Nhà ông Nguyễn Văn Huệ - Cơ sở cách mạng 2 thời kỳ kháng chiến

Đến ấp 2, xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An hỏi nhà ông Nguyễn Văn Huệ, nhiều người biết rõ bởi ngôi nhà này từng là cơ sở hoạt động cách mạng Mỹ An Phú qua 2 thời kỳ kháng chiến, có 3 thế hệ nuôi giấu, bảo vệ các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, đảng viên và tham gia cách mạng. Đó là gia đình Nguyễn Văn Kiên - Đinh Thị Ơn (thế hệ đầu tiên); Nguyễn Văn Huệ - Nguyễn Thị Bưởi (thế hệ thứ 2) và Nguyễn Thị Hạnh (thế hệ thứ 3).

Gia đình 3 đời nuôi giấu cách mạng

Năm 1939, ông Nguyễn Văn Kiên và bà Đinh Thị Ơn xây dựng ngôi nhà 3 gian, 2 chái theo kiểu nhà truyền thống dân dụng Nam bộ. Ngôi nhà lợp ngói “vảy cá”, nền lát gạch tàu, cột gỗ căm xe. Trải qua 2 thời kỳ chiến tranh ác liệt, mưa bom, bão đạn nhưng ngôi nhà vẫn còn tương đối nguyên vẹn đến ngày nay.

Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, gia đình ông Kiên, bà Ơn nuôi giấu cán bộ, đảng viên hoạt động cách mạng. Năm 1947-1949, đồng chí Võ Trần Chí - cán bộ Ban Chấp hành Thanh niên cứu quốc tỉnh Tân An, đã ở tại ngôi nhà này để hoạt động và lãnh đạo phong trào Thanh niên cứu quốc. Sau đó, đồng chí Võ Trần Chí trải qua nhiều cương vị lãnh đạo: Bí thư Tỉnh ủy Long An (năm 1964 đến tháng 11/1967); Bí thư Phân khu ủy Phân khu II (năm 1968); Khu ủy viên Khu 8 (năm 1972); Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM (1991-1996). Trong giai đoạn 1945-1954, gia đình ông Kiên, bà Ơn còn nuôi giấu, bảo vệ các đồng chí lãnh đạo của tỉnh, huyện.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, tiếp nối truyền thống gia đình, từ năm 1955 đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Nguyễn Văn Huệ, bà Nguyễn Thị Bưởi tiếp tục nuôi giấu, bảo vệ cán bộ. Đặc biệt, trong những năm 1956-1959 và sau Chiến dịch Mậu Thân, bọn địch khủng bố, đàn áp dã man phong trào cách mạng miền Nam; nhiều cơ sở cách mạng bị đánh phá, một số cán bộ, đảng viên bị bắt và giết hại. Những gia đình tham gia kháng chiến cũ (chống Pháp) bị theo dõi, khủng bố gắt gao. Trong hoàn cảnh đó, bất chấp mọi nguy hiểm, ông Huệ, bà Bưởi vẫn nuôi giấu, bảo vệ các đồng chí lãnh đạo, cán bộ: Võ Trần Chí, Trần Văn Bang, Nguyễn Bá Nha, Dương Xuân Cảnh (Bảy Mai), Lê Thanh Tâm (sau này làm Bí thư Tỉnh ủy Long An), Đặng Thị Diềm,...

Đến thế hệ thứ 3, với lòng yêu nước được vun đắp từ cha ông, bà Nguyễn Thị Hạnh (sinh năm 1946) đã tham gia cách mạng từ rất sớm, làm liên lạc và nuôi giấu cán bộ. Bà được kết nạp Đảng năm 1968, hoạt động tại Tân An, sau đó về Mỹ An Phú cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Sau năm 1975, đồng chí Nguyễn Thị Hạnh làm Bí thư xã Mỹ An Phú, Bí thư xã Mỹ Thạnh.

Nhà ông Nguyễn Văn Huệ được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2016

Nhà ông Nguyễn Văn Huệ được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2016

Những đóng góp vô cùng quý báu của 3 thế hệ trong gia đình ông Nguyễn Văn Huệ là minh chứng cụ thể cho hình ảnh Long An “toàn dân đánh giặc”. Có những lúc địch khủng bố ác liệt, cái chết kề bên nhưng họ kiên quyết bám trụ, trung thành tuyệt đối với Đảng, với đồng chí, đồng bào. Đó là những tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng mà giá trị lịch sử, nhân văn vẫn còn sống mãi với thời gian. Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử qua 2 thời kỳ kháng chiến, “Nhà ông Nguyễn Văn Huệ - cơ sở hoạt động cách mạng Mỹ An Phú” (ấp 2, xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa) đã được UBND tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Cần được trùng tu, tôn tạo

Di tích nhà ông Nguyễn Văn Huệ hiện nay xuống cấp nghiêm trọng, cần được trùng tu, tôn tạo

Di tích nhà ông Nguyễn Văn Huệ hiện nay xuống cấp nghiêm trọng, cần được trùng tu, tôn tạo

Trải qua những thăng trầm của thời gian, hiện tại, Di tích lịch sử “Nhà ông Nguyễn Văn Huệ, ấp 2, xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa” có nhiều hạng mục xuống cấp: Hệ thống kèo, đòn tay bị mối mọt làm hư hỏng; nền gạch bị bể, mái ngói bị dột; vách gỗ bị mối mọt, hư hỏng nặng,... cần được trùng tu, tôn tạo.

Theo đánh giá từ các chuyên gia, việc trùng tu ngôi nhà ông Nguyễn Văn Huệ góp phần quan trọng gìn giữ, bảo quản công trình kiến trúc dân dụng truyền thống Nam bộ đã tồn tại trên 80 năm và vẫn còn giữ nguyên kiến trúc ban đầu. Đặc biệt, công trình sau khi trùng tu sẽ là "địa chỉ đỏ" trong công tác giáo dục truyền thống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ. Hiện UBND huyện Thủ Thừa xây dựng kế hoạch, lộ trình, dự toán nguồn kinh phí trùng tu, tôn tạo Di tích lịch sử “Nhà ông Nguyễn Văn Huệ, ấp 2, xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa” để trình cấp trên phê duyệt.

Việc trùng tu, tôn tạo di tích Nhà ông Nguyễn Văn Huệ không những góp phần giáo dục truyền thống mà còn tri ân những gia đình là cơ sở hoạt động cách mạng; những đồng chí, đồng bào đã ngã xuống vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

Văn Hiếu

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nha-ong-nguyen-van-hue-co-so-cach-mang-2-thoi-ky-khang-chien-a158736.html