Nhà thầu tự bỏ tiền thi công để sớm “thông mạch” QL1

Sau gần 2 năm Dự án nâng cấp, cải tạo QL1 đoạn Thanh Hóa - Diễn Châu “đắp chiếu” do nhà nước không bố trí được vốn, các nhà thầu thi công đã chủ động tìm kiếm nguồn vốn, tự bỏ tiền để thi công trước. Đây là việc làm rất đặc biệt và hiếm hoi trong lĩnh vực xây dựng giao thông, nhất là trong bối cảnh các nguồn vốn cho hạ tầng đang rất khó khăn.

Chỉ được ứng 140 tỷ vẫn cam kết xong trong 18 tháng

QL1 Thanh Hóa - Diễn Châu có tổng chiều dài 57km, bao gồm 2 đoạn: Thanh Hóa - Nghi Sơn 38km và Cầu Giát - Diễn Châu 19km, đều do Ban QLDA 1 làm đại diện chủ đầu tư. Chưa kể trượt giá do tạm dừng từ 2011, tổng mức đầu tư công trình theo quyết định phê duyệt cũ đã lên đến 3.014 tỷ đồng, với 9 gói thầu xây lắp. Theo kế hoạch, Dự án sẽ được triển khai bằng vốn ngân sách, tuy nhiên do thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ và vốn liếng thu xếp khó khăn nên dù đã mặt bằng đã được bàn giao khoảng 45km và các nhà thầu đã huy động máy móc, thiết bị đến công trường, sẵn sàng cho việc thi công nhưng Dự án vẫn phải tạm gián đoạn. Một số nhà thầu đã rút máy móc ra khỏi công trường, số ít vẫn bám trụ lại với hy vọng Dự án sẽ sớm được cấp vốn.

Cienco4 thi công mở rộng QL1A đoạn Vinh - Hà Tĩnh. Ảnh: Khánh Hà

Trao đổi với phóng viên Báo GTVT, ông Nguyễn Quốc Bình, Phó Tổng giám đốc Ban QLDA 1 cho biết, dù phải tạm dừng thi công, song thời gian qua, đại diện chủ đầu tư và các nhà thầu vẫn luôn canh cánh nỗi lo về Dự án và tìm cơ chế để “khơi thông” dòng vốn triển khai trở lại. “Đây là tuyến huyết mạch quốc gia, các dự án nâng cấp cải tạo QL1 phía Thanh Hóa và thành phố Vinh đều đang được xây dựng và sẽ sớm hoàn thành trong thời gian ngắn nữa. Chỉ còn đoạn Thanh Hóa - Diễn Châu ở giữa là còn bị “tắc”. Nếu không sớm triển khai xây dựng, khi các đoạn phía Thanh Hóa và thành phố Vinh đưa vào khai thác sẽ giảm nhiều ý nghĩa và tuyến QL1 từ Hà Nội vào Vinh không được “liền mạch”, ông Bình chia sẻ.

Ông Bình cho biết thêm, do tính chất quan trọng của Dự án, nhất là khi chủ trương của Chính phủ yêu cầu phải hoàn thành nâng cấp toàn tuyến QL1 trước 2016, nên Ban Quản lý dự án 1 (QLDA 1) đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT trong khi chờ Chính phủ thu xếp vốn, cho phép các nhà thầu đã trúng thầu 2 đoạn của Dự án này được sớm triển khai thi công. Tất cả các nhà thầu đều có cam kết cung cấp tín dụng của các ngân hàng và đảm bảo tự ứng vốn triển khai thi công đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh môi trường và đảm bảo giao thông thông suốt trong suốt quá trình thi công. Ban QLDA 1 cũng đề nghị Bộ GTVT cho bố trí một phần vốn đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và thi công dự án.

Những nỗ lực để sớm khởi động dự án của Ban QLDA 1 và các nhà thầu đã có kết quả bước đầu khi trung tuần tháng 4/2013, Bộ GTVT ra Văn bản số 222/TB-BGTVT thông báo kết luận của Thứ trưởng Trương Tấn Viên đồng ý phân bổ 140 tỷ đồng để chi trả cho công tác GPMB và tạm ứng tối đa 5% cho các nhà thầu để thi công. Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA 1 chỉ đạo các nhà thầu tự ứng vốn nếu nguồn vốn ngân sách chưa được phân bổ.

Cũng theo ông Bình, đây là cơ sở quan trọng để đại diện chủ đầu tư và các nhà thầu bắt tay vào thi công. Ngay trong ngày 16/4/2013, nhà thầu đã huy động máy móc đến công trường để thực hiện việc đào đắp móng, nền đường 2 gói thầu đầu tiên là gói số 5 và số 6, “Dù nguồn vốn ứng là rất ít ỏi và phải tự thu xếp tiền, Ban QLDA 1 vẫn yêu cầu các nhà thầu thi công cuốn chiếu, làm đến đâu gọn gàng đến đó để đảm bảo giao thông và chỉ thực hiện gói gọn trong vòng 18 tháng hoàn thành toàn bộ Dự án”- ông Bình nói.

Mong được hỗ trợ lãi suất

Nhận thức được tầm quan trọng của việc khởi động lại QL1 Thanh Hóa - Diễn Châu, hầu hết các nhà thầu đều cho rằng đây là việc làm hết sức cấp thiết và có ý nghĩa lớn cho việc sớm kết thúc nâng cấp, cải tạo toàn tuyến QL1 từ Hà Nội đến Cần Thơ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Mặc dù vậy, dù đã có cam kết tự ứng vốn nhưng không ít nhà thầu vẫn còn canh cánh nhiều nỗi lo. Ông Phạm Văn Khôi, Tổng Giám đốc Phương Thành Tranconsin - nhà thầu thi công gói số 5 chia sẻ, trước đây các đơn vị thi công đều đã điều máy móc đến công trường, do đó càng để lâu càng tốn kém và phát sinh chi phí. Chính vì vậy, việc các nhà thầu phải tự thu xếp vốn, chịu lãi suất ngân hàng là cực chẳng đã. “Đây vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa là giải pháp tình thế, nên Bộ GTVT và các cơ quan chức năng cần có cơ chế hỗ trợ thêm cho các nhà thầu, trước hết nhà nước có thể hỗ trợ phần lãi suất ngân hàng do các nhà thầu huy động để san sẻ khó khăn cho các doanh nghiệp”- ông Khôi đề nghị.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Thủy Nguyên, Giám đốc Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường- đơn vị thi công gói số 6 cho biết, giá trị gói thầu này lên đến 200 tỷ đồng, phải huy động từ các tổ chức tín dụng sẽ phát sinh lãi suất rất lớn. Bộ GTVT và các cơ quan chức năng có thể xem xét hỗ trợ một phần lãi suất để các nhà thầu yên tâm thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng và sớm hoàn thành Dự án.

Đức Thắng

Nguồn Giao Thông: http://giaothongvantai.com.vn/kinh-te/du-an-dau-thau/201304/Nha-thau-tu-bo-tien-thi-cong-de-som-thong-mach-QL1-280785/