Nhà thầu Trung Quốc sai phạm vẫn... không sao: Học cái xấu?

Quen làm trong môi trường dễ dãi, gian dối... doanh nghiệp Việt cũng chỉ học được những thói quen xấu.

Lo nhà thầu nội nhiễm tính xấu

TS Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhìn nhận, công tác đánh giá, xếp hạng nhà thầu tham gia vào các dự án có nguồn vốn ngân sách nhà nước năm 2016 của Bộ GTVT là cần thiết. Tuy nhiên, nhìn vào con số 21/474 nhà thầu bị đánh giá có chất lượng trung bình, trong số đó đa số đều là nhà thầu Hàn Quốc và Trung Quốc là rất đáng lưu tâm.

Nhà thầu Trung Quốc nhiều sai phạm vẫn không sao. Ảnh minh họa

Ông Liêm đánh giá, đa số những nhà thầu Hàn Quốc và Trung Quốc bị điểm mặt đều là những cái tên quen thuộc, trong số đó có những nhà thầu được đánh giá khá tốt tại các nước sở tại.

Vấn đề khó hiểu ở chỗ, khi tham gia các dự án xây dựng tại Việt Nam thì từ những nhà thầu có tiếng tăm lại liên tục dính bê bối, mắc sai phạm.

Cụ thể với các nhà thầu Hàn Quốc thì có Posco, Lotte, Samwan, Doosan. Các tên tuổi gắn với nhà thầu Trung Quốc thì có Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc, Tổng công ty Xây dựng cầu đường Quảng Tây.

Đặt ra hai giả thiết, TS Phạm Sỹ Liêm phân tích: Thứ nhất, các nhà thầu Trung Quốc và Hàn Quốc đang có thái độ xem thường trình độ, năng lực quản lý của chủ đầu tư Việt Nam. Vì vậy, các nhà thầu Hàn Quốc và Trung Quốc mới có cơ hội đưa công nghệ lạc hậu, yếu kém, cán bộ, công nhân có trình độ, kỹ thuật thấp, thậm chí đưa lao động phổ thông sang... mà phía Việt Nam vẫn không kiểm soát và xử lý được.

Thứ hai, công tác quản lý, giám sát dự án của Việt Nam còn nhiều hạn chế, yếu kém.

Ông Liêm cho biết, ngành xây dựng có đặc thù riêng, nhiều dự án phải trải qua một thời gian sử dụng mới bộc lộ nhược điểm, hạn chế. Ví dụ cụ thể với những dự án đường cao tốc cũng vậy, chỉ khi đưa vào sử dụng mới xuất hiện lún, sống trâu...

Nói thẳng đây là lỗi của khâu giám sát, quản lý thi công kém, vị chuyên gia bắt bẻ: "Việc giám sát thi công phải thực hiện ngay từ khi mới bắt đầu, rồi theo suốt quá trình xây dựng và cho tới khi hoàn thành dự án. Không phải chờ xây dựng xong mới đến kiểm tra, nghiệm thu. Khâu này của Việt Nam hiện rất yếu", ông Liêm nói.

Ngoài hai nguyên nhân trên, ông Liêm còn cho rằng, tư duy coi trọng "quan hệ" hơn coi trọng chất lượng cũng được xem là bản chất của nhiều nhà thầu Trung Quốc. Theo ông Liêm, nhờ cách làm ăn trên mà nhiều dự án dù có chất lượng không tốt nhưng "quan hệ" tốt nên vẫn lọt.

"Đây là nguyên nhân vì sao nhiều nhà thầu Trung Quốc, Hàn Quốc dù dự án nào cũng "dính chàm" vẫn không sao và vẫn được tiếp tục thi công", ông Liêm lý giải.

Một vấn đề khác cũng được vị chuyên gia đề cập, đó là cách sử dụng các nhà thầu phụ Việt Nam của doanh nghiệp Trung Quốc cũng khác so với các nhà thầu Nhật, Mỹ...

"Các nhà thầu Mỹ, Nhật họ rất coi trọng thương hiệu, danh dự, uy tín và đạo đức kinh doanh, vì vậy, yêu cầu lựa chọn các nhà thầu phụ cũng rất khắt khe, nghiêm túc. Tôi lấy ví dụ với dự án cầu Nhật Tân, cũng là dự án sử dụng vốn ODA của Nhật và cũng sử dụng nhà thầu phụ Việt Nam nhưng từ vấn đề quản lý dự án cho tới khâu giám sát thi công....họ đều làm rất tốt", ông Liêm nêu.

Lấy ví dụ trên để so sánh, ông Liêm muốn nhấn mạnh việc lựa chọn nhà thầu nước ngoài để liên doanh, liên kết với nhà thầu phụ trong nước thực hiện dự án là rất quan trọng. Vì khi làm trong môi trường lành mạnh, chuyên nghiệp, nhà thầu phụ Việt Nam sẽ có cơ hội học hỏi, trưởng thành nhanh hơn. Ngược lại, nếu làm trong môi trường dễ dãi, quen làm ăn gian dối, không coi trọng trình độ, chất lượng công trình thì doanh nghiệp Việt cũng chỉ học được những thói quen xấu.

"Về phía nhà thầu phụ Việt Nam sau khi được các nhà thầu Trung Quốc thuê lại với giá rẻ, cũng phải làm nhanh, làm ẩu, ăn bớt nguyên vật liệu để kiếm lợi. Như thế là tự mình hại mình", ông Liêm lo lắng.

Kẽ hở lớn nhất là do đấu thầu

Nói về giải pháp, PGS.Trần Chủng - Trưởng ban Chất lượng - Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, Luật đấu thầu hiện có nhiều kẻ hở, tạo điều kiện cho các nhà thầu yếu, kém "lọt cửa".

Ông nhấn mạnh, đấu thầu công trình xây dựng không giống với đấu thầu thuốc hay đấu thầu bất cứ một loại sản phẩm hàng hóa nào khác. Tức là, trong quá trình đấu thầu công trình xây dựng nó chưa có sản phẩm, vì vậy, không thể dựa trên giá cả để quyết định chọn đơn vị thầu.

Tuy nhiên, Luật đấu thầu hiện đang không phân tách được điểm khác biệt này, nên đa số những sai phạm tại các dự án xây dựng thời gian qua đều do lỗi của công tác đấu thầu.

Lấy ví dụ từ hai nhà thầu A và B, cùng tham gia cơ chế đấu thầu vị PGS phân tích.

Nhà thầu A đạt 60 điểm về trình độ kỹ thuật, nhà thầu B đạt 90 điểm, nhưng khi bỏ thầu, nhà thầu A lại trúng thầu vì bỏ giá thấp hơn nhà thầu B.

Nhà thầu Trung Quốc sai phạm vẫn... không sao: Nghịch lý

Cuối cùng chúng ta thay vì lựa chọn được nhà thầu có chất lượng 90 điểm thì nay chỉ chọn được nhà thầu đạt 60 điểm.

"Tiêu chí giá rẻ là điểm bất cập trong quy định đấu thầu. Vì vậy, trong thời gian tới đây cần đưa ra điểm liệt, điểm trừ khi thẩm định hồ sơ đấu thầu của các nhà thầu nước ngoài tham gia thực hiện dự án.

Tối lấy ví dụ, với những nhà thầu từng mắc lỗi hoặc mắc lỗi nghiêm trọng mà bị cảnh báo nhiều lần cần phải bị loại bỏ khỏi danh sách tham gia đấu thầu", vị PGS kiến nghị.

Như vậy, giá rẻ sẽ không phải là lợi thế số 1 nữa mà các tiêu chí kỹ thuật, đạo đức kinh doanh, yêu cầu chất lượng mới là lựa chọn ưu tiên". ông Chủng nói.

Hoài An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/nha-thau-trung-quoc-sai-pham-van-khong-sao-hoc-cai-xau-3337784/