Nhà nhà vui đón tết

Không khí tết đang tràn ngập khắp nơi. Dù vẫn còn bận rộn với công việc, song mỗi gia đình đều cố gắng chăm chút, chuẩn bị để đón tết đầm ấm, vui tươi.

Nhộn nhịp sắc xuân

Những ngày này, không khí hối hả, dòng người ngược xuôi mua sắm, nhà nhà tất bật chuẩn bị đón chào năm mới. Sắc xuân đang rộn rã trên các tuyến phố, ngõ xóm và hiện diện trong ánh mắt, nụ cười mỗi người.

Từ 23 tháng Chạp, tết như đã chạm ngõ từng nhà. Các gia đình cúng tiễn ông Công, ông Táo, lau dọn bàn thờ thật sạch sẽ. Mọi công việc như đang “chạy đua” với thời gian để kịp đón tết.

Nông dân xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc tất bật thu hoạch dưa hấu tết

Những ngày này, gia đình ông Cao Văn Phương (xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) tất bật thu hoạch dưa hấu tết. Gắn bó với nghề trồng dưa hấu phục vụ thị trường tết hơn 30 năm, năm nào cũng vậy, cả nhà ông phải xong vụ dưa hấu mới lo sắm tết. Ông Phương cho biết, nhờ nắm vững kỹ thuật và có thương lái quen từ TP.HCM nên ruộng dưa của ông đã được đặt cọc với giá 15.000 đồng/kg. Vụ dưa tết mang lại thu nhập kha khá nên dù bận rộn, gia đình ông cũng cảm thấy vui.

Mùa xuân là mùa khởi đầu cho năm mới. Với mỗi người Việt từ ngàn xưa đến nay, Tết Nguyên đán đã trở thành một phần không thể thiếu, góp phần làm nên bản sắc văn hóa Việt - cội nguồn của sức mạnh dân tộc. Tết ở miền Nam là những hàng mai vàng trước ngõ, những chậu vạn thọ, hoa cúc khoe sắc trước nhà góp chút hương xuân; có vài căn nhà được quét lên màu sơn mới; có người làm mứt, kẹo, gói bánh, làm dưa kiệu,... bởi ai cũng mong muốn có một cái tết thật trọn vẹn.

Chị Phạm Ngọc Hân (ấp 3, xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ) tự tay làm lạp xưởng để ăn tết

Đầu tháng Chạp, chị Phạm Ngọc Hân (ấp 3, xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ) đã bắt đầu mua sắm quần áo mới cho các thành viên trong gia đình. Đặc biệt, trong những ngày này, chị càng bận rộn hơn với việc dọn dẹp, trang trí nhà cửa. Là người thích nấu ăn nên mỗi khi tết đến, chị thường làm nhiều món ăn, trong đó có lạp xưởng.

Mấy nhà hàng xóm sang thăm, chúc tết, ăn lạp xưởng thấy ngon nên khuyên chị làm thêm để bán. Vì vậy, mùa tết năm nay, ngoài làm cho gia đình ăn, chị làm thêm một ít để bán. “Tôi không thấy việc tất bật với gạo nếp, đậu xanh, thịt heo để gói bánh tét, làm dưa kiệu, lạp xưởng,… là phiền phức; cũng không thấy việc lau dọn nhà cửa là mệt mỏi. Với tôi, việc vào bếp, tự tay chuẩn bị những món ăn hay trang hoàng tổ ấm sau một năm bận rộn mưu sinh góp phần làm nên “hương vị tết”” - chị Hân bộc bạch.

Tết cổ truyền an vui

Thấy hoa là thấy tết

Khi những nhành hoa mai bung nở, cúc, vạn thọ rực rỡ đầy sắc màu, tạo nên một hương vị rất riêng của những ngày tết cũng là lúc người người tất bật hoàn thành công việc của những ngày cuối năm chuẩn bị đón chào năm mới đầm ấm, an vui và đủ đầy.

Trong suy nghĩ của nhiều người, họ đều cảm nhận mùa xuân bằng trái tim mình bởi mùa xuân là mùa nhẹ nhàng quên đi tất cả những giận hờn để níu lại những yêu thương. Tết Cổ truyền là thời khắc quan trọng của năm, khởi đầu cho những điều thuận lợi, vui tươi.

Chị Nguyễn Thị Hoàng Oanh (thị trấn Tân Trụ, huyện Tân Trụ) trang trí nhà cửa để đón tết

Để tạo không gian ấm cúng trong dịp tết, đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Thị Hoàng Oanh (thị trấn Tân Trụ, huyện Tân Trụ) dành thời gian để dọn dẹp, trang trí cho ngôi nhà của mình tràn ngập sắc xuân.

Chị Oanh chia sẻ: “Mọi năm, vợ chồng tôi thường đón tết ở nhà cha mẹ và nội, ngoại. Năm nay là năm đầu tiên, vợ chồng tôi ra ở riêng nên quyết định trang trí cho căn nhà để đón tết. Khi bạn bè, người thân đến chơi cũng có thể chụp ảnh làm kỷ niệm. Tôi bắt đầu trang trí nhà từ ngày 23 tháng Chạp, các tiểu cảnh, background được tôi lựa chọn đặt mua trên mạng rồi về tự thiết kế theo ý mình. Năm nay, vợ chồng tôi tạo những góc trang trí mang đậm phong cách Tết Cổ truyền, để cho không gian sống thêm ấm áp”.

Còn bà Phạm Thị Hạnh (phường 3, TP.Tân An) cho biết, gia đình bà có một người con, cả nhà vừa sửa lại căn nhà để gia đình đón tết vui tươi, đầm ấm. “Có một đứa con gái nhưng cận tết con tôi mới được nghỉ nên vợ chồng tôi thường quét dọn nhà cửa trước. Tôi cũng chuẩn bị một số đồ khô cho chồng làm mồi lai rai những ngày tết. Khi con gái về, hai mẹ con tôi cùng nhau đi mua hoa về trang trí tết. Sau đó, cả nhà gói một ít bánh tét vừa để cúng ông bà, vừa có hương vị của ngày tết” - bà Hạnh nói.

Chăm lo, cải thiện, nâng cao đời sống cho người dân là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Hoạt động này càng được tăng cường thực hiện trong dịp Tết Cổ truyền của dân tộc theo đúng tinh thần chỉ đạo của tỉnh là bảo đảm mọi nhà, mọi người đều được vui xuân, đón tết.

Tết là dịp để nghỉ ngơi, vui chơi cũng như “tái tạo năng lượng” cho một năm mới. Vậy nên, điều quan trọng nhất là hãy làm những gì mình yêu thích khi tết đến, xuân về. Có người chọn cho mình cách quây quần bên gia đình trong những bữa cơm ngày tết, cũng có thể chọn đi chơi, du lịch đâu đó.

Việc sắm tết, trang trí nhà cửa ra sao là tùy nhu cầu, điều kiện của mỗi người, đừng tạo “áp lực tết” cho chính mình. Bởi suy cho cùng, nghỉ tết, sắm tết, chơi tết ra sao là quyền tự quyết của mỗi người để cảm nhận không khí tết thật sự đầm ấm, vui vẻ.

Một năm nữa dần khép lại, Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 đang đến thật gần. Mỗi người hãy bỏ lại năm cũ với những muộn phiền, mệt mỏi và bắt đầu năm mới với ước vọng tốt lành!./.

Như Nguyệt

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nha-nha-vui-don-tet-a171048.html