Nhà cổ hơn 150 năm tuổi 'đẹp lạ' ở Cần Thơ, là bối cảnh loạt phim nổi tiếng

Trải qua hơn 150 năm, căn nhà cổ vẫn giữ nguyên nét kiến trúc độc đáo với những chi tiết hoa văn được điêu khắc vô cùng tỉ mỉ, tinh xảo từ những cây cột, vòm cửa cho đến viền nhà, trở thành địa điểm du lịch hút khách ở Cần Thơ.

Nằm trên đường Bùi Hữu Nghĩa, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ, căn nhà cổ của một gia đình họ Dương (hay còn được gọi tên là nhà cổ Bình Thủy) được xây dựng từ năm 1870 là địa điểm du lịch quen thuộc, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài thành phố tìm tới tham quan suốt nhiều năm nay.

Theo Cổng thông tin điện tử Cần Thơ, nhà cổ Bình Thủy là công trình kiến trúc văn hóa thuộc dạng cổ nhất còn sót lại ở miền Tây và hiện là địa điểm du lịch văn hóa quen thuộc ở mảnh đất phương Nam.

Công trình nguyên thủy là nhà ở và hiện nay là Nhà thờ họ Dương –đã được Bộ VH-TT-DL công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia năm 2009 (Ảnh: Quý Kei)

Bước qua cổng chính phía ngoài đường là cổng phụ ở bên trong, thiết kế như cổng chào với lối kiến trúc cổ Á Đông, gồm 4 cột tròn: 2 gỗ, 2 xi măng. Hệ thống rui, mè, xà ngang bằng gỗ, mái lợp ngói ống, gờ bó mái bằng men xanh lục.

Trên cổng còn được trang trí nhiều hoa văn, họa tiết bằng xi măng như cá vàng, kỳ lân, bình hoa,.... Mặt trước và sau cổng phụ có gắn 2 bảng, một là chữ Hán “Phước An Hiệu” và một là chữ quốc ngữ “Phủ thờ họ Dương”.

Khu vực cổng phụ (Ảnh: Hoàng Linh Anh)

Quanh nhà cổ trồng rất nhiều loài hoa có màu sắc rực rỡ, tạo bối cảnh chụp hình sinh động cho khách tham quan (Ảnh: Công Nương)

Khuôn viên nhà cổ Bình Thủy khá rộng, riêng khoảng sân được lát gạch tàu 40 x 40cm và trồng đủ các loại cây kiểng như cau, tùng, dương xỉ, phát tài (thiết mộc lan), sứ Thái, cây vú bò. Đặc biệt ở góc sân bên trái có trồng một cây xương rồng Mexico “Kim lăng trụ”, từng ra hoa lần đầu tiên vào năm 2005.

Giữa sân bài trí một hòn non bộ cao khoảng 4m, nằm trong hồ cá vừa để trang trí, vừa làm bức bình phong cho khu nhà chính. Còn ở góc sân bên phải là khu vực miếu thờ thổ thần và một nhà mát lợp ngói vảy cá.

Ngôi nhà có bố cục đăng đối. Theo chiều ngang, nhà có 5 gian – rộng 22m. Còn theo chiều sâu, nhà có 3 lớp: nhà trước, nhà giữa và nhà sau với chiều sâu là 16m.

Du khách thập phương thích thú tham quan và check-in quanh nhà cổ Bình Thủy (Ảnh: Tran Nhung, Quý Kei, Anh Thư, Công Nương)

Từ sân, du khách có thể tiến vào khu vực nhà chính theo 4 hướng cầu thang. Hai cầu thang ở hai gian phía ngoài và hai cầu thang hình vòng cung bố trí hai bên, dẫn vào sảnh lớn ở gian giữa.

Nền nhà cao hơn 1m so với sân vườn, bó vỉa bằng đá xanh. Theo kinh nghiệm dân gian của người Nam Bộ, trong quá trình xây dựng, chủ nhân ngôi nhà đã cho đổ một lớp muối hạt dày chừng 10cm trước khi lót nền bằng gạch bông. Cách làm này vừa giúp xua đuổi côn trùng, mang sự thông thoáng, vừa tránh những tà vật xâm hại theo quan niệm phong thủy.

(Ảnh: Thuy Nga Keiko, Trang Christina)

Xung quanh nhà xây tường gạch kết dính bằng hồ vôi ô dước. Mái lợp 3 lớp ngói: 2 lớp dưới hình lòng máng, một lớp nhúng vôi bột trắng và lớp trên cùng sử dụng ngói ống. Lối thiết kế này tạo cảm giác trần nhà cao, thoáng đãng và sáng sủa hơn, đồng thời giữ cho ngôi nhà luôn mát mẻ trong điều kiện khí hậu nhiệt đới ở Nam Bộ.

Ở mặt trước công trình, du khách có thể cảm nhận rõ được nét trang trí mang dấu ấn phương Tây, gồm các đầu cột theo thức Hy – La; các họa tiết hoa văn được đắp nổi bằng xi măng như hoa lá, con sóc, chùm nho,... và hệ cửa chớp đặc trưng trong các công trình người Pháp xây ở Việt Nam để phù hợp với khí hậu bản địa.

Mặt trước công trình nhà cổ Bình Thủy cũng là góc check-in được nhiều du khách yêu thích (Ảnh: Nguyễn Trúc Lợi)

Bước vào trong là khu vực nhà trước, dùng làm nơi tiếp khách trong những nghi lễ quan trọng, được trang trí theo phong cách Tây Âu. Ngoài các ô cửa kiểu Pháp với vòm cuốn còn có trần nhà được làm phẳng bởi lớp trần giả, trang trí họa tiết cầu kỳ.

Tiếp đến là nhà giữa. Trong đó, 3 gian giữa là nơi thờ tự, được bài trí thuần Việt với bàn hương án, khánh thờ, liễn đối... đều làm bằng gỗ quý khảm xà cừ. Hai gian phía ngoài còn lại là nơi sinh hoạt chung của gia đình.

(Ảnh: Uyên Nguyễn, Yaki Yen Nguyen, Xuan Bac)

Ngăn cách giữa nhà trước với nhà giữa là hàng cột bao lam và liên ba được chạm trổ công phu với những hình ảnh quen thuộc của Việt Nam và Nam Bộ như: mai, lan, cúc, trúc, sen, điểu, tùng lộc, chim, công, dơi, thỏ, tôm, cua, khổ qua, nho... Xung quanh là các ô hộc có nhiều hình dạng như vuông, chữ nhật, lục giác cũng được chạm khảm tỉ mỉ, mang tính thẩm mỹ cao.

Còn nhà sau cơ bản giống nhà trước, là nơi tiếp khách nữ và sinh hoạt riêng của gia đình.

(Ảnh: Xuan Bac)

Trong nhà hiện còn lưu giữ rất nhiều đồ nội thất cổ như hương án, bàn ghế, tủ, sập...; đặc biệt là bộ salon gỗ được chế tác kiểu LOUIS XV, đặt ở gian giữa của nhà trước.

Phòng khách được thiết kế theo phong cách châu Âu cổ điển với bộ salon đời Louis 15 của Pháp, đèn chùm cổ điển bằng bạch đằng...

Được biết, nhà cổ Bình Thủy từng là bối cảnh của nhiều bộ phim như: Chân trời nơi ấy, Cây tre trăm đốt, Con nhà nghèo, Người đẹp Tây Đô, Nợ đời, Những nẻo đường phù sa... và đặc biệt là bộ phim nổi tiếng “Người tình” của đạo diễn người Pháp Jean Jacques Annaud.

Tới nhà cổ Bình Thủy, du khách nên tranh thủ ghé một số nhà hàng, quán ăn địa phương để thưởng thức nhiều đặc sản nức tiếng (Ảnh: Minh Vũ Lê)

Nếu có dịp du lịch huyện Bình Thủy, ngoài tham quan và tìm hiểu về nhà cổ, du khách có thể kết hợp ghé thăm một số điểm đến thú vị khác như Đền thờ các vua Hùng Cần Thơ, cù lao Cồn Sơn, vườn du lịch sinh thái Ba Tuấn,... Ngoài ra, tới đây, du khách còn có cơ hội thưởng thức nhiều món ngon, đặc sản địa phương như lẩu mắm, hủ tiếu gõ, bánh tét lá cẩm, cá lóc nướng trui,...

Theo Vietnamnet

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/giai-tri/nha-co-hon-150-nam-tuoi-dep-la-o-can-tho-la-boi-canh-loat-phim-noi-tieng/205495.htm