Nhà liền thổ tiền tỷ hết thời 'mua kỳ vọng bán tương lai'

Biệt thự, nhà phố hay shophouse giá 'triệu đô' từng được các đại gia săn đón với tiêu chí 'mua kỳ vọng, bán tương lai', tuy nhiên đà lao dốc của thị trường đang khiến không ít nhà đầu tư rơi vào thế khó, thậm chí phải 'cắt lỗ' để thoát hàng.

Các kết quả thăm dò cho thấy dù lãi suất tiền gửi giảm mạnh nhưng lượng tiền chảy vào các nhà băng vẫn đang ở mức rất cao. Không ít nhà đầu tư vẫn chọn giữ tiền mặt thay vì mua nhà đất, đặc biệt trong bối cảnh thị trường ảm đạm, các loại hình nhà liền thổ giá trị cao ngày càng “ế ẩm”.

Giảm giá tiền tỷ vẫn “ế”

Sầm Sơn (Thanh Hóa) những năm qua nổi lên như một ngôi sao sáng trên thị trường bất động sản phía Bắc, với sự hiện diện của loạt “ông lớn” từ FLC Group với tổ hợp nghỉ dưỡng tại Quảng Cư, đến Sun Group với quần thể 12.000 ha, chưa kể loạt "đại gia" khác như Văn Phú Invest, Sunshine...

Nhờ tiềm năng khủng, Sầm Sơn tạo ra sức hút rất lớn với nhà đầu tư. Chia sẻ với VnBusiness, anh Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội), một “tay buôn” biệt thự gần 10 năm, cho hay năm 2018, anh cùng các cộng sự đến Sầm Sơn tìm hiểu và rót gần 25 tỷ đồng để mua vào 3 căn biệt thự ven biển.

“Chúng tôi rót tiền với tầm nhìn 3-5 năm, trong thời gian chờ, 3 căn được dùng để cho thuê phục vụ khách du lịch. Nhưng đúng với tiêu chí “mua kỳ vọng bán tương lai”, lãi cho thuê chỉ là phụ, chỉ rơi vào khoảng 1%/tháng, mục tiêu chính của nhóm là chờ giá nhà tăng”, anh Hưng tiết lộ.

Biệt thự, nhà phố không còn duy trì được đà tăng giá mạnh, thanh khoản nhỏ giọt (Ảnh minh họa: HN).

Biệt thự, nhà phố không còn duy trì được đà tăng giá mạnh, thanh khoản nhỏ giọt (Ảnh minh họa: HN).

Quả thật, sau hơn 3 năm, 3 căn biệt thự có giá mua vào bình quân hơn 8 tỷ đồng/căn, đến đầu năm 2022, thời điểm đỉnh sốt, đã tăng lên 12-13 tỷ đồng. Được giá, nhóm của anh Hưng quyết định “chốt lời” 2 căn biệt thự, thu về phần chênh gần 8 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ngay sau đó thị trường bất động sản lao dốc, kể từ giữa năm 2022 đến nay, căn biệt thự còn lại của nhóm anh Hưng không thể bán ra để chốt lời. Môi giới khuyên anh Hưng giảm giá xuống 9 tỷ đồng (so với mặt bằng 12 tỷ đồng hiện tại) thì mới có cơ hội tìm được khách.

“Nếu tình hình không được cải thiện trong thời gian tới, chúng tôi có thể sẽ phải chấp nhận bán, vì khoản lãi 4 tỷ đồng đang khá nặng. Với giá 9 tỷ đồng có nghĩa, sau 5 năm rót 8 tỷ đồng đầu tư, chúng tôi không có lãi. Thực tế, giá biệt thự tại Sầm Sơn vẫn giữ giá tốt, có tiềm năng trong dài hạn, chỉ những nhà đầu tư muốn thoát hàng nhanh thì buộc phải giảm giá vì quá ế”, anh Hưng thổ lộ.

Không chỉ ở thị trường tỉnh, thời “mua kỳ vọng bán tương lai” cũng đã kết thúc với phân khúc nhà liền thổ (biệt thự, nhà phố, shophouse) tại các trung tâm như Hà Nội và TP HCM.

Khách vẫn chờ giá rẻ hơn

Điển hình, trên một chuyên trang mua bán bất động sản hàng đầu, một căn biệt thự diện tích 160m2 tại TP Thủ Đức được rao bán giá từ đỉnh 16,5 tỷ đồng giảm còn 12,5 tỷ đồng, mặt tiền kinh doanh buôn bán, đường rộng 20m. Tuy nhiên, hơn 1 tháng nay vẫn không đi đến giao dịch.

Nhiều khu biệt thự tại quận 9, Nhà Bè hiện cũng đồng loạt rao bán mức giảm 15-30%. Phân khúc giá càng cao càng ít giao dịch. Thậm chí, đất nền biệt thự tầm giá 5-8 tỷ đồng vốn rất hút khách khi thị trường còn sôi động, nay cũng rất ít khách quan tâm.

Ở góc nhìn môi giới, anh Kiên, CEO của một sàn giao dịch tại TP HCM, nhìn nhận thị trường bất động sản đang ở đáy của chu kỳ khủng hoảng, vì vậy hình thức đầu tư, chốt lãi theo kiểu “mua kỳ vọng bán tương lai” hay nói dân dã là “mì ăn liền” đã không còn hiệu quả.

“Đặc biệt, các sản phẩm có giá trị càng lớn, nhà đầu tư càng cân nhắc kỹ khả năng sinh lợi vì lo ngại bị chôn vốn. Vì thế, phân khúc biệt thự, nhà phố sụt giảm lượng tiêu thụ kỉ lục trong nửa đầu năm 2023 vừa qua là điều dễ hiểu”, anh Kiên phân tích.

Tuy nhiên, theo anh Kiên, việc các biệt thự, nhà phố không thể bán được thời gian qua có nguyên nhân chính là bởi giá đã bị thổi lên quá cao. Giá đã tăng gấp đôi, gấp ba, nhưng giờ chỉ giảm 20-30% nên chưa thể thuyết phục được khách xuống tiền. Vì vậy, để thoát được hàng, các chủ nhà buộc phải giảm giá sâu hơn, ngược lại thì đành chấp nhận “chôn vốn” đợi thêm ít nhất 1-2 năm.

Dù đang đối diện với nhiều khó khăn, tuy nhiên, theo giới phân tích, phân khúc nhà liền thổ luôn có sức hấp dẫn và tính thanh khoản, kể cả trong giai đoạn thị trường khó khăn nhất.

Bà Đỗ Thu Hằng, chuyên gia từ Savills Hà Nội, cho rằng giá biệt thự và liền kề đã có xu hướng giảm nhẹ trong hơn một năm qua, nhưng biên độ điều chỉnh giá không đáng kể. Hiện, mặt bằng giá biệt thự mức 10 - 30 tỷ đồng chiếm đến 55% tỷ trọng, mức giá trên 30 tỷ đồng chiếm 20%, dưới 10 tỷ đồng chiếm khoảng 22%.

“Đối với chủ đầu tư, chi phí đầu tư ban đầu của dự án rất cao. Trong khi đó, tại thị trường thứ cấp, các nhà đầu tư đã trải qua nhiều lần mua qua bán lại khiến giá bị đẩy lên cao, dẫn đến khó khăn khi quyết định điều chỉnh mức giá giảm”, bà Hằng phân tích.

Nhìn về tương lai, chuyên gia từ Colliers Việt Nam nhận định, nửa cuối năm 2023 vẫn là một năm nhiều thử thách với thị trường bất động sản nói chung và phân khúc biệt thự, nhà liền thổ nói riêng. Việc Chính phủ có các động thái muốn gỡ vướng cho thị trường bất động sản kỳ vọng sẽ đem lại nhiều cơ hội phục hồi nhưng để hồi phục, thị trường có thể phải đợi đến sớm nhất là cuối năm.

Hưng Nguyên

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//toan-canh/nha-lien-tho-tien-ty-het-thoi-apos-mua-ky-vong-ban-tuong-lai-apos-1094719.html