Nhà hát 'trăm tỷ' của huyện Đan Phượng sẽ đi vào hoạt động năm 2017?

Ngày 1/11 vừa qua, huyện Đan Phượng mới mở thầu đầu tư trang thiết bị nhà hát huyện Đan Phượng với tổng vốn khoảng 10 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2017.

Tọa lạc ở một vị trí đẹp thuộc quần thể Trung tâm văn hóa - thể thao huyện Đan Phượng (Hà Nội), nhà hát huyện Đan Phượng được xây dựng với quy mô hoành tráng, tổng số vốn đầu tư lên tới trên 117,4 tỷ đồng. Đến thời điểm này, nhà hát huyện Đan Phượng là thiết chế văn hóa cấp huyện lớn nhất Hà Nội. Tuy nhiên, khi hoàn thành phần xây lắp từ năm 2014, đến nay nhà hát chưa thể đi vào hoạt động vì thiếu những thiết bị cần thiết.

Nhà hát huyện Đan Phượng. Ảnh Dân trí

Lý giải về việc xây dựng nhà hát với quy mô lớn như vậy tại một huyện thuần nông, lãnh đạo huyện Đan Phượng cho biết, huyện xác định phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng trên địa bàn.

Hơn nữa, hàng năm huyện Đan Phượng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật nhưng các hoạt động này đều diễn ra ở ngoài trời, trong hội trường UBND huyện hoặc trong nhà thi đấu đa năng huyện vì chưa có cơ sở vật chất văn hóa thiết yếu như rạp hát, nhà văn hóa thiếu nhi, rạp chiếu phim. Việc xây dựng công trình nhà hát huyện được triển khai đồng thời với các công trình khác, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng trong chương trình xây dựng huyện nông thôn mới.

Nhà hát huyện Đan Phượng có diện tích đất xây dựng 10.556 m2, với tổng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách huyện. Kiến trúc công trình khá hiện đại, phía bên ngoài được ốp kính và đá granit sang trọng, muốn đi vào nhà hát phải lên khoảng 20 bậc thềm lát đá nữa. Trong nhà hát là một hội trường rộng 700 ghế ngồi và một sàn diễn rộng tới hàng trăm mét vuông.

Giải thích về việc sàn diễn quá rộng, ông Phan Công Tính - Giám đốc Nhà văn hóa huyện, hiện đang quản lý trực tiếp nhà hát cho biết, có những tiết mục văn nghệ của một xã huy động tới cả trăm diễn viên biểu diễn nên sàn diễn rộng mới đáp ứng được. Nhà hát còn thiết kế cả một khu vực để lắp đặt sàn nâng hạ dàn nhạc mà không phải nơi nào cũng có khả năng đầu tư. Ngoài khu chức năng chính, nhà hát còn một hệ thống các phòng chức năng rất đồng bộ.

Về tiến độ xây dựng, dự án nhà hát huyện Đan Phượng được coi là ì ạch khi dự án bắt đầu triển khai từ năm 2012, đến cuối năm 2014 cơ bản hoàn thành phần xây lắp. Đến ngày 28/9/2016, Ban quản lý dự án huyện mới bàn giao công trình cho Nhà văn hóa huyện quản lý. Ngày 1/11 vừa qua, huyện Đan Phượng mới mở thầu đầu tư trang thiết bị với tổng vốn khoảng 10 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2017.

Theo ông Nguyễn Văn Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng, đối với nguồn vốn thực hiện dự án, huyện xác định lấy nguồn thu từ tiền sử dụng đất trên địa bàn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, thị trường bất động sản suy giảm, các dự án đấu giá đất của huyện gặp khó khăn nên kết quả thu tiền đấu giá đất không đạt theo kế hoạch. Hơn nữa, chế độ, chính sách giải phóng mặt bằng thay đổi nên công tác giải phóng mặt bằng khu đô thị Tây Nam trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn, không thể bàn giao đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án nên nguồn tiền thu từ sử dụng đất chưa thực hiện được.

Chính vì vậy, vốn bố trí cho nhà hát và các dự án của huyện không đảm bảo theo dự toán, dự án nhà hát huyện phải giãn tiến độ thi công.

Khi gói thầu đầu tư thiết bị cho nhà hát vừa mở, những người quản lý nhà hát hy vọng năm 2017 công trình này sẽ chính thức hoạt động.

Theo ông Nguyễn Công Khương - Trưởng phòng văn hóa, thông tin huyện Đan Phượng, mặc dù công trình gọi tên là nhà hát nhưng thực tế công trình này có chức năng của một trung tâm văn hóa, thực hiện tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, tổ chức các hoạt động nghệ thuật và tổ chức đào tạo các lớp năng khiếu nghệ thuật…Hiện nay, Nhà văn hóa huyện và các phòng ban chức năng đang xây dựng đề án quản lý hoạt động nhà hát huyện.

Tuy vậy, nhiều người đặt câu hỏi: Dù nhà hát đi vào hoạt động nhưng liệu có đạt hiệu quả khi mà đời sống kinh tế xã hội của người dân ở Đan Phượng chưa cao, đời sống văn hóa tinh thần chưa thực sự phong phú?

Chị Trần Thị Nhẫn, phố Tây Sơn, tổ 10, thị trấn Phùng tâm tư: Nhà hát xây dựng hoành tráng như vậy nếu mỗi năm chỉ tổ chức vài buổi liên hoan văn nghệ thì rất lãng phí. Trong khi đó, nhiều nhà văn hóa thôn xuống cấp, không có tiền đầu tư.

Công trình nhà hát huyện Đan Phượng đã từng bị Thanh tra thành phố Hà Nội chỉ ra một số sai phạm như: Huyện phê duyệt dự án khi chưa phê duyệt bố trí vốn và khả năng cân đối ngân sách; cho phép nhà thầu ứng vốn để khởi công xây dựng khi dự án không thuộc dự án cấp bách; công tác điều tra khảo sát chưa kỹ dẫn đến thay đổi quy mô, kết cấu công trình; hồ sơ dự toán và thẩm định dự toán chưa có báo giá.

Mặc dù những sai phạm đã được huyện Đan Phượng rút kinh nghiệm, khắc phục nhưng công trình không phải không còn bất cập. Người ta vẫn có thể lường trước được tương lai nhà hát ngay cả khi công trình chưa đi vào hoạt động. Và rất nhiều người cũng đặt câu hỏi, nhà hát được xây dựng có phải chỉ để phục vụ đời sống văn hóa tinh thần nhân dân hay còn phục vụ mục đích trưng bày là chính?

Đinh Thị Thuận

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/nha-hat-tram-ty-cua-huyen-dan-phuong-se-di-vao-hoat-dong-nam-2017-n20161107201629496.htm