Nhà nông “say” ca trù

Các thành viên CLB Ca trù thôn Đào Đặng (xã Trung Nghĩa, TP.Hưng Yên) hầu hết là những người nông dân. Dù bận rộn với việc đồng ruộng, nhưng họ lại rất tâm huyết với ca trù.

Cả nhà cùng tham gia

Thôn Đào Đặng xưa là làng Đào Đặng, huyện Tiên Lữ, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên – quê hương của bà Đào Thị Huệ, ca nương nổi tiếng vào cuối đời nhà Hồ (đầu thế kỷ XV). Khi bà mất, nhân dân địa phương lập đền thờ và gọi tên bà là Ả Đào.

Người dân nơi đây vẫn gọi đền thờ bà là đền Mẫu, đền Ả Đào hoặc đền Đào Nương. Công trình gắn với bà mẫu Ả Đào này chính là nơi mà CLB Ca trù thôn Đào Đặng chọn là nơi sinh hoạt văn hóa của mình.

Ngày 14.4.2013, UBND tỉnh Hưng Yên ra quyết định thành lập CLB Ca trù thôn Đào Đặng, nhưng thực tế CLB đã hoạt động được hơn một năm với 15 thành viên, hiện nay đã có tới 28 thành viên. CLB có thành viên lớn tuổi nhất là bà Vũ Thị Điểu (75 tuổi), các thành viên ít tuổi nhất là cháu Dương Hà Linh và Trần Thị Quỳnh (12 tuổi). Đặc biệt, cả gia đình chị Vũ Thị Hạnh (3 người) đều tham gia vào CLB.

Các thành viên CLB Ca trù Đào Đặng trong một buổi tập.

Bà Đỗ Thị Thanh Nhàn - Chủ nhiệm và là ca nương chính của CLB cho biết: “CLB Ca trù Đào Đặng hiện có 5 ca nương, 2 kép đàn, tôi là ca nương bậc nhất nên có thể hát được 7 thể cách, trong đó có cả “Tỳ bà hành” – một thể cách tương đối khó trong ca trù. Đa số các thành viên khác hát được từ 1 - 3 thể cách là hát nói, hát miễu và 36 giọng. Chúng tôi hầu như ngày nào cũng tập, rảnh là tập. Nếu có lịch diễn thì tập cả ngày lẫn đêm. Vất vả thật nhưng mà vui lắm. Có chị đến ngày đi biểu diễn rồi, sợ chồng cấm, không cho đi, còn nói dối chồng là... đi làm thuê!”.

Không thể bỏ

Trong CLB Đào Đặng, việc truyền dạy chủ yếu theo phương thức truyền thống, tức là “bắt tay chỉ việc”. Người dạy trực tiếp chỉ cho người học cách đàn, hát, nảy hạt và lấy hơi, chuyển giọng, đánh phách…

Khi được hỏi về hướng đi tới cho CLB, bà Nhàn- chủ nhiệm CLB chia sẻ, CLB đang tuyển thêm thành viên mới. Nhiều người thích hát đến đăng ký nhưng toàn các… bà già, muốn tìm lớp trẻ vào CLB mà khó quá.

Vào những dịp lễ, hội trong làng, CLB đều tham gia nhiệt tình. Đặc biệt, dịp giỗ đền Mẫu vào ngày mùng 2.2 (âm lịch) hàng năm, CLB không chỉ hát cho dân làng nghe những bài ca trù nổi tiếng như “Hồng hồng tuyết tuyết”, “Tỳ bà hành”… mà còn tự dàn dựng những vở kịch: “Tống Trân – Cúc Hoa”, “Phạm Tải – Ngọc Hoa” hay biểu diễn những bài chèo: “Lưu Bình – Dương Lễ”, “Quan Âm Thị Kính”…

Trong CLB, ngoài bà Nhàn là một thầy thuốc Đông y, hầu hết các thành viên còn lại đều làm nông nghiệp. Bà Trần Thị Vinh (65 tuổi), tâm sự: “Nhà tôi cấy hơn 6 sào, có hôm đi cấy về, đau oằn cả lưng, ăn tối xong vẫn đi tập hát như thường. Có hôm phải diễn đúng vào ngày gặt, tôi phải thuê người làm để được đi diễn, mê rồi không bỏ được”.

Ông Trần Đăng Tưởng- Phó Chủ tịch UBND xã Trung Nghĩa cho biết: “Khi CLB mới thành lập, UBND tỉnh cũng hỗ trợ một phần kinh phí hoạt động, còn hiện nay hầu hết chi phí đó đều do các thành viên của CLB đóng góp. Xã cũng chỉ có thể tạo điều kiện về chính sách, chủ trương hoặc động viên tinh thần là chính. Mặc dù không trực tiếp hỗ trợ, song xã luôn tranh thủ vận động một số doanh nghiệp cũng như các nhà hảo tâm để giúp đỡ duy trì hoạt động của CLB”.

Tố Uyên

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/van-hoa/nha-nong-say-ca-tru/20131031111924p1c30.htm