Nhà thờ đổ Hải Lý- chứng tích xâm lấn của thiên nhiên

Nhiều lần xây dựng và tu sửa, nhưng giờ dây nhà thờ đổ Hải Lý (Hải Hậu) chỉ còn giữ được tháp chuông, nền và một phần tường như một chứng tích của sự xâm lấn.

Nằm chênh vênh bên bờ biển của xã Hải Lý, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, nhà thờ đổ là một tác phẩm độc nhất vô nhị mà thiên nhiên và con người nơi đây tạo nên. Không chỉ có vẻ đẹp hoang sơ cổ kính, ngôi nhà thờ còn mang nhiều giá trị về lịch sử, tôn giáo, văn hóa và cả môi trường.

Nhà thờ đổ nằm chênh vênh trên bờ biển

Nhà thờ đổ nằm chênh vênh trên bờ biển

Nhà thờ đổ trên bãi biển Văn Lý ngày nay là dấu tích còn lại của nhà thờ Trái tim Chúa. Nơi đây đã là điểm đến thu hút nhiều du khách khi về với Nam Định

Nhà thờ đổ trên bãi biển Văn Lý ngày nay là dấu tích còn lại của nhà thờ Trái tim Chúa. Nơi đây đã là điểm đến thu hút nhiều du khách khi về với Nam Định

Di tích, chứng tích tháp chuông nhà thờ đổ trên bãi biển Văn Lý, xã Hải Lý ngày nay là dấu tích còn lại của nhà thờ Trái tim Chúa được hình thành cùng với làng chài Xương Điền thuộc xã Hải Lý, huyện Hải Hậu tỉnh Nam Định.

Tháp chuông nhà thờ đổ được ví như ngọn hải đăng

Tháp chuông nhà thờ đổ được ví như ngọn hải đăng

Trong quá trình khai hoang mở đất, lấn biển, đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của người dân ở đây cũng được phát triển. Năm 1797 giáo xứ Xương Điền được thành lập gồm các giáo họ: Đức bà, Madalena, Kính Danh, Phêrô. Năm 1877, xứ Xương Điền lập thêm và xây dựng nhà thờ họ Trái tim Chúa (nhà thờ đổ) lần thứ nhất. Khi đó nhà thờ đổ còn đơn sơ, được xây dựng trên diện tích 14m x 7m và được lợp bằng cỏ bổi, xứ Xương Điền lúc đó có 61 hộ với 244 khẩu, nhân dân sống chủ yếu bằng nghề đánh cá.

Công trình mang đậm phong cách và dấu ấn kiến trúc Gothic

Công trình mang đậm phong cách và dấu ấn kiến trúc Gothic

Những hoa văn tinh xảo trên các mảng tường còn sót lại của một công trình kiến trúc hoành tráng của địa phương vào thế kỷ 19

Những hoa văn tinh xảo trên các mảng tường còn sót lại của một công trình kiến trúc hoành tráng của địa phương vào thế kỷ 19

Từ thập kỷ thứ 2 của thế kỷ XX, nơi đây đã rơi vào tình trạng bị biển lấn, bãi thoái nhanh, do đê biển được đào đắp bằng đất nên không chịu được với sóng lấn và sự xâm thực của biển. Vì thế, sau 40 năm xây dựng, nhân dân nơi đây đã phải di chuyển nhà thờ lùi sâu vào phía trong khoảng 3.000m so với vị trí cũ. Năm 1917, nhân dân đã bắt tay vào xây dựng tái thiết nhà thờ lần thứ hai với bản thiết kế của một kiến trúc sư người Pháp. Nhà thờ được hoàn thành vào năm 1927 với khuôn viên rộng 9.330m2, nhà thờ dài 47m, rộng 15m, tháp chuông cao 27m, vòm thánh giá cao 15m với kiến trúc cửa vòm, nhiều hoa văn trang trí tỉ mỉ mang phong cách châu Âu, công phu, đẹp mắt.

Trong quá trình xây dựng với sự xâm lấn không ngừng của biển, sự khắc nghiệt của thời tiết, giáo dân phải trùng tu nhiều lần nhưng sau 78 năm (1927 -2005) cùng với một số nhà thờ khác trong khu vực, giáo xứ Xương Điền phải chuyển vào trong nội địa lần thứ 3, để lại nhà thờ đổ nằm chênh vênh trên bãi biển.

Dấu ấn bào mòn của thời gian trên các bức tường nhà thờ đổ

Dấu ấn bào mòn của thời gian trên các bức tường nhà thờ đổ

Năm 2005, cơn bão số 7 với sức tàn phá lớn, đã phá hủy toàn tuyến đê bao phía ngoài, “xóa sổ” nhà thờ đổ - Trái tim Chúa (dấu tích còn lại của nhà thờ được tái thiết, xây dựng lần thứ hai). Nhà thờ đổ - Trái tim Chúa đã bị sóng đánh sập, dấu tích giáo xứ Xương Điền xưa với nhà thờ đổ chỉ còn là cái khung và tháp chuông trên nền cát đổ nát nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp trầm tư, cổ kính.

Mặc sự xâm lấn của biển cả, nhà thờ đổ Hải Lý vẫn sừng sững hiên ngang bên bờ biển hoang sơ. Du khách đến với huyện Hải Hậu luôn tìm đến nhà thờ đổ để chứng kiến chứng tích trực quan sinh động về hệ quả của tình trạng xâm lấn của biển và biến đổi khí hậu cũng như ghi nhớ công lao to lớn trong công cuộc quai đê lấn biển, chống biển xâm thực bảo vệ sản xuất của ông cha ta.

Phạm Tiệp

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nha-tho-do-hai-ly-chung-tich-xam-lan-cua-thien-nhien-216710.html