Nhà mạng cùng bắt tay ngăn chặn vấn nạn khách hàng 'bùng' cước

Tình trạng thuê bao Internet nợ cước rồi chạy qua nhà mạng khác đăng ký mới là vấn đề nan giải của các nhà mạng ở Việt Nam.

Theo các nhà mạng, tình trạng nợ cước Internet đã gây ra nhiều bất cập cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp (DN), ảnh hưởng tiêu cực đến sự cạnh tranh trong ngành, khiến tỉ lệ nợ cước tăng lên, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ. Để chấm dứt tình trạng này, các nhà mạng lớn đã cùng bắt tay nhằm từ chối khách hàng vi phạm nghĩa vụ thanh toán cước.

10 nhà mạng gồm Viettel, VNPT, MobiFone, FPT Telecom, CMC Telecom, SPT (Saigon Postel Corp), HTC-ITC, Indochina Telecom, Netnam và VTC Digicom cùng ký kết một thoảt thuận quan trọng về việc từ chối cung cấp dịch vụ cho khách hàng vi phạm nghĩa vụ thanh toán cước truy nhập Internet.

Khách hàng “bùng” cước Internet sẽ bị các doanh nghiệp cho vào danh sách “đen”. Ảnh minh họa

Theo thỏa thuận này, các nhà mạng sẽ cùng xây dựng hệ thống kỹ thuật, các quy trình, thực hiện cập nhật thông tin khách hàng vi phạm và cùng chi trả các chi phí thuê hạ tầng, thiết lập, quản lý, khai thác hệ thống. Các khách hàng có tên trong "danh sách đen" này sẽ không thể đăng ký dịch vụ của một nhà mạng khác khi còn nợ cước của nhà mạng cũ.

Theo các DN cung cấp dịch vụ Internet, việc thực hiện thỏa thuận này để tạo điều kiện công bằng cho cả khách hàng và DN, đồng thời ngăn chặn tình trạng thiếu minh bạch và ảnh hưởng tiêu cực đến sự cạnh tranh trong ngành.

Luật Viễn thông quy định rõ, việc các doanh nghiệp được chia sẻ thông tin về thuê bao nợ cước nhằm thực hiện việc thu hộ hoặc giảm thiểu thuê bao nợ xấu. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường có tới 40 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ADSL/FTTH tới hộ gia đình không thể chia sẻ song phương mà cần có cam kết đa phương. Đây là lý do dẫn đến việc cần một thỏa thuận ban đầu giữa các DN. Thỏa thuận này cũng bảo đảm việc người sử dụng dịch vụ viễn thông nghiêm túc thực hiện các quy định, hợp đồng đã ký kết với các nhà mạng.

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết: Hiện nay thị trường viễn thông tồn tại một thực trạng là khi các doanh nghiệp phát triển thuê bao, họ gặp vấn đề về thuê bao nợ cước, sau đó người dùng chuyển sang nhà mạng khác sử dụng mà không có chế tài cụ thể với các thuê bao đó. Với thỏa thuận vừa được các DN thiết lập sẽ cung cấp một cơ sở dữ liệu thuê bao nợ cước để các DN viễn thông có thể cùng truy vấn, đồng thời không phát triển thuê bao mới trên tập danh sách khách hàng có dấu hiệu “bùng” nợ.

“Thỏa thuận vừa ký kết sẽ đảm bảo người sử dụng dịch vụ viễn thông phải thực hiện nghiêm túc các quy định, hợp đồng đã ký với các nhà mạng. Đối với nhà mạng, họ sẽ không bị thất thoát doanh thu, góp phần đảm bảo khi thuê bao chuyển sang nhà mạng khác, các sợi cáp nối tới thuê bao đó không còn là rác thải trên trời. Điều này sẽ làm cho hạ tầng viễn thông Việt Nam được gọn gàng, sạch sẽ, đảm bảo nhà mạng có cơ hội phát triển thuê bao, cung cấp thêm dịch vụ mới. Cục Viễn thông khuyến khích các DN viễn thông còn lại chủ động tham gia vào cam kết này”, lãnh đạo Cục Viễn thông nhấn mạnh.

Theo ông Vũ Hoàng Liên, Chú tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, sự hợp tác của các nhà mạng như trên là việc nên làm vì một xã hội văn minh. Theo phân tích của ông Liên, thường các khoản cước Internet nợ không nhiều với từng trường hợp nhưng sẽ là số tiền lớn khi số người nợ đông.

Tuy vậy, ông Liên cũng cho rằng, cần nhìn nhận thêm về vấn đề nợ cước bằng pháp lý, thông qua hợp đồng cung cấp dịch vụ. Hợp đồng cung cấp Intenet do nhà mạng soạn, người dùng chỉ có ký hợp đồng nên các điều khoản liệu có công bằng, bình đẳng với cả 2 bên? Do vậy, để đảm bảo khách quan, công bằng, cần phải có vai trò, sự tham gia của cơ quan quản lý Nhà nước, nhằm tránh trường hợp nhà mạng chèn ép người dùng, người dùng bị DN từ chối cung cấp dịch vụ oan, không đúng luật.

Hùng Quân

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doanh-nghiep/nha-mang-cung-bat-tay-ngan-chan-van-nan-khach-hang-bung-cuoc-i706010/