Nhà giáo mong đủ sống bằng lương, các chế độ phúc lợi được quan tâm đầy đủ

Sớm ban hành Luật Nhà giáo là tin vui đối với toàn ngành, một trong những mong muốn lớn nhất của các thầy cô là lương, phúc lợi đảm bảo công bằng.

Luật Nhà giáo, lương, phụ cấp, thầy cô.

Vùng cao mong chờ

Thầy giáo Liễu Anh Cường - Hiệu trưởng Trường TH&THCS số 2 Hồng Ca, huyện Trấn Yên, (tỉnh Yên Bái) bày tỏ mong muốn: Hiện nay cơ chế chính sách về lương, việc bổ nhiệm, đặc biệt là tình trạng thiếu giáo viên đang là những vấn đề bất cập. Nguyên nhân cũng một phần bởi lương thấp và chế độ đãi ngộ, chính sách xã hội chưa thực sự là động lực để các nhà giáo cho dù tình yêu nghề rất lớn nhưng có thể gắn bó nhiều hơn với nghề.

Thực tế cho thấy, các hoạt động dạy học ở nhà trường, đặc biệt là các trường vùng cao, vùng dân tộc có đông đồng bào dân tộc thiểu số là hết sức vất vả. Như ở trường tôi, các thầy cô giáo vừa phải dạy vừa phải dỗ các em. Mọi người đều thể hiện trách nhiệm cao khi cùng một lúc phải đảm nhận nhiều công việc khó nhưng lại hưởng mức thu nhập thấp, cào bằng, do phụ cấp, tiền lương tính theo bậc, năm công tác.

GIáo viên dọn vệ sinh đón trẻ vào năm học mới tại Trường Mầm non Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh.

Nằm ở thôn Khe Lọng, xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh), Trường Mầm non Thanh Sơn có đông học sinh người dân tộc Sán Chỉ và Dao. Cô Trần Thị Thuận, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Với miền núi, đi lại khó khăn giáo viên mỗi ngày phải đến trường từ lúc tờ mờ sáng để kịp lớp đến thông thoáng phòng học, dọn vệ sinh, đón trẻ. Có những lớp số trẻ ít, chỉ đủ định biên 1 gv/lớp, 1 GV với 14-15 trẻ. Mong Luật Nhà giáo sớm ban hành đảm bảo lương và chính sách cho các cô thêm yêu và gắn bó với nghề.

Luật hóa gắn với thực tế

Phân tích các chính sách trong đề xuất xây dựng Luật, Nhà giáo ưu tú Đặng Lộc Thọ tâm đắc nhất với Chính sách 4: Thực tế đang cho thấy, các chính sách đãi ngộ hiện nay vẫn chưa tương xứng với chất xám và công sức mà nhà giáo bỏ ra. Do nhiều quy định chưa phù hợp với thực tế, việc xây dựng nội dung Chính sách 4 sẽ tác động trực tiếp đến nhà giáo, giúp họ bộc lộ khả năng, làm việc có trách nhiệm và hiệu quả cao hơn.

Cho dù Bộ GD&ĐT có hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, nhưng hiện các cơ sở giáo dục vẫn phải thực hiện tinh giản biên chế theo các văn bản hướng dẫn của Nghị định 108, 113, 143… nhất là khi có đơn vị đang thiếu nhiều giáo viên.

Chính sách đối với nhà giáo sẽ là động lực để các thầy cô giáo thêm yêu và gắn bó với nghề.

Quan điểm trên cũng được Trường Phòng GD&ĐT huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, Vũ Quốc Long đồng tình: Giáo viên hiện nay cũng đang chịu sự chi phối của Luật viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức; Luật Tổ chức chính quyền địa phương… Việc bị chi phối quá nhiều bộ luật trong khi đó Luật Nhà giáo không có đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến các thầy cô. “Luật Nhà giáo được xây dựng thống nhất, với 5 chính sách chắc chắn sẽ là động lực để các thầy cô giáo thêm yêu và gắn bó với nghề.

Gắn bó lâu năm với nghề và vừa cầm sổ hưu ít ngày, thầy giáo Lưu Hải Tiền, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Bãi Cháy, tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: Lo lắng có biên chế tuyển đủ cho các môn học là của hiệu trưởng, còn lo phải học bồi dưỡng quá nhiều là của giáo viên. Luật hóa sẽ quy định rõ việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo quy định người không học ở trường, khoa sư phạm, muốn hành nghề dạy học thì phải có chứng chỉ.

"Điều này rất đúng và giúp giải phóng cho giáo viên để họ không phải đi học chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp. Quy trình tuyển dụng giáo viên được quan tâm nhiều hơn đến nghiệp vụ. Việc chuyển công tác đối với nhà giáo được thực hiện minh bạch, công bằng; đặc biệt, giáo viên dạy học ở các vùng khó khăn có cơ hội được chuyển về vùng thuận lợi. Việc cải thiện tiền lương giáo viên, trả đúng, trả đủ sẽ giúp họ ổn định cuộc sống và yêu nghề hơn". - Thầy Lưu Hải Tiền nhấn mạnh

Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT thực hiện các nội dung xây dựng Luật Nhà giáo: Nghiên cứu thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng về lĩnh vực nhà giáo; tổng kết, rà soát kỹ lưỡng pháp luật hiện hành để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất. Khắc phục các bất cập trong quản lý nhà nước về nhà giáo hiện nay để thiết kế các chính sách theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho địa phương, có tiêu chuẩn, tiêu chí phù hợp với vai trò, vị trí việc làm của nhà giáo, có chính sách ưu đãi, khen thưởng, tôn vinh phù hợp.

Hà An

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nha-giao-mong-du-song-bang-luong-cac-che-do-phuc-loi-duoc-quan-tam-day-du-post652631.html