Nhà khoa học Nhật giành Nobel Y học 2016 với nghiên cứu về 'tái chế tế bào'

Theo Washington Post, nhà khoa học Nhật Bản Yoshinori Ohsumi đã giành giải Nobel Y học năm 2016 với việc phát hiện và thuyết minh một cơ chế chủ chốt trong hệ phòng vệ của cơ thể, liên quan đến việc thoái hóa và tái chế các thành phần của tế bào.

Được gọi là cơ chế tự ăn (autophagy), quá trình này đóng vai trò quan trọng trong bệnh ung thư, Parkinson, tiểu đường type 2 và một số bệnh nguy hiểm khác.

Trong thông báo công bố giải thưởng hôm nay 3.10, Ủy ban giải thưởng Nobel ở Stockholm nói rằng công trình này liên quan đến hàng loạt "các thí nghiệm xuất sắc" trong những năm 1990 liên quan đến men bánh mỳ, qua đó giúp giải thích tại sao một tế bào - đơn vị sự sống nhỏ nhất, lại có thể đáp ứng để thích nghi với những yếu tố gây sức ép như bị đói hoặc lây nhiễm.

Khi nghiên cứu hàng nghìn đột biến men, Ohsumi - giáo sư danh dự Viện Công nhệ Tokyo, đã xác định được 15 gene cần thiết cho cơ chế tự ăn. Và hóa ra các cơ chế tương tự như vậy cũng tồn tại trong tế bào con người.

"Phát hiện của ông đã mở đường để hiểu tầm quan trọng cơ bản của cơ chế tự ăn trong nhiều quá trình sinh lý học, chẳng hạn như sự thích nghi với việc bị bỏ đói hoặc đáp ứng với lây nhiễm" - ủy ban viết. "Các đột biết trong gene tự ăn có thể gây ra bệnh, và quá trình tự ăn liên quan đến nhiều điều kiện kể cả ung thư và bệnh về thần kinh".

Ủy ban nhấn mạnh rằng "cơ chế tự ăn đã được biết đến trong hơn 50 năm qua". Tuy nhiên tầm quan trọng cơ bản của nó trong sinh lý học và y học "chỉ được công nhận sau nghiên cứu chuyển đổi mô hình của Yoshinori Ohsumi".

V.N

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-gioi/nha-khoa-hoc-nhat-gianh-nobel-y-hoc-2016-voi-nghien-cuu-ve-tai-che-te-bao-597684.bld