Nhà đầu tư 'săn' doanh nghiệp giao thông nhỏ và vừa

Các nhà đầu tư đang dồn sự chú ý vào các đợt thoái vốn của các 'ông lớn' ngành hàng không, đường sắt khỏi các công ty thành viên cũng như các đơn vị sự nghiệp trong ngành giao thông - vận tải.

Những mã hàng tốt

Theo thông tin của Báo Đầu tư, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa lên kế hoạch thoái 1,479 triệu cổ phần tại Công ty cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) - một trong những “con gà đẻ trứng vàng” của tổng công ty này - ngay trong quý III/2016.

Cụ thể, nếu được bộ chủ quản thông qua, ACV sẽ thoái 7,52% vốn điều lệ tại SAGS để đưa tỷ lệ nắm giữ của Tổng công ty tại SAGS xuống còn 48%.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đang lên kế hoạch thoái vốn tại một loạt đơn vị như SAGS, SASCO, SATCO... Ảnh: Đức Thanh

Hiện nay, vốn điều lệ của SAGS là 196,673 tỷ đồng (tổng số cổ phần phổ thông là 19.667.316 cổ phần, trong đó, ACV nắm giữ 10.919.731 cổ phần (chiếm 55,52% vốn điều lệ).

Do cổ phiếu của SAGS đã chính thức giao dịch trên sàn chứng khoán UPCoM (mã chứng khoán: SGN) từ ngày 10/12/2015, nên ACV dự kiến áp dụng phương thức thực hiện là khớp lệnh liên thông qua hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.

Là một trong những doanh nghiệp chia cổ tức cao nhất trong ngành hàng không với khoảng 40%, năm 2015, SAGS đạt gần 600 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2014. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 86,7 tỷ đồng, thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) đạt 5.844 đồng; lợi nhuận chưa phân phối dư cuối năm gần 68,3 tỷ đồng.

Dù mới chính thức đăng ký giao dịch trên UPCoM từ cuối tháng 12/2015, với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 70.000 đồng/cổ phiếu, nhưng đến nay, cổ phiếu SGN đã tăng lên mức giá 102.000 đồng/cổ phiếu tương ứng mức tăng 46%.

Ngoài SAGS, ACV sẽ tiếp tục thoái khoảng 3% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không Tân Sơn Nhất (SASCO).

Mặc dù lượng cổ phần dự kiến bán đấu giá công khai không nhiều, nhưng đây là thương vụ M&A rất đáng chú ý, bởi với đợt thoái vốn này, tỷ lệ cổ phần nắm giữ của ACV tại SASCO sẽ giảm từ 51% xuống còn 48%.

SASCO hiện có vốn điều lệ 1.315 tỷ đồng, đăng ký giao dịch 131,5 triệu cổ phiếu, với các cổ đông chiến lược, ngoài ACV, là Công ty cổ phần Đầu tư - Thương mại và Dịch vụ Hoàn Lộc Việt (sở hữu 22,1%) và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (sở hữu 16%).

ACV cũng đã lên kế hoạch thoái một phần vốn từ nay đến năm 2020 tại Công ty cổ phần Thương mại hàng không Miền Nam (SATCO), Công ty cổ phần Phục vụ mặt đất Hà Nội (HGS)…

Trong lĩnh vực đường sắt, sau nhiều lần thuyết phục, giải trình, vào đầu tháng 7/2016, ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã được Bộ Giao thông - Vận tải “bật đèn xanh” điều chỉnh phương án bán cổ phần của Tổng công ty tại Công ty cổ phần Tổng công ty công trình đường sắt (mã chứng khoán RCC).

Cụ thể, VNR sẽ chào bán trọn lô 7.425.511 cổ phiếu RCC, chiếm 48,04% số lượng cổ phiếu đang lưu hành thông qua bán đấu giá công khai ra công chúng tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội ngay trong năm 2016, với giá khởi điểm chào bán là 24.700 đồng/cổ phiếu.

Việc VNR chấp nhận chấm dứt sự hiện diện của mình tại RCC không chỉ giúp nâng tính sức hấp dẫn của đợt thoái vốn, mà còn giúp doanh nghiệp xây dựng công trình đường sắt có cơ hội tham gia đấu thầu tại Công ty mẹ. Dự kiến, VNR thu về 183,4 tỷ đồng - một khoản tiền “ra tấm, ra món”, giúp “ông lớn” đường sắt đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải.

Được biết, RCC có trụ sở tại 33 - Láng Hạ (Hà Nội), vốn điều lệ 154,573 tỷ đồng. Trong năm 2015, nhà thầu hàng đầu trong lĩnh vực công trình đường sắt này đạt giá trị sản lượng 800 tỷ đồng, bằng 95,3% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế đạt 58,93 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 45,875 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của người lao động là 7.678.000 đồng/tháng...

Theo thông tin của Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, hiện có khá nhiều nhà đầu tư trong nước bày tỏ tham vọng mua toàn bộ cổ phần của VNR tại RCC. Trong số này, có Công ty cổ phần Phát triển bất động sản DPV. Vào thời điểm hiện tại, DPV - nhà đầu tư đang kinh doanh chuỗi biệt thự cao cấp Vinpearl Premium Villas - có tổng tài sản 3.461 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 800 tỷ đồng.

Ngoài RCC, Hội đồng Thành viên của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng đã phê duyệt phương án thoái toàn bộ vốn sở hữu tại một số đầu mối khác. Nổi bật trong số này là Công ty cổ phần Du lịch Đường sắt Hà Nội (VNR chào bán 0,484 triệu cổ phần – tương đương 40% vốn điều lệ với giá 33.400 đồng/cổ phần); Công ty cổ phần In đường sắt Sài Gòn (VNR chào bán 0,8 triệu cổ phần – tương đương 99,49% vốn điều lệ với giá 11.200 đồng/cổ phần cho các cổ đông sáng lập khác).

“Việc thoái vốn tại những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần sẽ giúp Tổng công ty có thêm nguồn lực để tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính là vận tải đường sắt”, ông Thành cho biết.

Hai “ông lớn” hàng không sắp cán đích

Theo các chuyên gia, sau khi cơ bản hoàn thành việc thoái toàn bộ vốn nhà nước tại các tổng công ty xây dựng công trình giao thông (Cienco), các nhà đầu tư đang hướng sự chú ý về các đơn vị sự nghiệp công lập ngành giao thông - vận tải hoặc các công ty con của VNR hay Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam.

“Đây là những doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ và vừa, song đều là những “con gà đẻ trứng vàng” với những lợi thế khá lớn về thương hiệu và đất đai”, một chuyên gia cho biết.

Trong khi đó, tiến trình lựa chọn nhà đầu tư chiến lược cho Công ty mẹ ACV - một trong những “ông lớn” hàng không cũng sắp đi đến giai đoạn cuối.

Cụ thể, vào giữa tháng 6/2016, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã đồng ý để Liên bộ Tài chính - Giao thông Vận tải được vận dụng quy định về lựa chọn tư vấn định giá tại Nghị định số 116/2015/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần để lựa chọn tổ chức tư vấn bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược ACV. Khi Chính phủ “bật đèn xanh”, ACV sẽ được phép tiến hành chỉ định thầu, rút ngắn đáng kể thời gian lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính cho việc đàm phán bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược đang vào giai đoạn gấp rút.

Hiện Tổ đàm phán ACV và Tập đoàn Airport de Paris (ADP) đã tiến hành 3 phiên họp chính thức và đi đến thống nhất là, các bên cố gắng hoàn tất giao dịch trong năm 2016.

“Tập đoàn ADP đề xuất, đến tháng 9/2016, quá trình đàm phán cần đạt được những thống nhất cơ bản về điều khoản đầu tư nhằm tạo một trong những tiền đề cho chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp vào tháng 9/2016”, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải cho biết.

Được biết, Bộ Giao thông Vận tải và ACV đang tổ chức các đoàn khảo sát một số sân bay tại Pháp do ADP khai thác nhằm làm rõ năng lực và kinh nghiệm quản lý của đối tác chiến lược tiềm năng.

Là tập đoàn toàn cầu trong ngành công nghiệp hàng không, ADP có vốn chủ sở hữu tại thời điểm ngày 31/12/2014 là 4,81 tỷ USD, đang trực tiếp vận hành 37 cảng hàng không trên toàn thế giới thông qua công ty con là Công ty Quản lý Airports de Paris (ADPM), trong đó có những cảng hàng không lớn nhất châu Âu, như Paris - Charles de Gaulle và Paris - Orly. Năm 2014, các cảng hàng không tại châu Âu, châu Á, Nam Mỹ do ADP vận hành có tổng doanh thu lên tới 3,377 tỷ USD, lợi nhuận sau thuế đạt 0,486 tỷ USD.

Cần phải nói thêm, sau khi lựa chọn xong All Nippon Airway (Nhật Bản) là cổ đông chiến lược, Vietnam Airlines vẫn còn 11,2% vốn điều lệ trong room 20% cổ phần dự kiến bán chiến lược chưa bán. Ông Phạm Ngọc Minh, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, hãng sẽ tiếp tục bán chiến lược để giảm tỷ lệ nắm giữ của cổ đông Nhà nước còn 75%, hướng tới giảm tiếp xuống 65% vốn điều lệ như phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt.

“Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi không phải chỉ huy động về nguồn lực tài chính, mà là mở rộng quy mô với sự tham gia của các nhà đầu tư ở các ngành nghề khác nhau, ở quy mô khác nhau, để Vietnam Airlines thực sự trở thành công ty cổ phần mang tầm vóc quy mô quốc tế”, ông Minh khẳng định.

Anh Minh

Nguồn Đầu Tư: http://baodautu.vn/nha-dau-tu-san-doanh-nghiep-giao-thong-nho-va-vua-d50182.html