Nhà máy Zaporizhzhia - điểm nóng trong ngày giao tranh thứ 9 ở Ukraine

Ngày 4/3, Nga tuyên bố giành quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu ở Ukraine. Động thái này khiến phương Tây lo ngại và yêu cầu Hội đồng Bảo an họp khẩn.

Trong một video được chia sẻ trên Twitter vào sáng 4/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã chỉ trích hàng động tấn công nhà máy điện hạt nhân của lực lượng Nga và kêu gọi sự giúp đỡ từ châu Âu.

"Cả châu Âu phải thức tỉnh ngay bây giờ. Nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu đang bốc cháy. Không một quốc gia nào từng bắn phá các nhà máy hạt nhân, đây là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại", ông Zelenskiy nói.

Theo giới chức địa phương, Nga đã triển khai nhiều đợt pháo kích và chiếm giữ nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, ở thành phố Energodar, phía đông nam Ukraine.

Vụ cháy đã khiến hệ thống sưởi của thành phố bị hư hại, chính quyền địa phương cũng khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài do “tình hình cực kỳ căng thẳng”.

Bản đồ nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Đồ họa: Telegraph.

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga quy trách nhiệm vụ tấn công cho Ukraine.

Cùng ngày, giao tranh diễn ra ở nhiều khu vực của thành phố Mykolayiv, phía nam Ukraine. Hải quân Ukraine xác nhận đã tự đánh chìm soái hạm Hetman Sahaidachny ở Mykolaiv để tàu không rơi vào tay quân đội Nga, đồng thời ngăn Moscow tuyên truyền về việc thu được chiến lợi phẩm, theo Intefax.

Chiếm giữ nhà máy điện hạt nhân

Sau khi giành quyền kiểm soát Kherson, lực lượng Nga tiến vào thành phố Enerhodar gần đó để mở một tuyến đường tới nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Một vụ nổ lớn đã xảy ra ở khu vực này ngay sau đó.

Khoảng 4 giờ sau, đám cháy được dập tắt. Các nhà chức trách Ukraine cho biết Nga đã tiếp quản nhà máy hạt nhân này.

Hình ảnh vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, thành phố Enerhodar, Ukraine. Ảnh: AFP.

Sau khi tiếp nhận báo cáo về vụ cháy, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết các bộ phận quan trọng tại nhà máy Zaporizhzhia không bị ảnh hưởng, đồng thời xác định không có sự thay đổi về chỉ số phóng xạ tại khu vực, theo Reuters.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng vụ hỏa hoạn và việc tiến hành các hoạt động quân sự gần nhà máy điện hạt nhân tiềm ẩn nhiều rủi ro.

“Hệ thống làm mát bị hư hỏng có thể làm rò rỉ chất phóng xạ ngay cả khi lò phản ứng đã ngừng hoạt động. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến thảm họa Fukushima (Nhật Bản, năm 2011)”, giáo sư David Fletcher, người từng làm việc tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Anh, cho biết.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cáo buộc vụ tấn công là hành động có chủ đích của Moscow, theo AFP. Tổng thư ký NATO Jens Stontenberg cũng chỉ trích hành động của Nga, cho rằng vụ việc ở nhà máy điện hạt nhân thể hiện “sự liều lĩnh”.

“Chúng tôi đã xem các báo cáo về cuộc tấn công nhằm vào nhà máy điện hạt nhân. Điều này cho thấy sự liều lĩnh của cuộc chiến và tầm quan trọng của việc kết thúc tấn công, đặc biệt là việc Nga rút toàn bộ quân và tích cực tham gia các nỗ lực ngoại giao”, Guardian dẫn lời ông Stontenberg hôm 4/3.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng kêu gọi các bên đảm bảo an toàn cho các cơ sở hạt nhân ở Ukraine.

Tuy nhiên, cuối ngày 4/3, Bộ Quốc phòng Nga đã quy trách nhiệm vụ hỏa hoạn cho “những kẻ phá hoại” ở Ukraine, và gọi đây là một hành động khiêu khích “quái dị”, theo Interfax.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cũng cho biết nhà máy hạt nhân đang hoạt động bình thường và khu vực này vốn nằm trong sự kiểm soát của Nga kể từ ngày 28/2. “Những người Kyiv theo chủ nghĩa dân tộc đã cố gắng thực hiện một hành động khiêu khích quái dị”, ông Konashenkov nói.

Cùng ngày, Nga lần đầu tiên tấn công vào thành phố cảng Mykolaiv sau khi kiểm soát Kherson và bao vây thành phố Odessa.

Ông Konashenkov cho biết tính đến ngày 4/3, lực lượng Nga đã phá hủy 1.812 địa điểm quân sự của Ukraine. Giám đốc trung tâm chỉ huy quốc phòng Nga Mikhail Mizintnez cũng khẳng định chính phủ Ukraine hầu như đã mất hết quyền kiểm soát các khu vực hành chính địa phương trên khắp cả nước, theo TASS.

Trong khi đó, phía Ukraine cáo buộc lực lượng Nga không chỉ tấn công vào cở sở hạ tầng quân sự mà còn nhắm vào các mục tiêu dân sự. Đến nay, Moscow luôn phủ nhận những cáo buộc này.

Phản ứng các bên

Sau vụ hỏa hoạn ở nhà máy điện hạt nhân, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tiến hành một cuộc họp khẩn cấp về tình hình ở Ukraine. Mỹ, Pháp, Na Uy, Ireland và Albania cũng kêu gọi họp khẩn.

Hình ảnh một tòa nhà ở Kharkiv bị trúng pháo kích. Ảnh: Guardian.

Trước đó, NATO đã từ chối lời kêu gọi thiết lập vùng cấm bay của tổng thống Ukraine. Tổng thư ký Jens Stoltenberg khẳng định các lực lượng của liên minh sẽ không trực tiếp tham chiến ở Ukraine và máy bay của NATO không nên xuất hiện trên không phận nước này, nhằm tránh leo thang căng thẳng dẫn tới chiến tranh với Nga.

Tuy nhiên, phương Tây vẫn tiếp tục thực hiện các lệnh trừng phạt đối với Moscow, đặc biệt là giới tài phiệt nước này.

Ngày 4/3, tên của tài phiệt Alisher Usmanov và Igor Shuvalov đã bị thêm vào danh sách trừng phạt của Anh. Hai ông Alisher Usmanov và Igor Shuvalovm, với tổng tài sản lên tới 169 tỷ USD, sẽ phải đối mặt với lệnh đóng băng toàn bộ tài sản và cấm đi lại, AFP đưa tin.

Cùng ngày, giới chức Canada thông báo một máy bay tư nhân chở hai công dân Nga khởi hành từ Geneva, Thụy Sĩ, đến Canada đã bị chặn lại do lệnh đóng không phận với máy bay Nga.

Trong bối cảnh phương Tây ngày càng thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với Điện Kremlin, Tổng thống Vladimir Putin kêu gọi cộng đồng quốc tế bình thường hóa quan hệ và không tiếp tục cấm vận Nga.

"Chúng tôi không có ý đồ xấu, (các nước) không cần thiết leo thang căng thẳng, áp đặt hạn chế. Chúng tôi đang tuân thủ mọi nghĩa vụ của mình", CNN dẫn lời tổng thống Nga.

Tuy nhiên, ông Putin cũng nhấn mạnh dù phải chịu thiệt hại, Moscow sẽ thích ứng với tình hình và thậm chí hưởng lợi nhờ các lệnh trừng phạt.

Đám cháy bùng lên trong nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu Video từ hiện trường cho thấy pháo sáng rơi xuống bên trong nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, gần một hàng xe quân sự. Ít nhất một tòa nhà hành chính bị cháy.

Hải Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nha-may-zaporizhzhia-diem-nong-trong-ngay-giao-tranh-thu-9-o-ukraine-post1300372.html