Nhà thơ Đàm Khánh Phương: 'Kẻ xác xơ (không) hoang phí cuộc đời'

Hồi nẳm, cách đây dễ cũng tròm trèm chục năm có lẻ, cùng tụ tập trên Tam Đảo trong Hội nghị Cộng tác viên của báo Sức khỏe&Đời sống...

Hồi nẳm, cách đây dễ cũng tròm trèm chục năm có lẻ, cùng tụ tập trên Tam Đảo trong Hội nghị Cộng tác viên của báo Sức khỏe&Đời sống, nhà thơ Đàm Khánh Phương đến điểm tập kết, một thiếu phụ duyên dáng mặn mòi tiễn đến tận cửa xe. Ông hồ hởi giới thiệu: “Bà xã anh đấy”. Lại bồi thêm câu: “Bà thứ 6”. Choáng, hơn cả ngạc nhiên vì chả hiểu sao ông nhà thơ này lại đào hoa đến thế...

1. Thời gian qua, vẫn thấy ông... trên báo, thấy vẫn đều đều thơ và phong độ thuở nào, thấy Đàm Khánh Phương tuổi sát nút 70 ra liền lúc hai tập thơ... đầu tay, thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và tinh anh đỏm dáng lắm. Rồi mới gặp đây, tay bắt mặt mừng nhớ ấn tượng ngày xa thẳm, hỏi thăm đã thấy ông cười cười: “Anh có bà thứ 7 rồi”. Bấm điện thoại bảo “nói chuyện với vợ anh nhé”, giọng phụ nữ hồ hởi và chừng mực, biết đẩy đưa đối đáp, đúng kiểu có thể làm cho chồng “sang vì vợ”, Đàm Khánh Phương thủ thỉ: “Bà ấy thương anh lắm, thương các con anh, thương cả những người vợ của anh”. Lại mắt tròn mắt dẹt nhìn ông nhà thơ vẫn được tiếng một đời thong dong nhàn tản mà chẳng rõ số sướng hay thế chính là cái tai ách phải nặng mang đeo suốt một kiếp đời...

Nhà thơ Đàm Khánh Phương.

Đàm Khánh Phương bẩy mươi ba (sinh năm 1943), vóc dáng dẻo dai phong thái nhanh nhẹn, vẫn chưa có dấu vết gì của tuổi già từ mái tóc xõa lòa xòa tài tử đến cách ăn mặc lúc nào cũng gọn gàng chải chuốt, đến cả ngẫu hứng lên thì tròng cặp kính đen vào mắt ôm ghi ta bập bùng hát. Giọng nam cao vang và ấm, toàn những bài một thời kinh điển hoặc giả ông tự biên tự diễn, kiểu tự nghĩ đến đâu ào ra thành lời tới đấy, hát xong quên, mai có thể ôm đàn hát một bài mới tinh tươm “chưa ai nghe bao giờ” khác nữa. Cảm giác Đàm Khánh Phương không quá nặng nhẹ chuyện đời, cứ lấy vui lấy sự thoải mái làm phương châm sống, nhưng là kiểu sống của người có trách nhiệm với mình với vợ đàn con đống chung quanh. Nếu không thế, không khéo sắp đặt liệu bề khu xử, không lấy chữ tình đối đãi với người thân, thì cũng khó để trong ấm ngoài êm và rất dễ thành tội đồ, thành bia miệng, thành nơi trút giận của những người đàn bà trong cơn hờn ghen ngứa ghẻ. Mải chơi thế mà vẫn canh cánh một niềm: “Bất chợt xuyên vào đêm nay, Thôi lật hết vùng giá buốt, Hình như có gì nóng ruột, Quờ sang con còn ngủ say, Tảng sáng sờ vào hũ gạo, Ngó sang củi lửa muối dầu, Yên lòng các con no đủ, Mới biết giờ mình tới đâu”. Chơi gì thì chơi vui gì thì vui, cứ con cái gia đình phải là trên hết. Thế có lẽ nên Đàm Khánh Phương yêu nhiều, “một ngày nên nghĩa” với nhiều người, nhưng như cách ông nói, ông chẳng ruồng bỏ ai chẳng chia tay ai, luôn trước sau như nhất nên cũng chẳng ai oán thán hận thù. Hết yêu thì làm bạn, đấy chính là liệu pháp dưỡng thân để Đàm Khánh Phương trẻ dai, để “thất thập cổ lai hy” mà vẫn ra dáng một gã trai phong tình và như chưa chịu chấp nhận cảnh dừng bước vì chồn chân mỏi gối...

Làm thơ từ ngày trẻ, năm 1961 đã đoạt giải thơ của báo Người giáo viên nhân dân, nhưng nửa thế kỷ sau, năm 2011 Đàm Khánh Phương mới xuất bản tập thơ đầu tiên. Suốt 50 năm ấy, ông vẫn mướt mải với những chuyến đi, hăm hở với những cuộc tình, và thơ dường như cũng chỉ là đạo cụ cho cuộc đời thêm hương vị mặn mà. Biết đơn giản hóa mọi chuyện, biết “quẳng gánh lo đi”, Đàm Khánh Phương đã thắng được thời gian, làm chậm lại tốc độ lão hóa đầy khắc nghiệt của đồng hồ sinh học lạnh lùng tàn nhẫn. Ông hớn hở khoe con gái đang ở nước ngoài nhắn tin về đang đi mua quà cho mẹ kế, rồi kể chuyện bà vợ bây giờ theo về quê Vân Đình chào hỏi thăm nom sức khỏe người vợ đầu, viếng mộ người vợ đã khuất, chỉ thấy cảm thông chia sẻ nâng đỡ nhau cho ngày tháng dài bớt cô liêu quạnh vắng. Cách mà Đàm Khánh Phương đối đãi với những người đàn bà chỉ là một tấm chân tình và những dòng thơ, níu chân những người đàn bà chỉ nhờ thơ. Có thể bởi thế nên thơ Đàm Khánh Phương trước hết rất thật, rất chân phương, đương nhiên sẽ thành rất thấm: “Trời bắt mỗi nhà thơ, Chạm mắt nhiều cô gái, Em đã giữ cho tôi, Một mình em ở lại”... hoặc như ông tự thú: “Ơn đồng bãi mang về cho lúa gạo, Bạn bè chen củi lửa cũng nhiều, Duy một thứ may còn có sẵn, Trái tim này không vơi cạn tình yêu”.

Nhà thơ Đàm Khánh Phương (thứ 3 từ trái sang) cùng bạn bè văn chương, nghệ thuật.

2. Chả cứ bây giờ mà ngay ngày trẻ Đàm Khánh Phương đã đi nhiều. Đi nhiều sống nhiều trải nghiệm nhiều, ông có chồng chồng những ký ức đắt giá cho bất kỳ nhà văn nào muốn tích lũy chi tiết để viết trường thiên tiểu thuyết. Dân Vân Đình nổi danh rượu say vịt béo, yêu sớm lấy vợ sớm có con sớm, ấy vậy mà ông vẫn khăng khăng ông chính ra biết yêu sớm hơn nữa, sớm từ khi có chị gái nào đó đi tìm “lá diêu bông”, rồi phải lòng, rồi thẫn thờ, để rồi gần 60 năm vẫn khôn nguôi nhắc nhớ. Giờ ông vẫn đi, vẫn thoắt ẩn thoắt hiện. Ở nhà hiểu theo nghĩa ở Hà Nội ông cũng không bỏ lỡ cơ hội góp mặt vào các sự kiện của giới văn nghệ, ít ra là để chung vui cùng ban tổ chức, để hiểu hơn cuộc sống đang diễn ra ào ạt mỗi ngày hay đơn giản, để được gặp, được chơi với những người trẻ. Những khó khăn cực nhọc đã lùi lại đằng sau, con cái gần như phương trưởng, nhà thơ lên hàng ông hàng... cụ, nên bản năng ham chơi lại càng có cơ được ve vuốt vỗ về. Cũng vì ít so đo toan tính thiệt hơn, cứ hài lòng chấp nhận cái mình có, nên số phận cũng thương, trời luôn phú cho ông những người đàn bà biết toan lo vun vén, trái tim đủ vị tha để yêu tất thảy những thứ ồn ào hoặc lặng lẽ thuộc về ông: “Xếp chặt hết một ngày, Đong được đủ tình em là có thật, Mất những điều đáng mất, Lại hóa thành ra em”, cứ thủ thỉ rù rì thế, cứ vơ hết lỗi về mình nhận hết phần thiệt hơn về mình, ấy là làm những người đàn bà mềm yếu lung lay bản lĩnh, động lòng trắc ẩn. Và như ông thường nhủ: “Đàn ông sao phải so đo đúng sai thiệt hơn với đàn bà”... Thành thật như ông, thôi thì đa đoan đèo bòng âu cũng là tất yếu, một sự tất yếu may mắn ít gây ra những phiền toái hao mòn nhất có thể: “Xin đừng nói với anh những lời nước mắt, Anh là kẻ xác xơ hoang phí cuộc đời, Em đã đến như một đồng vàng cuối, Anh găm đáy túi mình sợ vương vãi buông rơi”...

Không phải sớm, nhưng cũng chưa hẳn là quá muộn, Đàm Khánh Phương cũng theo dấu nhiều văn nhân khác, tập tành chơi facebook. “Phây” của ông đặc biệt hơn vì up rất nhiều hình người vợ bây giờ, thực ra là hình những chuyến rong ruổi ngược xuôi tràn đầy niềm vui và hạnh phúc của cặp đôi anh “vẫn chưa già đâu, còn em “không trẻ nữa”, như một cách biến tấu thơ Hồng Thanh Quang. Đấy cũng là liều thuốc tiên nữa đặc trị cho “bệnh” trẻ lâu của Đàm Khánh Phương. Đấy có thể một cách “lấy lòng”, thực ra là lời cảm ơn với người đã cùng ông sẻ san ngày tháng. Đối đãi bằng ân tình thì sẽ nhận về ân tình, sau bấy nhiêu mất mát cuộc đời, sau vô vàn những đắng cay sóng gió, ông vẫn yêu và được yêu, cũng là thường tình: “Tháng bẩy rằm này nhờ hương khói, Gửi về dưới chị mấy lời thưa, Từ khi vắng chị nhà trống dột, Sớm tối em về che nắng mưa, Ơn giời các cháu dần khôn lớn, Hai chị em ta sắp sửa bà, Thương em con nó càng nhớ chị, Sáng lại nét cười trong mắt cha”... Ông dùng thơ nói hộ lời vợ, thưa với người đã khuất, để làm an lòng người sống và đẹp hơn những khắc giây hiện tại. Đời được như Đàm Khánh Phương âu đã là nhiều lắm, nên những lận đận thiệt thòi, những tưởng thưởng lẽ ra phải có ông thây kệ, chả đoái hoài bận tâm. Cho đi rồi nhận lại, Đàm Khánh Phương hồn hậu ân tình trong thơ và đam mê nhiệt huyết ở đời, nên ông luôn được nhận về mình sự bình yên trong sóng gió...

Ngô Hương Sen

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/nha-tho-dam-khanh-phuong-ke-xac-xo-khong-hoang-phi-cuoc-doi-n124200.html