Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un - bản sao của ông nội

Nhật báo phố Wall chỉ ra lãnh đạo 32 tuổi của Triều Tiên cắt tỉa tóc tỉ mỉ giống phong cách của ông nội, thường xuyên mặc đồng phục màu đen theo phong cách Mao Trạch Đông, hay những bộ comple phương Tây, đúng những gì Kim Il Sung ưa thích.

Nhìn lại, Kim Jong Un và các cố vấn thân cận định hướng hình ảnh cho ông giống ông nội hơn là giống cha, chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên Michael Madden tại Mỹ nhận định.

Khi cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il lên cơn đau tin qua đời vào cuối năm 2011, con trai ông là Kim Jong Un vẫn là một nhân vật ít người biết đến.

Tình báo quốc tế chỉ nắm giữ vài thông tin cơ bản như ông đang ở độ tuổi đôi mươi, đi học ở Thụy Sỹ và thích chơi bóng rổ.

Một số đoán rằng Kim Jong Un - hậu duệ đời thứ ba trong gia tộc Kim - sẽ là nhà lãnh đạo đoản mệnh. Sự chấm hết của gia tộc Kim sẽ giải thoát thế giới khỏi đe dọa hạt nhân đến từ Triều Tiên.

Tuy nhiên, thay vì sụp đổ và hỗn loạn, có vẻ như Triều Tiên đã vạch sẵn kế hoạch dọn đường cho người lãnh đạo mới.

Giống ông nội thời trẻ

Nhìn lại, Kim Jong Un và các cố vấn thân cận định hướng hình ảnh cho ông giống ông nội hơn là giống cha, chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên Michael Madden tại Mỹ nhận định.

Một phần là do rất nhiều cố vấn của Kim Jong Un cũng từng là cố vấn của ông nội ông.

Kim Jong Un rất giống ông nội hồi còn trẻ, từ hình dáng cho đến các đường nét khuôn mặt.

Lãnh đạo 32 tuổi của Triều Tiên cắt tỉa tóc tỉ mỉ giống phong cách của ông nội, thường xuyên mặc đồng phục màu đen theo phong cách Mao Trạch Đông, hay những bộ comple phương Tây, đúng những gì Kim Il Sung ưa thích.

Kim Il Sung được người Triều Tiên tôn sùng vì có công giải phóng Triều Tiên khỏi ách thuộc địa của Nhật Bản vào những năm 1930.

Ông khởi xướng chiến tranh Hàn - Triều vào năm 1950. Tuy nhiên đến nay, sách giáo khoa của Triều Tiên thì nói Kim Il Sung cứu đất nước khỏi quân xâm lược đến từ Seoul và Washington.

Kim Jong Un trong âu phục.

Hậu chiến, Kim Il Sung cho tập trung vào xây dựng công nghiệp nặng và khai thác khoáng sản, mang lại một thời kỳ khá thịnh vượng cho Triều Tiên. Thậm chí trong khoảng 20 năm, sản lượng công nghiệp của Triều Tiên còn vượt Hàn Quốc.

Ngược lại, con của ông là Kim Jong Il, kế nhiệm cha và trị vì Triều Tiên trong nạn đói những năm 1990. Hơn một triệu người đã bỏ mạng trong giai đoạn đen tối này.

Trái ngược bố

Kim Jong Il áp dụng chính sách cứng rắn. Ông lệnh cho dân thường thắt lưng buộc bụng để dồn tài nguyên cho quân đội.

Mặc dù triệt tiêu tầng lớp thượng lưu trong xã hội, Kim Jong Il lại hưởng thụ một cuộc xa hoa.

Kim Jong Il là người sống ẩn dật. Trong 17 năm lãnh đạo, tiếng nói của ông được phát thanh duy nhất một lần.

Trái lại, người kế nhiệm cha là Kim Jong Un lại xây dựng một hình ảnh “lãnh đạo thân thiện”.

Vài tháng sau khi lên cầm quyền, truyền hình phát hình ảnh ông tặng quà và rót đồ uống cho họ hàng vừa chuyển vào căn hộ mới ở Bình Nhưỡng, trong bếp là vợ ông đang rửa bát.

Kim Jong Un cũng xóa bỏ lệnh thắt lưng buộc bụng của bố đề ra. Thay vào đó, ông theo đuổi “chính sách kép” của ông nội: Cùng lúc phát triển cả kinh tế và vũ khí hạt nhân.

Ông điều hàng nghìn binh sĩ xây các dự án nhà ở và khu vui chơi giải trí tại Bình Nhưỡng. Các công trình này được báo chí và truyền hình truyền bá rộng rãi như dấu hiệu của tiến bộ về kinh tế.

Triều Tiên cấm các hộ tư nhân kinh doanh trong nhiều năm. Nhưng dưới thời Kim Jong Un, một số chợ hàng rong và hộ kinh doanh nhỏ được phép hoạt động. Một cựu chính trị gia Triều Tiên cho biết Kim Jong Un muốn tăng nguồn thu thuế kinh doanh.

Ông tỏ ra quan tâm tới muôn dân, từ việc khiển trách cơ quan dự báo thời tiết sai, hoặc quan chức vệ sinh môi trường để cỏ mọc trên vỉa hè.

Trái lại trong chính trường, ông thể hiện sự lạnh lùng không nương tay. Điển hình là vụ thanh trừng cậu ruột vào năm 2013.

Theo ước tính của Hàn Quốc, Kim Jong Un đã cách chức hoặc trừng phạt hơn 100 quan chức cấp cao từ thời lên cầm quyền.

Đây cũng là cách của ông nội ông. Những phần tử có nguy cơ phản động từng bị Kim Jong Il triệt phá vào những năm 1953, 1956, và 1967.

Năm nay, trong Đại hội Đảng được tổ chức lần đầu tiên sau 36 năm, Kim Jong Un thay thế bộ máy phần lớn là quân nhân bằng một bộ máy phần lớn là chính khách. Sự thay đổi này cho phép tầng lớp kỹ trị có thêm quyền lực để quản lý nền kinh tế.

Giấc mơ hạt nhân

Một mặt, Kim Jong Un giảm bớt quyền lực của quân đội trong nghị trường, mặt khác, ông tăng tốc quá trình phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt - giấc mơ của ông nội.

Kim Il Sung bắt đầu chương trình hạt nhân của Triều Tiên với sự giúp đỡ của Liên Xô. Sau sự sụp đổ của người bảo trợ, ông đồng ý đóng băng chương trình hạt nhân trong gần một thập kỷ với Mỹ.

Kim Jong Un tăng tốc quá trình phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Tuy nhiên sau đó, thông tin rò rỉ cho thấy Triều Tiên vẫn bí mật duy trì chương trình làm giàu uranium - nhiên liệu cho bom nguyên tử.

Tiếp nối tham vọng của ông nội, Kim Jong Un tiến hành ba đợt thử hạt nhân trong tổng số năm đợt trong lịch sử Triều Tiên.

Cha ông chỉ thử 16 vụ tên lửa đạn đạo, còn Kim Jong Un thử hơn gấp đôi số này.

Trong khi Kim Jong Il dùng chương trình hạt nhân để đổi viện trợ, thì Kim Jong Un được cho là dùng hạt nhân để củng cố quyền lực với quân đội và đe nẹt Hàn Quốc.

Sau khi vụ thử hạt nhân gây rúng động xảy ra vào tháng Chín vừa qua, Kim Jong Un nói nước ông đã chế tạo được đầu đạn hạt nhân thu nhỏ có thể gắn vào phi đạn đạn đạo.

Với tầm bắn 2.000 cây số, tên lửa nguyên tử của Bình Nhưỡng có thể đe dọa toàn bộ lãnh thổ Hàn Quốc và một phần lớn Nhật Bản, một phần của Nga và Trung Quốc.

Tóm lại, ông Daniel Pinkston, chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên kiêm giảng viên tại Đại học Troy ở Seoul, nhận xét Kim Jong Un đã chứng minh mình là một “nhà lãnh đạo có kĩ năng”.

THẢO MAI

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/bizlife/kim-jong-un-ban-sao-cua-ong-noi-1990913.html