Nhà Nguyễn với câu hỏi: Giữ đê hay phá đê?

Cai trị một nước Việt Nam với nền kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, cũng giống như các triều Lý, Trần, Lê, các vua triều Nguyễn rất quan tâm đến việc đắp, tu bổ đê điều để trị thủy. Câu hỏi: Giữ hay phá hệ thống đê ở đồng bằng Bắc bộ đã được nhiều triều vua thời Nguyễn nêu ra.

Hình tượng Cây lúa được khắc trên bộ Cửu đỉnh thời Nguyễn, đặt ở trước sân Thế miếu trong Hoàng thành Huế.

Vua Gia Long vừa lên ngôi đã quan tâm đến vấn đề đê điều. Năm 1809, ông lại cho đặt ra chức Bắc Thành đê chánh và các chức Tổng lý và Tham lý đê chánh để lo vấn đề đê điều, gồm tu bổ đê cũ, đắp thêm đê mới ở các trấn xứ Bắc Kỳ.

Theo nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thế Anh, trong cuốn “Kinh tế và Xã hội Việt Nam dưới các vua triều Nguyễn” (Nhà xuất bản Văn học 2008), thì năm 1809, hệ thống đê điều ở Bắc Thành tổng cộng là 239.933 trượng, tương đương 960km. Đến hết thời Gia Long, hơn 47km đê điều đã được tu sửa. Và sau 21 năm dưới thời nhà Nguyễn, chiều dài các con đê ở Bắc Kỳ đã tăng lên 303.616 trượng tương đương 1.215km. Tới cuối thế kỷ 19 thì hệ thống đê này đã dài tới 2.400km.

Sang thời Minh Mạng, năm 1828, theo đề nghị của các quan, vua cho tăng cường thêm nhân sự cho nha môn đê chánh. Tuy nhiên, tới năm 1833 thì nha này lại bị bãi bỏ, việc đê điều được chuyển sang cho các Đốc biện tại các tỉnh.

Theo sách “Đại Nam điển lệ”, năm 1833, chiều dài tổng cộng của hệ thống đê tại miền Bắc đo được 333.616 trượng (khoảng 1.300km). Về kích thước, ở khúc sông lớn, mặt đê rộng 8m, chân đê rộng 28m, cao 4,8m; sông nhỏ mặt đê rộng 3,6m, chân rộng 12m, cao 3,6m.

Băn khoăn giữ hay bỏ đê?

Mặc dù triều đình dành rất nhiều quan tâm nhiều tới việc trị thủy, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau các đê đắp lên cứ vỡ liên miên. Đặc biệt là ở sông Hồng, vì đất bồi nên lòng sông giữa 2 con đê cao hơn mặt đất, do đó nước lụt rất dễ tràn qua mặt đê.

Sử sách ghi nhận từ năm 1802 đến năm 1858, cả nước có 38 lần mưa bão gây lụt lớn, trong đó những lần vỡ đê vào các năm 1803, 1804, 1806, 1819, 1828, 1833, 1840, 1842, 1847, 1856, 1857 làm gần như toàn bộ Bắc Bộ bị lụt, mất mùa và đói kém.

Triều đình phân vân trong 3 cách: Giữ đê, phá đê và đào thêm sông. Ngay từ thời Minh Mạng, nhà vua đã nhiều lần lấy ý kiến quần thần về việc này, khi thì hỏi quan địa phương, lúc lại hỏi đình thần nhưng người thì bàn phá đê, người lại chủ trương đào sông mới, ý kiến bất đồng quá nhiều tới nỗi thời 2 vua Thiệu Trị và Tự Đức phải treo bảng khắp nơi để trưng cầu dân ý.

Sách “Minh Mạng chính yếu” chép: “Nhà vua gọi thị thần lại, phán rằng: Nếu phá bỏ đê, thời lập tức nước sông dâng lên tràn ngay vào ruộng hại liền theo đó, như thế thời đủ thấy rõ ràng rằng đê không thế nào phá bỏ đi được vậy. Nếu khinh suất nghị luận phá bỏ đê, không khỏi để cho đời sau chê cười...”.

Để giữ đê, vua Minh Mạng cho đào sông Cửu Hà để san sẻ bớt nước của con sông Hồng. Sông đào rồi, tỉnh thần Hưng Yên tâu lên rằng nhờ đó “lúa mùa hè rất được, so với năm trước, được rất nhiều hơn”.

Tại các tỉnh Sơn Tây, Hải Dương cũng vậy, những nơi nào bị nước lụt tràn vào, thì nhờ lớp bùn bồi đắp vào, đất trở nên màu mỡ, sản lượng nông nghiệp tăng lên rất nhiều. Tuy nhiên, thiệt hại cũng không phải là nhỏ, năm 1834, nước sông Hồng dâng cao hơn 10m, dân chết đuối vô số. Triều Tự Đức, đê Văn Giang ở Hưng Yên bị vỡ 18 năm liền, cả huyện Văn Giang thành bãi cát bỏ hoang.

Năm 1833, theo lệnh nhà vua, Tổng đốc Nam Định là Đặng Văn Thiêm đi khám xét đê điều đã tâu lên Minh Mạng chủ trương “Sửa đắp đê mới hay đê cũ, công trình nặng nhọc, phí tổn công khố cũng nhiều, thế mà khó nói trước có giữ được chắc chắn hay không. Nếu đổi ra làm việc khai sông, không những bớt được chút phí tổn mà lại có thể phân được thế nước và bớt được sự xô mạnh dồn xuống”.

Vua Minh Mạng ra lệnh đình chỉ việc đắp đê để chờ xem tình hình ra sao rồi mới bàn định lại. Tuy nhiên năm 1834, vua sai Giám thành Phó sứ là Trương Viết Sùy kiểm tra lại thì ông này cho rằng “không thể bỏ đê được”.

Năm 1852, vua Tự Đức lại tiếp tục mở cuộc trưng cầu ý kiến về việc phòng đê ở Bắc Kỳ, các ý kiến lại một lần nữa chia thành 2 phái: Giữ đê và bỏ đê. Nhóm chủ trương cứ đắp đê các sông lớn, bỏ đê sông con và sông nhỏ có Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Soạn, Nguyễn Văn Tĩnh, Nguyễn Cẩm, Bạch Tự Cường..., nhóm chủ trương giữ đê có Đặng Văn Hòa, Trương Văn Uyển, Ngụy Khắc Tuần, Nguyễn Khắc Hoan, Nguyễn Văn Siêu, Bùi Quỹ...

Lập luận của phái bỏ đê

Lập luận của phái bỏ đê rộ lên từ năm 1847, với người đề xướng chính là Tổng đốc Hà Ninh Nguyễn Đăng Giai. Cũng theo sách “Bắc kỳ hà đê sự tích”, thì Nguyễn Đăng Giai đề nghị khi bỏ đê, sẽ khai thông sông Nguyệt Đức (Sơn Tây), Thiên Đức (Hàm Long), Nghĩa Trụ (Bắc Ninh), khiến nước sông Hồng được phân lưu chảy về Đông, giảm bớt lượng nước chảy vào đồng ruộng.

Sau khi bàn bạc cùng đình thần, vua Thiệu Trị không dám vượt ra khỏi chủ trương của vua cha là Minh Mạng, không chấp thuận đề nghị của Nguyễn Đăng Giai, vì “nếu nhất đán hủy bỏ đi, nước lũ chảy quanh thì chỗ cao phải đi thuyền ở sàn, mà chỗ trũng phải bỏ làm đầm, làm vực, không biết luận điệu ‘chén nước đổ vào mâm’ đã là xác đáng chưa”.

Đến năm 1872, các tỉnh Bắc Kỳ đều điều trần về việc đê điều nhưng vẫn tiếp tục có ý kiến khác nhau. Những bài điều trần này đã được đóng thành từng tập dày như Đê chính tập hay Đê chính tân luận. Do việc bất đồng kéo dài nên triều đình vẫn phải giữ đê mà đê vẫn tiếp tục vỡ.

Ý kiến nhóm giữ đê

Theo sách “Bắc kỳ hà đê sự tích” (Hà Ngọc Xuyên dịch - xuất bản tại Sài Gòn 1963), sang đến đầu thế kỷ XX, Tổng đốc Hưng Yên Lê Hoan, đưa ra chủ trương giữ đê kèm theo biện pháp tu bổ các sông ngòi để hạn chế tác hại do nước gây ra. “Dân ta sinh ra gấp năm sáu lần đối với trước, thấy có lợi đất bồi bèn dựng nhà ở, phá làm ruộng cấy, phù sa nổi đến đâu, đắp đê ngự hàn đến đấy, thậm chí đắp triệt ngang sông làm ruộng như sông Quế Hải, sông Nháy ở huyện Hải Hậu; sông Long Hầu, sông Mã Cảnh, sông Ngư Đồng ở Tiền Hải... Hạ lưu đã như thế, hai bên bờ đại hà phù sa bồi cao, không thấp hơn đê bao nhiêu. Bờ càng cao, lòng sông càng nông, thành ra nhà cửa, dân cư trong đê đều ở vào chỗ trũng cả...”.

Nguyên Kinh lược sứ Bắc kỳ Hoàng Cao Khải cũng chủ trương giữ đê. Trong thư gửi cho Thống sứ Bắc kỳ, ông cho rằng, nếu đồng loạt bỏ hết đê, các làng mạc sẽ chìm trong nước lũ, muốn canh tác trở lại, phải chờ đến 10 năm. Cứu trợ và miễn thuế cho dân trong suốt 10 năm là điều rất khó thực hiện, cư dân dễ rơi vào tình trạng đói khổ, chết chóc. Hoàng Cao Khải cho rằng có thể bỏ đê ở những vùng đất cao và giữ đê ở những vùng đất thấp, tìm cách nâng cao những vùng đất thấp để tiến dần đến việc bỏ hẳn đê. Ông cũng ước tính trong vòng 10 năm, những vùng thấp sẽ được sa bồi thành những vùng không ngập nước. Tại hầu hết những tỉnh còn lại, một số nơi lòng sông cao hơn mặt ruộng 5m, buộc phải giữ đê và mở rộng dòng chảy.

Tài liệu của Hoàng Cao Khải được Thống sứ Bắc kỳ chuyển cho Sở Thủy lợi Pháp tại Hà Nội cho ý kiến. Trong tờ trình cho cấp chỉ huy, viên Chánh kỹ sư, Giám đốc Sở Thủy lợi, tán đồng phần lớn quan điểm của vị nguyên Kinh lược sứ và nhận xét thêm rằng lòng sông không được bồi nhanh như người ta tưởng, nước ngày một dâng cao, chủ yếu là lưu lượng nước tăng lên do nạn phá rừng ở thượng nguồn gây ra.

Còn triều đình Huế, vẫn giữ nguyên lập trường giữ đê như cũ. Thập niên đầu thế kỷ 20, vua Thành Thái định rằng hàng năm cứ trước ngày 20 tháng 11 dương lịch, Sở Lục lộ các tỉnh đi khám đê điều trong hạt, lập biên bản trình cho công sứ Pháp liệu biện. Cũng từ thời điểm này, tình trạng lụt lội đã giảm khá nhiều, nhờ nỗ lực của chính quyền thuộc địa và công sức của người dân.

Thưởng phạt trong việc đê điều

Việc đắp đê, sửa chữa và khám xét được triều Nguyễn quy định tỉ mỉ. Thời Tự Đức nhiều lần đã xác định lại cách thưởng phạt về sự phòng hộ đê và phân định trách nhiệm của các phủ, huyện, tổng, lý sở tại các nơi đê vỡ.

Triều đình còn xem xét trách nhiệm coi giữ nước sông của nha Đê chính và khi nha này làm việc không hiệu quả, khiến đê bị vỡ, thì phải bồi thường lại các khoản của công đã chi ra.

Sách “Đại Nam thực lục” chép việc các năm Tự Đức thứ 11 đến năm thứ 14, tiền gạo công tư đã chi cho việc đắp đê lên đến hơn trăm vạn, đến năm Tự Đức thứ 19, đê vỡ, thì trừ các khoản đã được khoan tha ra, nha Đê chính phải bồi thường 309.165 quan tiền, 101.709 phương gạo.

Khi xử tội các quan liên quan, vua Tự Đức phán rằng: Năm thứ 14 bãi nha ấy, sau năm thứ 19 mới vỡ, thì không làm xong việc đã mưu tính, đều có thể tha thứ, nhưng làm thử đã 3 - 4 năm mà không thành công, cũng khó khỏi lỗi không có tài năng. Nay còn phải bồi bao nhiêu, lại miễn cho 5 thành (tiền hơn 154.582 quan, gạo hơn 50.850 phương), còn 5 thành chiểu theo năm tháng lâu chóng chia nhau phải bồi. (Nguyên án trước, đường quan bồi 6 thành, thuộc viên bồi 4 thành) do bộ Hình cho hạn nộp đủ.

Trong vụ án này, nguyên Quản lý Vũ Trọng Bình, Hiệp lý Nguyễn Tư Giản, Tham biện Nguyễn Văn Vĩ và Viên ngoại lang trước là Hà Văn Trung, Chủ sự Hoàng Tạo đã chết, Tư vụ Trần Đức Phác đã chết, Chủ sự Nguyễn Địch Cát đã chết; Chủ sự Lê Đản, Tư vụ Đặng Phác đã chết, Chủ sự Phan Huân đã chết, Tư vụ Tống Hữu Trí đều phải chia nhau bồi thường, người nào chết thì sức cho vợ con người ấy phải bồi. Trong đó có Hoàng Tạo, Đặng Phác đều chết vì việc nước được miễn.

Mặt khác, triều đình đặt ra các biện pháp thưởng phạt đối với các quan lại có trách nhiệm bảo vệ đê điều. Khi đê vỡ, tri phủ, tri huyện sở tại bị giáng 4 trật, nếu đốc thúc dân phu cứu chữa sớm thì được phục hồi 2 trật; các quan tỉnh thì bị phạt bổng, còn cai tổng, phó tổng và lý trưởng sở tại thì bị phạt trượng.

Lê Tiên Long

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/nha-nguyen-voi-cau-hoi-giu-de-hay-pha-de-670968.bld