Nhà thấp hơn đường: Làm ngược thế giới, dân gánh khổ

Việt Nam đang làm ngược khi từng ngành, từng địa phương tự đề xuất quy hoạch theo kiểu manh mún, ảnh hưởng đến giao thông và các vấn đề khác.

Thích điều chỉnh

Theo thống kế của Sở Xây dựng TP.HCM, hiện TP có hơn 8.400 trường hợp nhà dân tại các quận 6, 8, Bình Tân, Bình Thạnh, Thủ Đức thấp hơn mặt đường, mặt hẻm do dự án nâng cấp đường, hẻm, môi trường...

Tương tự, tại TP Hà Nội, nhiều nhà dân bỗng dưng trở thành hầm, thấp hơn mặt đường cả mét do cải tạo đường. Tiêu biểu như đường Vành đai 1 đoạn Ô Đông Mác – Nguyễn Khoái (Hà Nội).

Nhà của người dân trên đường Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh TP.HCM) bị biến thành hầm sau khi mặt đường nâng lên cao. Ảnh: Tuổi trẻ

Lý giải tình trạng này, KTS Nguyễn Ngọc Dũng, Ủy viên BCH Hội Kiến trúc sư TP.HCM cho rằng nó liên quan đến quy hoạch tổng thể và chiến lược phát triển của một đô thị, chư không đơn thuần là quy hoạch theo dạng Việt Nam đang làm, đó là cứ vài năm lại điều chỉnh dựa trên những thông số rất chủ quan.

Những thông số đó trong vòng 5 năm có thể sử dụng được, nhưng 10 năm, 20 năm sau hầu như chỉ đoán mò.

"Vừa qua, Chính phủ có đề xuất Luật Quy hoạch, nhưng luật ấy gây ra mâu thuẫn giữa Bộ Xây dựng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về vấn đề quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội.

Đây là vấn đề lớn của một quốc gia chứ không đơn thuần là một bộ này hay thành phố nọ. Phải giải quyết được vấn đề này thì khi đó mới có thể tính quy hoạch thành phố như thế nào", KTS Nguyễn Ngọc Dũng cho biết.

Vị chuyên gia chỉ ra thực tế rằng, Việt Nam đang tồn tại tình trạng từng thành phố, ủy ban tự quy hoạch, tự đề xuất kinh tế phát triển theo quy mô 5 năm một lần.

Tuy nhiên, cách làm này có nhiều bất cập và trong 5 năm sau phải điều chỉnh, thậm chí điều chỉnh liên tục. Việc điều chỉnh đó ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống người dân do các nhà quản lý không tính lâu dài.

"Thế giới không làm như vậy. Bởi thế, phải có Luật Quy hoạch lại cho rõ ràng, phân biệt giữa kế hoạch chiến lược và quy hoạch, không phải bao gồm tất cả những thứ đó vào một.

Quy hoạch đối với một đất nước, một thành phố hay một địa phương nhỏ phải là quy hoạch lâu dài, dựa trên luật Đất đai, luật Tài nguyên môi trường, luật hành chính của địa phương...

Như vậy người ta sẽ tính toán được kế hoạch, chiến lược phát triển lâu dài của thành phố, từ đó đề xuất ra quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội của thành phố đó. Quy hoạch này sẽ bao trùm lên tất cả các quy hoạch còn lại bên trong của thành phố đó, bao gồm quy hoạch về giao thông, quy hoạch về kiến trúc, phát triển ngành nghề...", KTS Nguyễn Ngọc Dũng phân tích.

Ông dẫn TP.HCM làm ví dụ. Theo đó, TP.HCM được định hướng phát triển là kinh tế trọng điểm phía Nam, bao trùm rất nhiều thứ về ngành nghề và các cơ quan chuyên môn dự báo trong bao lâu nữa người dân ở các nơi sẽ đổ dồn về TP này.

Khi tính trước được chuyện đó, người ta đề xuất ra những thành phố vệ tinh, từ đó tính ra được thu nhập đầu người và kinh tế phát triển như thế nào cho phù hợp trong vòng vài chục năm tới.

Nó bao gồm cả vấn đề giao thông, phát triển cầu cảng, sân bay đến các vấn đề kinh tế khác, không phải theo kiểu mỗi ngành tự đề xuất ra quy hoạch hiện nay.

"Đây là vấn đề kinh tế phát triển cả một vùng và hiện nay Việt Nam đang làm ngược, theo kiểu làm từng ngành, từng địa phương rất manh mún, ảnh hưởng đến giao thông và nhiều vấn đề khác, kìm hãm sự phát triển của đất nước", KTS Nguyễn Ngọc Dũng nhấn mạnh.

Hệ quả là?

Vị chuyên gia dẫn vấn đề giao thông ở TP.HCM như một minh chứng khi Việt Nam làm ngược.

Theo đó, nếu TP.HCM không tính được kinh tế xã hội phát triển cả vùng kinh tế trọng điểm thì sẽ không hình dung được người dân đổ dồn về đây trong vòng 20 năm tới như thế nào, không tính được kinh tế phát triển về hướng nào, lượng giao thông đi lại trên đường ra sao; đường sẽ càng ngày càng mở rộng ra và người ta cho quy hoạch trên vùng đất thấp.

Đối với vùng đất thấp, đương nhiên khi triều cường lên hay mưa xuống chỉ có nước... chịu chết. Lúc ấy, TP.HCM phải tốn tài sản của người dân để xây đê, kè, trong khi không phát triển được kinh tế xã hội.

Bởi vậy, KTS Nguyễn Ngọc Dũng thấy lạ khi Bộ Xây dựng với Bộ Kế hoạch Đầu tư lại cãi nhau về Luật Quy hoạch.

"Khi Bộ Xây dựng muốn có một quy hoạch tổng thể về kiến trúc xây dựng thì phải dựa trên quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, không thể tự mình vẽ đường sá, tự định chỗ này bao nhiêu dân...

Hiện nay chúng ta đang quy hoạch theo kiểu định dân số sẵn, 3 triệu dân, 5 triệu dân, 10 triệu dân... Cái đó hoàn toàn duy ý chí. Phải dựa trên kinh tế phát triển của đất nước, dựa trên quan hệ quốc tế, cầu cảng, xuất khẩu đi đâu, nhập khẩu cái gì về...

TP.HCM hay Hà Nội, khi định ra được hướng đi như vậy thì sẽ định ra được các thành phố vệ tinh xung quanh để xây dựng những thành phố đó chuyên về cái gì.

Ví dụ, kinh tế phát triển, thế giới đang hướng tới kinh tế tri thức hay kinh tế phần mềm, công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ... thì những thành phố đó phải hướng cho người dân sinh sống bằng nghề đó.

Phải tạo ra các thành phố chuyên đề để không phải tốn tiền làm quy hoạch con thoi, vô tình khiến người dân phải đi ào ào ngoài đường", ông Dũng chỉ rõ.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/nha-thap-hon-duong-lam-nguoc-the-gioi-dan-ganh-kho-3337404/