Nhà máy thép ở sông Vu Gia: Huyện thấy mừng, còn dân ngủ không yên

"Nhiều nhà đầu tư tới, huyện tiếp đón, ưu tiêu rất nhiều nhưng họ về luôn. Công ty Việt Pháp chủ động đến đặt vấn đề đầu tư, huyện rất mừng", lãnh đạo huyện Nam Giang nói.

Nhà máy thép ở sông Vu Gia: Huyện thấy mừng, còn dân ngủ không yên

Người dân lo lắng

Thôn Hoa (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) nằm cách Quốc lộ 14B khoảng 3km.

Đây là vị trí mà UBND tỉnh Quảng Nam có chủ trương đặt vị trí khi di dời nhà máy thép Việt Pháp (Công ty Việt Pháp) từ xã Điện Nam Đông (huyện Điện Bàn).

Hơn 1 tuần qua, 118 hộ dân ở đây không ngớt xôn xao bàn tàn khi biết tin nhà máy thép Việt Pháp sẽ bắt đầu xây dựng từ năm 2017 và bắt đầu đi vào hoạt động năm 2019.

Trưởng thôn Hoa, ông Bnươch’ Sơn, cho biết người dân ở đây chủ yếu làm nghề nông, trồng rẫy kiếm sống. Cuộc sống của họ còn nhiều khó khăn nhưng không có ai thuộc diện đói nghèo.

"Tôi nghe huyện thông báo đưa nhà máy lên đây. Tôi chưa hình dung được nhà máy thép đó sẽ như thế nào.

Họ có lên đây họp 1 lần với dân chúng tôi, họ nói sẽ lấy đất làm nhà máy. Chúng tôi cả đời sống nhờ nông nghiệp, họ lấy đất rồi thì biết làm gì mà sống?

Tôi có mấy hecta đất sản xuất và ao nuôi cá, họ sẽ đền bù như thế nào?", bà Nguyễn Thị Luyện lo lắng nói.

Bà Luyện, người dân thôn Hoa, lo lắng về tương lai khi có dự án

Theo ông Sơn, ngoài lo lắng chuyện đền bù giải tỏa, công ăn việc làm khi bị thu hồi đất thì người làng Hoa đang hoang mang vì không biết liệu có xảy ra tình trạng ô nhiễm hay không.

Ông Sơn cho biết khi họp dân, cả chính quyền và chủ đầu tư đều khẳng định sẽ không gây ô nhiễm. Tuy nhiên, ông Sơn cho hay thông tin mà bà con biết được không phải như họ nói.

"Chúng tôi có nghe nói họ gây ô nhiễm ở chỗ sản xuất cũ, nhưng chưa biết thực hư ra sao.

Nơi họ chọn làm nhà máy gần sông Vu Gia, nếu giả sử có việc xả thải ra đó thì nguy cho cả nguồn nước", ông Sơn phân vân.

Nhà máy thép Việt Pháp hiện ở thị xã Điện Bàn

Lãnh đạo huyện mừng vì có nhà máy

Ông A Lăng Mai, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, cho biết Công ty Việt Pháp đã khảo sát và chọn được 17,2 hecta ở thôn Hoa.

"Lĩnh vực thép đang là chuyện nhạy cảm về vấn đề môi trường qua vụ Formosa Hà Tĩnh. Chúng tôi rất lưu tâm, lưu ý về vấn đề này.

Huyện đã tổ chức đưa lực lượng lãnh đạo huyện, thị trấn đi thăm nhà máy đang đóng tại Điện Bàn. Qua thăm thực tế chúng tôi thấy người ta sử dụng nguyên liệu thép phế liệu để nhập vào nấu ra thép.

Sau đó, chúng tôi có tổ chức họp huyện ủy, ủy ban và có chủ trương đồng ý cho vào khảo sát. Còn chủ trương quyết định đầu tư thì thẩm quyền tỉnh xem xét", ông Mai cho hay.

Nhà dân ở thôn Hoa

Tại cuộc họp báo do Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Quảng Nam tổ chức chiều 13/10, ông A Viết Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, cho hay huyện có cơ cấu kinh tế 80% là nông nghiệp.

Ông Sơn cho biết, nhiều năm qua huyện chủ động mời các nhà đầu tư đến xây dựng, phát triển công nghiệp.

"Nhiều nhà đầu tư đến, lãnh đạo huyện tiếp đón, ưu tiêu rất nhiều nhưng họ về xong là đi luôn.

Công ty Việt Pháp chủ động đến đặt vấn đề đầu tư. Huyện rất mừng và cho rằng rất may vì có nhà máy thép Việt Pháp.

Huyện mong các cơ quan chức năng lên tiếng ủng hộ nhà máy nếu hiệu quả hoặc phản đối nếu nhà máy gây ô nhiễm", ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, việc đánh giá tác động môi trường của dự án đã lấy ý kiến các hộ dân thôn Hoa.

"Thị trấn Thạnh Mỹ có 8.000 hộ dân không thể lấy ý kiến hết. Chúng tôi chỉ lấy ý kiến người dân thôn Hoa và không có ai phản đối", ông Sơn thông tin.

theo Trí Thức Trẻ

Nguồn Soha: http://soha.vn/nha-may-thep-o-thuong-nguon-song-vu-gia-lanh-dao-huyen-thay-mung-20161014115611413.htm