Nhà mua hàng đổ về Việt Nam, nông sản đua nhau tăng giá

Nhu cầu thị trường lớn khiến giá nhiều mặt hàng nông sản như gạo, cà phê, hồ tiêu, rau quả liên tục tăng mạnh ngay trong những tháng đầu năm.

Giá nông sản tăng

Thời điểm này, trên những cánh đồng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nông dân đang tất bật thu hoạch vụ lúa Đông Xuân 2024. Trên những cánh đồng liên kết sản xuất với doanh nghiệp, hợp tác xã, niềm vui của nông dân như được nhân đôi khi doanh nghiệp bao tiêu, năng suất lúa đạt cao và bán được mức giá ổn định.

Tại Sóc Trăng, ông Trần Văn Chuyên (huyện Mỹ Xuyên) vừa thu hoạch xong 1 ha lúa giống RVT, giá bán 8.400 đồng/kg. “Vụ lúa Đông Xuân năm nay, năng suất thu hoạch đạt gần 7 tấn/ha. Vụ này trừ đi mọi chi phí, lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng, tăng 5 triệu đồng so với năm trước”, ông Chuyên cho biết.

Nhìn nhận về thị trường vụ lúa Đông Xuân 2024, bà Bùi Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1), cho biết vụ Đông Xuân năm nay người dân không chỉ được mùa mà còn được cả giá. Với giá lúa hiện nay, người dân lãi khoảng 60% theo giá thành sản xuất mà Hiệp hội tài chính đã công bố là khoảng 4.000 đồng/kg.

Với mặt hàng cà phê, sau chuỗi ngày tăng không ngừng nghỉ, giá cà phê đang ở ngưỡng cao nhất mọi thời đại khi vượt mốc 90.000 đồng/kg. Ngày 19/3, cà phê nhân được giao dịch quanh ngưỡng 93.000 – 94.000 đồng/kg, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.

Ông Bạch Quang Hồng (Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk), chuyên trồng cà phê chất lượng cao - cho biết, cà phê đã hết vụ thu hoạch, giá liên tiếp phá đỉnh lịch sử. Đây là mức giá trong mơ của người nông dân. Dù đã bán hết hàng từ trước đó nhưng những người nông dân như ông phấn khởi bởi trúng giá lớn.

Theo tính toán của ông Hồng, 1 ha cà phê sạch cho thu hoạch khoảng 4 tấn cà phê nhân. Nông dân bán ở ngưỡng 85.000 đồng/kg sẽ thu về khoảng 340 triệu đồng. Trừ chi phí, lãi khoảng 220 triệu đồng/ha. Còn nếu giữ được cà phê đến thời điểm này và bán với giá trên 90.000 đồng/kg thì trúng đậm.

Giá cà phê xuất khẩu tăng

Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cho biết, giá cà phê xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm 2024 đã tăng tới 1.000 USD tấn/ha so với 2 tháng đầu năm 2023. Việc tăng trưởng cả 3 tiêu chí về lượng, giá và trị giá bình quân của mặt hàng cà phê xuất khẩu đang giúp cho những người nông dân trồng cà phê, nhất là thủ phủ cà phê ở Tây Nguyên được hưởng niềm vui lớn.

Còn với ngành hồ tiêu, giá hạt tiêu cũng lập kỷ lục mới khi vọt lên ngưỡng 93.000 - 95.000 đồng/kg, thậm chí nhiều nhà vườn đang bán với giá 100.000 đồng/kg.

Theo các nhà vườn trồng hồ tiêu, giá hồ tiêu đang cao nhất trong vòng 5 năm qua. Do đó, thu nhập của nông dân cũng tăng mạnh. Một 1 ha trồng hồ tiêu sau khi trừ chi phí có thể lãi trên 350 triệu đồng.

Nhiều đơn hàng xuất khẩu

Nông sản đang là “bức tranh sáng” trong tổng thể hoạt động xuất khẩu những tháng đầu năm khi hàng loạt mặt hàng liên tục đón nhận nhiều đơn hàng xuất khẩu.

Thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, so với cùng kỳ năm ngoái, 2 tháng đầu năm nay giá xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam tăng mạnh so với cùng kỳ. Theo đó, bình quân giá gạo xuất khẩu 2 tháng đầu năm đạt 699 USD/tấn, tăng 32,2%; cà phê 3.153 USD/tấn, tăng 44,7%; hạt tiêu 4.041 USD/tấn, tăng 28,7%...

Ông Thái Như Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam cho biết, các nhà nhập khẩu trên thế giới đang tìm về Việt Nam mua cà phê. Trong năm qua, các doanh nghiệp ở Việt Nam xuất khẩu gần hết lượng hàng trong kho. Các doanh nghiệp trong nước liên tục tiếp các đoàn khách từ nhiều nơi trên thế giới đến tìm hiểu và mua cà phê Việt Nam bởi cà phê Việt Nam đang trở thành lựa chọn hàng đầu ở phân khúc Robusta.

Thông tin thêm về thị trường xuất khẩu cà phê đầu năm 2024, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Phúc Sinh - Nguyễn Huy Hùng chia sẻ, cuối năm 2023, công ty đã ký hợp đồng xuất khẩu cà phê sang các thị trường mới. Hiện, đơn hàng xuất khẩu cà phê đã kín đến hết quý I/2024.

Với những tín hiệu tích cực từ thị trường xuất khẩu, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Vina T&T Group kỳ vọng giá nhiều loại nông sản sẽ tiếp tục tăng trong những tháng đầu năm và cân bằng lại ở giữa năm. Riêng mặt hàng sầu riêng, trong tháng 2 và 3, khi các nước như Thái Lan, Malaysia cạn nguồn hàng, sầu riêng Việt Nam tiếp tục được bán với giá cao. Tuy nhiên, tới đây, khi Việt Nam xuất thêm mặt hàng đông lạnh sang Trung Quốc, thị trường có thể bước vào giai đoạn ổn định.

Theo các chuyên gia, mặc dù thị trường xuất khẩu nông sản đang có nhiều tín hiệu tích cực, song để bảo đảm sự phát triển bền vững, thiết lập thị trường nhập khẩu ổn định, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng chuỗi liên kết, thường xuyên cập nhật tiêu chuẩn từ thị trường nhập khẩu để có đối sách trong xây dựng nguồn nguyên liệu cũng như chế biến, đóng gói xuất khẩu.

Về phía Bộ Công Thương, Bộ sẽ tiếp tục làm tốt dự báo cung cầu, thông tin về tình hình thị trường, kết nối giữa người sản xuất với tiêu dùng, tranh thủ lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do, nhất là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Qua đó, cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào một số thị trường, tháo gỡ rào cản để thâm nhập thị trường mới; đồng thời, coi trọng xây dựng thương hiệu nông sản Việt.

Hà Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nha-mua-hang-do-ve-viet-nam-nong-san-dua-nhau-tang-gia-309565.html