Nhà báo Thái Duy: Viết là lẽ sống

Trong suốt cuộc đời làm báo của mình, nhà báo Thái Duy luôn có mặt và đi đầu trong nhiều sự kiện nóng bỏng nhất

Nhà báo Thái Duy, tác giả truyện ký "Sống như Anh" với bút danh Trần Đình Vân và nổi tiếng với đề tài "khoán chui", vừa qua đời vào lúc 20 giờ 56 phút ngày 14-4 tại nhà riêng ở TP Hà Nội, hưởng thọ 98 tuổi. Nhà báo Thái Duy là một đại thụ của Báo Cứu Quốc - Giải Phóng - Đại Đoàn Kết.

Đi đầu nhiều sự kiện nóng

Tên thật của ông là Trần Duy Tấn. Lý giải về bút danh Thái Duy, ông từng kể khi được nhận vào Báo Cứu Quốc (từ năm 1949), được phân công đi theo Trung đoàn 308 do Thiếu tướng Nguyễn Thái Dũng chỉ huy. Tướng Thái Dũng nổi tiếng về sự anh dũng, quả cảm chiến đấu khiến kẻ thù khiếp sợ. Với sự cảm phục và muốn noi gương ý chí chiến đấu bất khuất của trung đoàn anh hùng, ông đã lấy bút danh là Thái Duy.

Trong suốt cuộc đời làm báo của mình, nhà báo Thái Duy luôn có mặt và đi đầu trong nhiều sự kiện nóng bỏng nhất. Thời kỳ làm Báo Cứu Quốc ở chiến khu Việt Bắc, ông tham gia hầu hết các chiến dịch lịch sử và có mặt ở ngay trận địa suốt Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Năm 1964, từ tòa soạn Báo Cứu Quốc ở Hà Nội ông vượt Trường Sơn vào Nam. Thời kỳ làm Báo Giải Phóng giữa chiến trường miền Nam chính là giai đoạn ông đã viết "Sống như Anh", cuốn sách viết về cuộc đời anh hùng Nguyễn Văn Trỗi. Tháng 3-1965, Đại hội Đại biểu Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam được tổ chức tại căn cứ Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh. Trong số các đại biểu có chị Phan Thị Quyên, vợ anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, lúc này đã tham gia biệt động.

Nhà báo Thái Duy được giao nhiệm vụ gặp và ghi chép lại những chuyện kể của chị Quyên về anh Trỗi, hạn trong 15 ngày phải xong. Bản thảo được một phóng viên Liên Xô (cũ) mang ra miền Bắc qua đường hàng không từ Phnom Penh (Campuchia). Bản thảo được Bác Hồ khen ngợi, chỉ đạo in thành sách, do chính Bác đề tựa. Từ cái tên ban đầu là "Những lần gặp gỡ cuối cùng", Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đổi tên thành "Sống như Anh" được đăng nhiều kỳ trên các báo và xuất bản lần đầu ở NXB Văn học tháng 7-1965. "Sống như Anh" được tái bản liên tục, lên tới hàng triệu bản.

Suốt 2 cuộc kháng chiến, ông luôn ở nơi chiến trường gian khổ, ác liệt. Sau ngày đất nước thống nhất, phóng viên Thái Duy tiếp tục đi tiên phong với những đề tài gai góc đặt ra trong đời sống xã hội giữa những năm đất nước thực hiện chế độ bao cấp, cùng những dự cảm mới về cuộc sống nhân dân. Trong đó, đề tài được ông theo đuổi nhiều nhất là "khoán chui" trong nông nghiệp được xuất hiện đều đặn trên Báo Đại Đoàn Kết là thời điểm "đêm trước của Đổi mới".

Nhà báo Thái Duy (bên phải) nhận biểu trưng của chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển” từ Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân tặng vào tháng 7-2020. Ảnh: NGÔ NHUNG

Người bảo vệ "khoán chui"

Nhà báo Thái Duy đã có hàng trăm bài báo viết về vấn đề này như: "Một cuộc cách mạng", "Ngọn gió Hải Phòng", "Phá thế độc canh ở Thái Bình", "Cơ chế mới, con người mới", "Khoán chui hay là chết"…

Ông xuống từng cánh đồng, hợp tác xã, gặp từng người nông dân. Qua đó, hàng trăm bài báo của ông đăng trên Báo Đại Đoàn Kết trong 2 năm 1980 - 1981 đã phản ánh và chứng minh thực tế nơi nào dân "xé rào" làm "khoán chui" (tức là không áp dụng "khoán việc" theo kiểu đánh kẻng đi làm), khoán hộ thì nơi đó đời sống nhân dân ấm no, sung túc.

Những bài báo ấy đã góp phần tạo nên một cuộc cách mạng trong nông nghiệp đi từ Chỉ thị 100 đến Khoán 10, sau này được tập hợp in thành sách "Khoán chui hay là chết" (NXB Trẻ, 2013). Vấn đề khoán trong nông nghiệp (trước đó phải "xé rào" làm chui) đã trở thành chủ trương lớn, những cá nhân dũng cảm "xé rào" đã được ghi nhận, tôn vinh. Đây được xem là thành tựu rực rỡ trong sự nghiệp làm báo của nhà báo Thái Duy, đã góp phần giúp người dân bớt khổ.

Đánh giá về đóng góp của nhà báo Thái Duy, nhà báo Hữu Thọ viết: "Cuộc đấu tranh cho chủ trương khoán sản phẩm ra đời rất quyết liệt, không chỉ quyết liệt ở cơ sở mà quyết liệt cả từ những cơ quan cấp cao, không chỉ trong nội bộ mà cả với ý kiến có gang có thép của một số cố vấn của Liên Xô…

Các bạn đồng nghiệp cùng chung lưng đấu cật trong cuộc đấu tranh này như: Thái Duy, Lê Điền ở Báo Đại Đoàn Kết, Hồng Giao ở Tạp chí Học Tập, Đình Cao ở Thông tấn xã, Đắc Hữu ở Báo Hà Sơn Bình... và những đồng chí hết lòng ủng hộ sự nghiệp đổi mới nông nghiệp, ủng hộ nhà báo như các anh Nguyễn Khánh, Minh Chương, Trần Đức Nguyên ở Văn phòng Trung ương..., trong đó theo tôi thì nhà báo hăng hái xông pha trận mạc, viết nhiều nhất trong số chúng tôi chính là Thái Duy".

Năm 2023, ở tuổi 97, nhà báo Thái Duy đón nhận 2 sự kiện đặc biệt. Ông được trao tặng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng và Bảo tàng Báo chí Việt Nam chiếu ra mắt bộ phim "Thái Duy: Sống và viết". Sự độc đáo của Thái Duy là từ ngày vào Báo Cứu Quốc năm 1949 đến nghỉ hưu 1995 vẫn chỉ làm cho một cơ quan báo chí, chỉ viết vì dân, vì sự thật. Ông nói trong buổi tọa đàm ra mắt bộ phim rằng: "Chỉ làm phóng viên, với tôi là sung sướng lắm rồi!".

Cuộc đời làm báo không mệt mỏi

Nhà báo Thái Duy sinh năm 1926 tại Bắc Giang. Ông làm Báo Cứu Quốc từ năm 1949, được kết nạp Đảng năm 1950 tại Chi bộ Báo Cứu Quốc (Đại Đoàn Kết ngày nay) ở chiến khu Việt Bắc, ngay trước khi tham gia Chiến dịch Biên giới. Đầu năm 1964, ông vào Nam, cùng Tổng Biên tập Trần Phong và nhà báo Tâm Trí thành lập Báo Giải Phóng. Ngày 4-2-1977, ba tổ chức Mặt trận được thống nhất thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Báo Cứu Quốc và Báo Giải Phóng được sáp nhập thành Báo Đại Đoàn Kết. Nhà báo Thái Duy tiếp tục làm phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đến khi nghỉ hưu (năm 1995).

Cả cuộc đời làm báo của ông là sự phấn đấu không mệt mỏi.

Bài và ảnh: LAN ANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nha-bao-thai-duy-viet-la-le-song-196240415194722814.htm