăng báo Tết, thưa ông?

- Đúng vậy. Ở những năm 80, 90, việc làm thơ, viết báo thì Tết là một mùa vụ thu hoạch, khiêm tốn là “kiếm nồi bánh chưng”. (Nghĩ lại mà thương vì hồi ấy nghèo quá, không cực nhọc gì bằng cày chữ!). Có năm Nguyễn Hồng Thái, Trần Thu Hằng, vợ chồng bạn thân của vợ chồng tôi viết được bốn triệu nhuận bút Tết, vợ chồng tôi phục lăn. Hồi ấy đăng báo, mà đăng báo Tết khó lắm. Những người tên tuổi lớn còn nhiều, số lượng báo ít, mới có một, hai trang điện tử. Tiêu chí chọn thơ Tết đúng nhưng có cái oái oăm của nó: Phải chọn thơ là người có tên tuổi (lúc ấy các nhà thơ của Phong trào Thơ Mới còn nhiều), phải đủ đề tài theo các ngày kỷ niệm, cơ cấu vùng miền, thơ phải đèm đẹp, vui tươi, đúng đề tài…

Đúng là Tết phải “săn” người, săn bài ghê lắm. Bao nhiêu năm làm biên tập, góp phần thực hiện trang văn nghệ trên số Tết Nhân Dân, nhiều kỷ niệm lắm. Yêu cầu đặt ra là phải có tầm quốc gia, phải “cạnh tranh” (lành mạnh) là trang của mình phải hay hơn, chí ít là bằng các báo lớn khác. Thơ thì phải có Tố Hữu, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận… Các nhà thơ Khương Hữu Dụng, Huy Cận còn nhiệt tình, thậm chí rất nhiệt tình, chứ xin thơ anh Nguyễn Khoa Điềm, anh Hữu Thỉnh là khó lắm, vì các anh ấy nhiều báo xin, lại tự trọng cao. Trần Đăng Khoa là bạn bè mà nhiều khi hứa rồi lại vẫn không có, vì anh ấy cũng quan niệm không có thơ mới, không có thơ hay thì không đăng. Hứa là vì nể, nhưng không “đẻ” ra thì đành chịu. Truyện ngắn phải Kim Lân, Ma Văn Kháng, Đỗ Chu… Có khi mình đặt, mà báo khác đến lấy mất!

Báo nào tôn trọng mình thì mình trân trọng gửi bài

+ Ông có nói, bao nhiêu năm làm biên tập, góp phần thực hiện trang văn nghệ trên số Tết Nhân Dân, nhiều kỷ niệm lắm. Chắc hẳn nghề Biên tập viên khi chọn lọc thơ đăng báo Tết cũng không ít điều thú vị, thưa ông?

- Hạnh phúc của người biên tập văn nghệ là được quen thân các nhà thơ, nhà văn lớn mà mình ngưỡng mộ. Sinh thời, nhà thơ Khương Hữu Dụng rất hay đến Báo Nhân Dân (nhà bác gần, ở 36 phố Phan Bội Châu) cứ động đến thơ là nói chuyện không dứt. Tiễn bác ra về rồi, đến cổng vẫn nói một hai giờ đồng hồ là chuyện thường tình. Hồi đó tôi đang nằm bàn, đặt xong nồi cơm, tiễn bác vào thì nồi cơm đã cháy, bàn cũng cháy (bếp bằng dây may-xo Liên Xô đặt trên bàn làm việc)… Tôi học được bác Dụng cách làm thơ, chọn chữ, nhất là thơ tứ tuyệt. Thí dụ trong bài “Côn Sơn”, nơi nhà thơ gửi tâm sự mình như Nguyễn Trãi.

Lên đỉnh Côn Sơn tìm Nguyễn Trãi

Trên đầu xanh ngắt một bầu không

Bàn cờ thế sự quân không động

Mà thấy quanh mình nỗi bão dông

Ông rất thú chữ “nỗi” trong “nỗi bão dông” (nói về oan khuất của Nguyễn Trãi ở Côn Sơn). Thơ in rồi, ai cũng khen hay. Thế mà mồng Hai Tết, bác lại cất công đến tìm tôi. “Dở, dở lắm cháu ạ. Bác tìm được chữ này hay hơn nhiều… Phải là “dấy cơ”- Mà dấy quanh mình nỗi bão dông”. Đúng là hay hơn hẳn, câu thơ động hơn, thấy được nham hiểm, nguy hiểm của lòng người hơn! Bác tìm được chữ “dấy”, sự sung sướng rung lên trong hai hàm răng đánh vào nhau lập cập, đến giờ, sau 40 năm tôi còn cảm thấy. Tôi mới hiểu thế nào là “hai câu làm mất ba năm”, “thi thành khấp quỷ thần”… Bác dạy tôi, làm xong bài thơ, dù in rồi, dù hai ba mươi năm sau vẫn nên đọc lại, vẫn sửa cho đến kỳ cùng.

Kỹ về chữ nghĩa như thế, mồng Hai Tết năm ấy, bác không chỉ khoe chữ “nỗi”, chữ “dấy” mà còn khoe bài thơ khai bút ngày mồng Một Tết, trong đó có câu “Sáng mai Mùng Một nhà chưa khách”. Bác nói, lúc đầu bác viết là “thưa”, “chưa” hay hơn nhiều vì chưa ai dùng, mà đúng là chưa, vì sau lúc viết thơ, người ta lại đến thì sao? Bác cứ nói vậy thôi, chứ câu thơ ấy làm tôi thương bác nhiều, bỗng nhớ tới câu thơ Mạnh Hạo Nhiên: “Bất tài minh chủ khí/ Đa bệnh cố nhân sơ”; bác về hưu, tuổi già rồi; dù có tài cũng chẳng mấy ai đến nữa. Chỉ có bác vẫn say với thơ, ôm mối cô trung với thơ “Chỉ ước trọn đời khi nhắm mắt - được câu thần chú đủ vui rồi” (Tám mươi rồi hả) khi cả thời đại chuẩn bị bước vào một cơn say tiền… Và thơ ca từ ngày ấy cũng dần xuống giá…

Lại nói về anh Phạm Tiến Duật. Lúc nào anh cũng sôi nổi, chân thành. Biên tập viên là người thích nhất khi được đọc thơ trước, được nghe tâm sự của tác giả qua mỗi bài thơ. Những năm 80, Sông Đà là một đại công trình, do đó thơ về Sông Đà không thể thiếu trên báo Tết. Đọc bài “Tình yêu nói ở sông Đà”, kể một bác thợ cơ khí, bộ đội chuyển ngành, tuổi ngoại 50 mà vẫn yêu cuống quýt, tôi lấy làm lạ sao anh lại có thể viết được câu: “Người đang yêu như cây cối đang hoa/ Bác thợ ấy bồn chồn tôi biết lắm/ Mắt luôn cười và lời luôn đằm thắm/ Tôi đánh vỡ cái ly trà, bác có trách đâu”.

Anh nói, chuyện bác thợ cơ khí yêu cô vật tư ở Sông Đà là có thật, chuyện anh đánh vỡ cái tách trà là có thật; nhưng tâm trạng yêu đương ấy anh phải lấy từ lòng anh, chứ không phải chỉ từ quan sát bác thợ kia… Anh đang yêu? Tức ngoại tình? Yêu là yêu, không có “ngoại”. Tình yêu nào chẳng từ bên trong. Thế là “nội” chứ sao lại “ngoại”? Đến câu “Ngọn lửa tình đời cứ cháy, cứ nhóm giữa thời gian”, tôi hỏi, sao anh không bỏ từ “cứ nhóm” để câu thơ là “Ngọn lửa tình đời cứ cháy giữa thời gian” có dễ đọc, có hay hơn không? Anh im lặng một lúc, nói: Thế đấy em ạ, tình yêu cháy hết rồi lại nhen nhóm, khó nhọc lắm, không dễ có…

Đấy, đại loại biên tập thơ được học nghề là thế. Nhưng không chỉ có được và vui. Cũng có nhà thơ lớn, vì không được đăng thơ báo Tết mà vẫn bị giận cả gần chục năm, sau mới nguôi ngoai…

+ Từ chuyện xưa lại nghĩ đến chuyện nay, Thơ vẫn luôn là phần không thể thiếu được trên các ấn phẩm Tết… Tất nhiên là hương vị sôi nổi của một thời dường như đã “bay đi ít nhiều” rồi, thưa ông?

- Hồi trẻ, mỗi khi làm được bài thơ ưng ý, tôi thường nhảy lên reo một mình, “ôi, ta phục ta quá”, cho phép được vài tháng rong chơi, không phải làm gì và ước mỗi năm làm được một hai bài thơ hay, thế là cuộc đời đáng sống, đáng tự mãn lắm rồi! Nếu so xưa với nay, tôi thấy các báo Tết ngày nay không mấy chú ý đến chất lượng trang văn nghệ trên báo Tết. Họ chú ý hướng thượng và quảng cáo nhiều hơn chăng? Với cá nhân tôi, trước đây tôi mong và cố gắng để có bài đăng trên Báo Văn nghệ, Nhân Dân… đại loại là trên những tờ báo lớn. Bây giờ báo nào tôn trọng mình thì mình trân trọng gửi bài và nghĩ rằng bài hay thì đăng ở đâu cũng được bạn đọc đón nhận, tri âm. Và không nghĩ nhiều đến nhuận bút nữa nên việc sáng tạo tự do hơn.

+ Trân trọng cảm ơn ông!

Hà Vân (Thực hiện)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nha-tho-nha-bao-nguyen-si-dai-toi-van-thich-duoc-dang-tho-tet-no-sang-trong-hanh-phuc-lam-post282371.html