'Nhà Tây Sơn' qua góc nhìn của Quách Tấn, Quách Giao

'Nhà Tây Sơn' là cuốn sách mới được nhà văn Quách Tấn và con trai Quách Giao biên soạn, có góc nhìn khác với các bộ sử trước đây.

Nhà Tây Sơn là cuốn sách mới được nhà văn Quách Tấn và con trai Quách Giao biên soạn, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành, có những chi tiết mới và nhiều thông tin khác biệt so với các tài liệu và sách báo đã công bố.

Cuốn sách mới của tác giả Quách Tấn - Quách Giao về nhà Tây Sơn.

Lịch sử nhà Tây Sơn là vấn đề lớn được các nhà nghiên cứu sử học và người dân quan tâm tìm hiểu. Nhiều tác phẩm đã viết về thời đại này, viết về những anh hùng dân tộc thời Tây Sơn. Tuy chưa thật đầy đủ, song những gì được công bố và tổng kết trong các công trình đã xuất bản là rất công phu và ý nghĩa.

Nhà Tây Sơn được thực hiện nhân kỷ niệm 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu của độc giả về một triều đại tuy ngắn nhưng ghi dấu trong lịch sử dân tộc với chiến công lừng lẫy chống ngoại xâm và những ý tưởng cải cách có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc xây dựng đất nước.

Cuốn sách là thành quả suốt 50 năm miệt mài tìm tòi, sưu tầm, nghiên cứu, ghi các sự kiện lịch sử về nhà Tây Sơn. Tác phẩm được viết năm 1983, khi đó nhà văn Quách Tấn đã trên 70 tuổi, với sự giúp đỡ đắc lực của con trai Quách Giao.

Tác giả Quách Giao cho biết, theo ý kiến của nhà văn Quách Tấn, Nhà Tây Sơn không thể gọi là một cuốn lịch sử, vì một số tài liệu chưa được phối kiểm chặt chẽ. Đây chỉ là phần tư liệu được chọn lọc, sắp xếp có hệ thống, những điều mà các tác giả thấy nên chép, đáng chép. Các bộ sử trước viết về nhà Tây Sơn thường chỉ chú trọng đến vua Quang Trung, ít nói đến các tướng võ, quan văn đã giúp nhà Tây Sơn xây dựng sự nghiệp. Tập sách này lấp được phần nào những chỗ khuyết ấy.

Ở cuốn Nhà Tây Sơn, bên cạnh các chi tiết mới và tỉ mỉ, còn có những thông tin khác biệt so với tài liệu và sách báo đã công bố. Có thể kể đến như tên cha mẹ của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ; việc xác định quê quán của Đô đốc Trần Quang Diệu; mối liên quan giữa các tướng lĩnh Tây Sơn như Bùi Thị Xuân và Ngô Văn Sở, Đô đốc Đặng Văn Long và Đô đốc Đặng Tiến Đông...

Tác phẩm được viết với phương pháp ghi chép lại các sự kiện lịch sử theo sự phản ánh của nhân dân địa phương. Cụ thể theo lời truyền của các bậc trưởng thượng từng sống trong thời Tây Sơn, ở đất Tây Sơn. Tác giả viết dựa theo tư liệu lịch sử đáng tin cậy gồm 12 bộ sử ký về nhà Tây Sơn được nhân dân lưu giữ, cùng với các tài liệu lịch sử trong và ngoài nước có liên quan tới phong trào Tây Sơn. Cách ghi chép rất sinh động, dễ đọc.

Tình Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nha-tay-son-qua-goc-nhin-cua-quach-tan-quach-giao-2266992.html