'Nhà làm', một cách giới thiệu sản phẩm

Thời gian qua, giới thiệu mặt hàng mình bán, có người ghi tên mặt hàng kèm chữ: 'Nhà làm'. 'Nhà làm' được hiểu trong ngữ cảnh ấy là sự bảo đảm chất lượng, độ vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm mình bán ra, trong đó phần lớn là hàng thực phẩm. Chữ 'Nhà làm' kèm sản phẩm giống như một thương hiệu, dễ đem lại sự tin tưởng nơi người mua, người dùng.

1. Quan sát một số gian hàng bán một số mặt hàng thực phẩm, người đi đường sẽ thấy: “Yaourt nhà làm”, “Nha đam nhà làm”, “Trà sữa, Bánh ngọt, Xu xoa, Sâm bí đao, Kem Flan nhà làm”, “Gỏi mít non, Mắm chưng, Chả cuốn, Chả cá nhà làm”…

Ngay cả các hàng bán hải sản tươi, người bán vẫn chào mời khách: “Cá, ghe nhà em đánh!”, “Mực, ghe nhà em mới vô!”.

Người bán dường như muốn tỏ bày với người mua rằng: “Hàng chị/ anh/ cô/ chú mua ở đây là bảo đảm chất lượng, ăn uống sẽ ngon, bảo đảm vệ sinh”.

Người mua sẽ bắt gặp điều đó, ở những cửa hàng, gian hàng khác nhau được giới thiệu từ những người bán với những hình thức bán đa dạng: Bán ở chợ, ở góc đường, và khá nhiều là bán trên mạng.

Những lời giới thiệu ấy dễ thu hút người có nhu cầu mua tìm đến, hoặc đặt mua, thử dùng trước một lần. Từ đó, sẽ tiếp tục cho những lần mua sau, nếu thấy vừa ý, hợp khẩu vị, hợp túi tiền.

2. Lại nhớ về thời gian trước. Một số mặt hàng được người bán giới thiệu bằng cái tên khác “Gia truyền”. “Gia truyền” trong sự giới thiệu ấy có thể là một món ăn, một loại thực phẩm có tiếng, chất lượng cao, đã được gia đình ấy chế biến, làm ra ổn định, bán chạy trong rất nhiều năm, bảo đảm chất lượng trước sau như một: “Nước mắm gia truyền”, “Phở gia truyền”… Đó còn có thể là một vài loại thuốc đặc trị một chứng bệnh nào đó, được gia đình ấy làm ra theo công thức do những người của thế hệ trước truyền lại, đã giúp người mua là những người bệnh thực tế khỏi được bệnh khi dùng uống hoặc thoa. Từ “Gia truyền” ngày trước được dùng nhiều hơn bây giờ. Song, hiện nay dù ít, từ ấy vẫn còn được sử dụng trong đời sống xã hội.

3. Bên cạnh những sự giới thiệu “Nhà làm” một cách rõ ràng, như sự khẳng định chất lượng của mặt hàng mình bán của người bán trong việc quảng bá sản phẩm; thì cũng có trường hợp người bán, dựa vào tâm lý của người mua (mong mua được hàng chất lượng), đã giới thiệu về sản phẩm mình bán chưa đúng lắm với sự thật. Người bán mua đi bán lại kiếm lời vẫn giới thiệu: “Nhà làm!”.

Rồi lại quan sát những hàng bán cá tươi ở chợ. Có một số người mua đi bán lại, mua từ chợ này, sang chợ khác bán, vẫn nói với người mua: “Cá, ghe nhà em vô đó, mua đi chị!”.

Thời buổi công nghệ, người mua có nhiều cách để tiếp cận với mặt hàng mình cần. Có sự trực tiếp quan sát sản phẩm, có sự quan sát từ xa. Dẫu được giới thiệu “Nhà làm”, người mua cũng có nhiều cách để trải nghiệm, thử dùng, đánh giá. Có tiếp tục mua nhiều lần về sau nữa hay không phụ thuộc vào chất lượng sản phẩm mà người ta đã mua được lần đầu. Vậy thì, không gì bằng cái tâm trong sáng của người bán, “hữu xạ tự nhiên hương”.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/nha-lam-mot-cach-gioi-thieu-san-pham-114371.html