Nhà đầu tư nước ngoài rút dần khỏi vành đai đông bắc Trung Quốc

Suy trì trệ của nền kinh tế Trung Quốc, đặc biệt ở phía đông bắc Trung Quốc, đang khiến các tập đoàn đa quốc gia của Nhật Bản và nhiều nước khác thu hẹp hoạt động hoặc rút dần khỏi các tỉnh Liêu Ninh, Cát Lâm và Hắc Long Giang.

Nhà máy sản xuất pin của Panasonic ở Thẩm Dương dừng sản xuất hồi tháng 5-2023. Ảnh: Nikkei Asia

Hàng loạt công ty rút lui, thu hẹp quy mô

Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Cường lần lượt đến thăm vùng đông bắc vào tháng 9 và tháng 6 để thúc đẩy kinh tế khu vực hồi phục. Nhưng tốc độ tăng trưởng vùng này bị cản trở bởi cơ cấu kinh tế thay đổi, dân số đang suy giảm và già đi, đặc biệt là khi người trẻ đổ xô đi tìm việc ở các tỉnh khác.

Tập đoàn xây dựng Orix của Nhật Bản dự định đầu tư 3,6 tỉ nhân dân tệ (490 triệu đô la) để xây dựng hai tòa tháp văn phòng ở thành phố cảng Đại Liên, thủ phủ của tỉnh Liêu Ninh. Dự án dự kiến hoàn thành năm 2013, nhưng phải trì hoãn nhiều lần do kinh tế Đại Liên suy giảm. Việc xây dựng được nối lại vào năm 2019, kế hoạch khai trương bị lùi lại đến năm 2022 do Covid-19, rồi lại dời đến đầu năm 2024. Orix đã bán tòa tháp chưa xây xong, một trong những công ty con của Orix trở thành một trong những chủ sở hữu của tòa tháp đã hoàn thiện.

Tuy nhiên, số doanh nghiệp chuyển đến mở văn phòng ở Đại Liên rất ít, nên lượng khách thuê văn phòng ở tòa tháp do Orix xây cũng khiêm tốn.

Trong khi đó, Panasonic Holdings đã bán bốn công ty con của tập đoàn ở Đại Liên từ năm 2022 đến tháng 6-2023. Các doanh nghiệp khác như hãng sản xuất vật liệu AGC, công ty xi măng Taiheiyo và tập đoàn Toshiba cũng sẽ bán các mảng kinh doanh hoặc đóng cửa các cơ sở vào cuối năm nay.

Tình hình cũng tương tự với các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động trong vành đai kinh tế đông bắc Trung Quốc. Hãng hóa chất Teijin sẽ bán nhà máy linh kiện xe hơi của họ ở Thẩm Dương, Liêu Ninh. Mazda Motor đã ngừng gia công sản xuất cho một công ty Trung Quốc tại thành phố Trường Xuân thuộc tỉnh Cát Lâm.

Hãng xe Brilliance Auto Group đã làm thủ tục bảo hộ phá sản tháng 2-2022 và bán 50% cổ phần trong liên doanh BMW Brilliance tại Thẩm Dương cho đối tác BMW. Trước đó, hãng chip Intel của Mỹ cũng bán nhà máy ở Đại Liên cho hãng SK Hynix của Hàn Quốc.

Vành đai công nghiệp cũ đang tụt hậu?

Hầu hết các doanh nghiệp tư nhân có tầm vóc ở Trung Quốc đại lục hình thành vào thập niên 1980 sau khi Trung Quốc mở cửa với thế giới bên ngoài. Phần lớn số này nằm ở các tỉnh ở phía nam và đông Trung Quốc.

Các tỉnh Liêu Ninh, Cát Lâm và Hắc Long Giang từng nằm trong đai công nghiệp luyện thép và khai thác của Trung Quốc. Nhưng một khi sự phát triển của khu vực tư nhân chậm lại (vì nhiều lý do như kiểm soát ô nhiễm, chuyển đổi xanh, kinh tế chững lại), các doanh nghiệp nhà nước dù có tăng trưởng cũng không thể bù đắp.

Dân số thấp của ba tỉnh này (khoảng 97 triệu đến cuối năm 2021) cũng ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng. Trong khi đó, thành phố Thượng Hải với hơn 26 triệu dân và ba tỉnh lân cận tạo nên thị trường gần 240 triệu dân. Hoặc Quảng Đông có 127 triệu dân và Sơn Đông có hơn 100 triệu dân.

Thủ đô Bắc Kinh đã tăng Tổng sản phẩm quốc nội thực tế (RGDP) gấp 17 lần trong giai đoạn 2000-2022. Nền kinh tế Quảng Châu mở rộng quy mô 12 lần và Thượng Hải thì tăng gấp 10 lần trong cùng giai doạn. Trong khi đó, RGDP của Đại Liên chỉ tăng 8 lần và Thẩm Dương thì 7 lần.

Các công ty Nhật Bản đổ xô đầu tư vào Đại Liên trong những năm 1990 và 2000, do nơi này có cảng nước sâu gần Nhật Bản và chi phí lao động thấp. Chi phí lao động bắt đầu tăng vào những năm 2010, các doanh nghiệp Nhật Bản bắt đầu chuyển sản xuất sang Đông Nam Á và các nơi khác.

Sự trì trệ này đang làm giảm hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản trong khu vực. Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, tính đến tháng 10-2022 các công ty Nhật Bản có 1.743 địa điểm sản xuất kinh doanh ở Đại Liên, giảm 8% so với thời điểm tháng 10-2019, cao hơn mức giảm 5% của các doanh nghiệp Nhật trên toàn đại lục.

Giới doanh nhân Nhật tại Thượng Hải cho rằng vùng đông bắc “bảo thủ hơn và phản ứng chậm chạp hơn so với Thượng Hải cũng như những nơi khác ở miền đông và miền nam đại lục”.

Một số công ty Nhật như hãng sứ vệ sinh Toto đang đầu tư mới vào Đại Liên khi chính quyền địa phương nỗ lực thu hút các doanh nghiệp bằng trợ cấp và các ưu đãi tài chính khác. Nhưng triển vọng kinh tế của khu vực này chưa thật sự sáng sủa.

Điều này được thể hiện từ một khảo sát trong tháng 9 của Phòng Thương mại và công nghiệp Nhật Bản tại Trung Quốc (JCCIC) với kết quả, khoảng một nửa số công ty Nhật Bản sẽ không đầu tư vào Trung Quốc hoặc sẽ giảm đầu tư vào nước này trong năm nay.

Theo Nikkei Asia, Caixin

Ricky Hồ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nha-dau-tu-nuoc-ngoai-rut-dan-khoi-vanh-dai-dong-bac-trung-quoc/