Nhà sáng chế kỹ thuật 'sinh ra từ làng'

Không chỉ nổi tiếng với đôi bàn tay khéo léo và những tác phẩm 'thổi hồn vào đá', nghệ nhân Đỗ Khắc Thư, xã Ninh Vân (huyện Hoa Lư) còn được mọi người biết đến như một nhà sáng chế kỹ thuật 'sinh ra từ làng'. Nhiều công trình nghiên cứu của ông đã đạt giải cao và ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn.

Dây chuyền sản xuất đá bậc thềm giảm sức lao động, tăng năng suất cho cơ sở.

Dây chuyền sản xuất đá bậc thềm giảm sức lao động, tăng năng suất cho cơ sở.

Lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nghề chế tác đá từ lâu đời, nghệ nhân Đỗ Khắc Thư, sinh năm 1961 không rõ tình yêu nghề đá đã ngấm vào mình tự lúc nào. Ông cho biết: "Sinh ra trong làng nghề, lớn lên trong tiếng búa, tiếng đục đá khiến tôi hun đúc một thứ tình cảm lớn lao với quê hương. Đó vừa là tình yêu, vừa là trách nhiệm gìn giữ bản sắc văn hóa cha ông".

Lớn lên khi chứng kiến cảnh ông cha mình và những người thợ làng đá quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" mà thu nhập chẳng đáng là bao, ông Thư cứ đau đáu một nỗi niềm. Ông Thư nhớ lại: "Nhiều năm trước, khi máy móc chưa có, người thợ làm đá phải làm thủ công các công đoạn từ xẻ đá, mài đá, chạm khắc, đánh bóng,… Bụi bặm, cực nhọc, nguy hiểm mà năng suất không cao. Lúc đó tôi cứ trăn trở làm thế nào để đưa máy móc ứng dụng vào nghề của cha ông giúp giảm sức lao động cho người thợ đá. Vậy là tôi quyết định theo học một trường cơ khí. Niềm đam mê sáng tạo máy móc kỹ thuật cũng nhen nhóm từ đó…".

Sau khi tốt nghiệp, ông Thư về quê mở xưởng đá để tiếp tục nối nghiệp cha ông. Với niềm đam mê nghề điêu khắc đá từ nhỏ cộng với sự sáng tạo, tìm tòi, ông Thư đã cho ra đời nhiều tác phẩm đá tinh xảo, độc đáo. Năm 2015, ông được công nhận là nghệ nhân thủ công mỹ nghệ. Trong quá trình làm nghề, ông không ngừng nỗ lực, tìm tòi nghiên cứu đưa công nghệ máy móc, kỹ thuật hiện đại áp dụng vào sản xuất và chế tác đá mỹ nghệ. Nhiều công trình nghiên cứu của ông đã đạt giải cao trong các cuộc thi của tỉnh và đang ứng dụng rộng rãi trong đời sống xã hội, tiêu biểu như công trình "Máy làm phào chỉ đá trong sản xuất đá mỹ nghệ" đạt giải ba tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh năm 2015, công trình "Máy khoan rút lõi đá trong chế tác đá mỹ nghệ" đạt giải khuyến khích năm 2016, công trình "Máy tiện đá" đạt giải khuyến khích tại Giải thưởng Khoa học và Công nghệ Hoa Lư tỉnh Ninh Bình năm 2018.

Mới đây, ông Thư đã nghiên cứu thành công công trình "Dây chuyền sản xuất đá bậc thềm". Chia sẻ về ý tưởng công trình, ông cho hay: Trước đây muốn làm ra sản phẩm đá bậc thềm để sử dụng trong các công trình nhà thờ, đình chùa… cơ sở sản xuất đá phải sử dụng 3 loại máy riêng biệt: máy cắt, máy làm phào chỉ và máy làm nhám mặt đá. Cách làm này mất nhiều thời gian và công sức trong việc gá lắp phôi đá vào các máy.

Qua nhiều năm nghiên cứu, tìm tòi và đúc kết kinh nghiệm, ông Thư đã chế tạo thêm băng tải để kết nối ba máy trên thành dây chuyền sản xuất đá bậc thềm. Bằng cách làm này đã tiết kiệm được thời gian, công sức, điện năng tiêu thụ mà vẫn đảm bảo được độ chính xác của sản phẩm. Theo đó, số lượng công nhân vận hành máy giảm từ 2 người xuống còn 1 người. Số lượng sản phẩm sản xuất ra tăng từ 40 viên/ca lên 100 viên/ca. Giá thành sản phẩm giảm khoảng 10% so với giải pháp cũ.

"Tôi mất khoảng 2 năm nghiên cứu, mày mò, đưa ý tưởng trở thành hiện thực. Trong suốt 2 năm đó có lúc mô hình thất bại nhưng không vì thế mà tôi bỏ cuộc giữa chừng, bởi hơn ai hết, tôi hiểu việc nghiên cứu thành công dây chuyền này có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với làng đá" - ông Thư tâm sự. Với tính ứng dụng và hiệu quả cao, vừa qua công trình "Dây chuyền sản xuất đá bậc thềm" đã vượt qua 56 công trình, giải pháp và đạt giải nhì tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Ninh Bình lần thứ XI. Công trình được hội đồng thẩm định, Ban giám khảo đánh giá cao về tính sáng tạo, năng suất, hiệu quả, tính ứng dụng thực tế.

Ông Nguyễn Quang Diệu, Trưởng Ban Quản lý làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân nhận xét: Nghệ nhân Đỗ Khắc Thư là một người có tay nghề kỹ thuật cao và đam mê sáng tạo, nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Nhiều công trình của ông đang được ứng dụng rộng rãi và hiệu quả tại các cơ sở chế tác đá trên địa bàn xã. Riêng đối với dây chuyền sản xuất đá bậc thềm có ý nghĩa quan trọng và là điều mà rất nhiều cơ sở chế tác đá quan tâm. Hiện đã có một số cơ sở chế tác của làng nghêừ́ng dụng dây chuyền này. Ngoài ra có một số cơ sở ở ngoài tỉnh đặt mua dây chuyền của ông Thư với giá khoảng 650 triệu đồng.

Bằng niềm đam mê, yêu đá, yêu nghề và đặc biệt là sự nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu khoa học kỹ thuật không mệt mỏi, nghệ nhân Đỗ Khắc Thư đang từng ngày đưa làng đá phát triển hưng thịnh, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước.

Bài, ảnh: Minh Hải

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nha-sang-che-ky-thuat-sinh-ra-tu-lang-/d2023111008131363.htm