Nhà đầu tư Thái Lan, Malaysia, Indonesia muốn mở rộng tại Việt Nam

Nghiên cứu từ HSBC cho thấy dòng vốn FDI đang chảy mạnh vào Việt Nam. Trong đó, các doanh nghiệp Thái Lan, Malaysia và Indonesia tỏ ra quan tâm đến việc mở rộng kinh doanh tại đây.

HSBC vừa công bố kết quả khảo sát 600 doanh nghiệp với doanh thu hàng năm ít nhất 150 triệu USD tại 6 nền kinh tế lớn nhất ASEAN.

Theo đó, hơn một nửa số doanh nghiệp được hỏi muốn chọn Việt Nam là thị trường mới để kinh doanh và đầu tư. Ba quốc gia trong khu vực quan tâm nhất đến việc mở rộng kinh doanh tại Việt Nam là Thái Lan (66%), Malaysia (58%) và Indonesia (55%).

“Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Theo nghiên cứu của chúng tôi, đến năm 2030 Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu dùng toàn cầu lớn thứ 10 thế giới và thu hút ngày càng nhiều vốn FDI”, ông Ahmed Yeganeh, Giám đốc toàn quốc Khối Khách hàng doanh nghiệp của HSBC Việt Nam nhận định.

Gần 500 tỷ USD vốn ngoại và vẫn tiếp tục tăng

Tính đến hết tháng 3, Việt Nam đã thu hút gần 500 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ khắp thế giới. Các chuyên gia đánh giá FDI sẽ tiếp tục chảy vào Việt Nam trong tương lai.

Theo ông Ahmed Yeganeh, hai yếu tố nổi bật giúp Việt Nam hút FDI mạnh mẽ là nền kinh tế tiêu dùng ngày càng tăng trưởng và các chính sách hiệu quả của Nhà nước.

Ông Ahmed Yeganeh, Giám đốc toàn quốc Khối Khách hàng doanh nghiệp, HSBC Việt Nam. Ảnh: HSBC.

Dự kiến, tầng lớp trung lưu của Việt Nam sẽ chiếm 26% dân số vào năm 2026, thúc đẩy nền kinh tế tiêu dùng của quốc gia.

“Mức tiêu dùng nhìn chung sẽ tăng ở Việt Nam lẫn khu vực ASEAN. Do đó các doanh nghiệp có thể khai thác các yếu tố về đối tượng khách hàng để tập trung phát triển sản xuất may mặc, đồ điện tử”, ông phân tích.

Mặt khác, tốc độ phát triển kinh tế số nhanh nhất ASEAN của Việt Nam cũng là yếu tố thu hút các nhà đầu tư.

Về quản lý Nhà nước, ông Yeganeh đánh giá chính sách ngoại giao cân bằng giúp Việt Nam thu hút các nhà đầu tư ở các khu vực. Hơn nữa, việc các nhà hoạch định chính sách Việt Nam luôn sẵn sàng thảo luận, đối thoại với các nhà đầu tư nước ngoài cũng giúp “đất nước hình chữ S” khác biệt so với những thị trường khác.

Mức tăng GDP quý I đạt kỷ lục trong nhiều năm, đánh dấu khởi đầu thuận lợi cho năm 2024. Kinh tế Việt Nam đang phát triển rất tốt và sẽ mang lại lợi ích dài hạn cho nhà đầu tư.

Ông Ahmed Yeganeh, Giám đốc toàn quốc Khối Khách hàng doanh nghiệp, HSBC Việt Nam

“Việt Nam đã áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ ngày 1/1 (đánh thuế 15% đối với các công ty đa quốc gia có tổng doanh thu từ 800 triệu USD trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề gần nhất - PV). Tuy nhiên, theo chúng tôi ghi nhận từ khách hàng quốc tế, họ tương đối thoải mái với điều này.

Chính phủ Việt Nam đã làm rất tốt trong việc đối thoại và thảo luận với các công ty đa quốc gia. Tất nhiên không ai muốn mình phải trả thêm thuế nhưng điều quan trọng là đã có sự thảo luận giữa các bên”, ông nhấn mạnh.

Quý I/2024, GDP của Việt Nam cũng tăng 5,66% so với cùng kỳ.

“Đây là mức tăng rất mạnh, đạt kỷ lục trong quý I của nhiều năm và đánh dấu sự khởi đầu thuận lợi cho năm 2024. Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển rất tốt và sẽ mang lại lợi ích dài hạn cho các nhà đầu tư”, ông nói.

Ưu tiên đầu tư trong nội khu ASEAN

Cũng thông qua khảo sát lần này, HSBC nhận thấy hầu hết doanh nghiệp có cái nhìn lạc quan về hoạt động kinh tế của ASEAN trong năm 2024. Cụ thể, 94% doanh nghiệp Singapore bày tỏ tin tưởng về sự tăng trưởng của khu vực, theo sát là Thái Lan (91%), Việt Nam (87%), Indonesia (86%), Malaysia (84%) và Philippines (80%).

Cũng vì vậy, cứ 4 doanh nghiệp thì có 3 đơn vị dự định đầu tư nhiều hơn trong nội khu ASEAN.

Riêng với các doanh nghiệp Việt Nam, 94% số doanh nghiệp được hỏi kỳ vọng hoạt động thương mại của họ trong nội khối ASEAN tăng trong năm nay, với 27% kỳ vọng mức tăng cao hơn 30%, theo khảo sát của HSBC. Đặc biệt, khả năng tăng trưởng được đánh giá cao nhất tại các thị trường Singapore và Thái Lan, kế đến là Indonesia, Philippines và Malaysia.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp ASEAN cũng cho biết sự bất ổn kinh tế vĩ mô là rào cản lớn nhất đối với kế hoạch phát triển của họ. Theo sau đó là sự thiếu hụt về năng lực công nghệ ở địa phương, thách thức về chuỗi cung ứng, cạnh tranh và sự thay đổi nhanh chóng trong các quy định, chính sách quản lý.

Nguồn: HSBC.

Bên cạnh kế hoạch "tấn công" vào các thị trường mới trong khu vực ASEAN, các doanh nghiệp cũng tập trung cho việc phát triển công nghệ và số hóa các hoạt động kinh doanh hiện tại.

Theo ông Ahmed Yeganeh, hầu hết quốc gia đều cho biết chiến lược trong năm nay sẽ là tận dụng công nghệ và số hóa để đối phó với các rào cản phát triển.

"Điều này cho thấy nền kinh tế kỹ thuật số đang bùng nổ ở khu vực ASEAN", ông nhận xét.

Tuần trước, HSBC cũng ra mắt Quỹ tăng trưởng ASEAN trị giá 1 tỷ USD để hỗ trợ phát triển kinh tế số cho doanh nghiệp trong khu vực Đông Nam Á.

Nền kinh tế số ở ASEAN đã đạt quy mô 218 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến tăng lên 600 tỷ USD vào cuối thập kỷ, giúp khu vực này trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.

Đông Tùng

Nguồn Znews: https://znews.vn/nha-dau-tu-thai-lan-malaysia-indonesia-muon-mo-rong-tai-viet-nam-post1468082.html