Nhà báo phải tự vận động theo dòng chảy công nghệ

Công nghệ đã, đang và sẽ tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội. Đã có rất nhiều dự đoán được đưa ra và cũng nhiều cảnh báo về mối nguy trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế con người. Cũng giống như nhiều lĩnh vực khác của đời sống đang chịu sức ép từ sức mạnh của công nghệ, báo chí cũng đang đặt ra những yêu cầu khắt khe buộc những người làm báo, những phóng viên, biên tập viên phải tự đổi mới, không ngừng trau dồi kỹ năng, rèn luyện chuyên môn nếu không muốn bị lạc hậu.

Các nhà báo đang tác nghiệp tại Lễ Khai mạc Hội Báo toàn quốc 2017. Ảnh: Hữu Linh.

Phóng viên đa năng

Sự gắn kết giữa báo chí và công nghệ giúp tác phẩm báo chí trở nên sống động, trực quan hơn.

Giữa một biển thông tin phong phú của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội hiện nay, những người làm báo sẽ không có một giây phút nghỉ ngơi, tự hài lòng và bằng lòng với những gì mình đã làm. Không giống với trước kia, độc giả chỉ cần cầm tờ báo giấy hăng say đọc và tìm kiếm thông tin, hiện nay độc giả không chỉ cần đọc báo mà còn cần nghe, cần nhìn, cần được nêu lên cảm xúc, suy nghĩ chủ quan của bản thân về những ý kiến được trình bày trong tác phẩm báo chí. Do vậy thay bằng hình ảnh những phóng viên trên tay chỉ cầm quyển sổ và cây bút thì phóng viên thời công nghệ phát triển còn cần đến kỹ năng quay phim, chụp ảnh, kỹ năng dựng một đoạn video clip ngắn để phục vụ tin bài hay kỹ năng trình bày bảng biểu, kỹ năng trình bày infographics….

Ông Lê Quốc Minh, Tổng biên tập Báo Điện tử Vietnam Plus cho rằng báo chí hiện đại phải là sự kết hợp của rất nhiều phương thức để trở thành một tác phẩm thỏa mãn nhu cầu của các đối tượng độc giả khác nhau. Sự gắn kết giữa báo chí và công nghệ giúp tác phẩm báo chí trở nên sống động, trực quan hơn. Vậy nên nhà báo không chỉ cần có nội dung tốt mà phải biết cách truyền tải nội dung đó bằng những cách thức sáng tạo, độc đáo để tạo nên sự tương tác với người đọc. “Nói một cách dễ hiểu báo chí hiện đại phải là sự kết hợp giữa báo chí, công nghệ và sáng tạo”, Tổng biên tập Báo Vietnam Plus nhấn mạnh.

Với bản thân mỗi phóng viên, nhà báo, sự bùng nổ của công nghệ là cuộc chiến vô cùng khắc nghiệt, chỉ có lợi cho những người có khả năng thích nghi với sự đổi mới và là bất lợi cho những người tự bằng lòng và không chịu đổi mới. Nhà báo Nguyễn Công Khanh, Phó trưởng ban Thời sự, Báo Điện tử Zing.vn cho rằng trong một cuộc đua khắc nghiệt như hiện nay, những nhà báo biết tự trau dồi, nâng cao kỹ năng làm việc độc lập cũng như ứng phó tốt với những tình huống khó khăn, phức tạp thì nhà báo đó sẽ trụ vững và trưởng thành.

Lấy ví dụ về điều này, nhà báo Công Khanh cho rằng, đôi lúc, đôi chỗ vì yêu cầu của tòa soạn mà phóng viên phải làm cùng lúc nhiều công việc, không chỉ có viết tin, bài mà còn cả quay phim, cả dựng hình, đọc bình luận, dẫn chương trình những thông tin thời sự nóng đang được cả xã hội quan tâm. Nếu trong trường hợp đó bản thân mỗi phóng viên lúng túng, không đáp ứng được yêu cầu, đương nhiên sẽ không được đánh giá cao. Bên cạnh đó, trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay không loại trừ thực tế máy móc có thể thay thế con người viết những thông tin đơn thuần, không bình luận, do vậy những phóng viên đơn sắc chỉ biết đưa thông tin khô cứng cũng có nguy cơ bị đào thải.

Quan điểm của nhà báo Phùng Thế Kha, Báo điện tử Dân trí thì cho rằng, kỹ năng làm báo trên điện thoại thông minh hiện nay là yêu cầu tối thiểu buộc các phóng viên phải thực hiện nhuần nhuyễn. Bên cạnh đó kỹ năng khác như dựng clip ngắn bằng điện thoại để ghi lại tại hiện trường kèm lời bình cũng cần thiết với những phóng viên muốn đăng tải thông tin nhiều chiều.

Một sản phẩm của sự bùng nổ công nghệ hiện nay là mạng xã hội. Không thể phủ nhận hiện nay một số thông tin được đưa ra trên mạng xã hội là nguồn tin để các cơ quan báo chí vào cuộc, song theo quan điểm của nhà báo Nguyễn Nam, Báo điện tử Người đưa tin thì trước thông tin trên mạng xã hội các phóng viên, nhà báo cần cẩn trọng xem xét, tìm hiểu tránh tình trạng một số đối tượng lợi dụng mạng xã hội để mưu lợi cá nhân.

Phân tích ở một khía cạnh khác, ông Lê Quốc Minh cho rằng: “Nếu mạng xã hội chỉ đưa những thông tin thô ban đầu thì báo chí chính thống sẽ là người phân tích, bình luận, làm dầy thông tin, hay đó là hành trình đi tìm các góc khuất, nhiều chiều của vấn đề để cung cấp thông tin cho độc giả, điều đó góp phần tạo nên sức mạnh và quyền lực của báo chí chính thống”, ông Lê Quốc Minh nói.

Nếu không tự đổi mới, phóng viên thời công nghệ rất dễ lạc hậu. (trong ảnh: Phóng viên tác nghiệp tại sự kiện đón hành khách thứ 5 triệu tại Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng). Ảnh: Thu Hà.

Đứng yên là thất bại

Những người làm báo không bao giờ có điểm dừng, hành trình của họ được ví như những vận động viên đi chinh phục đỉnh núi cao, khi vượt qua được đỉnh núi cao này lại có một đỉnh núi cao khác đang chờ họ ở phía trước, hành trình đó sẽ mệt mỏi với những người không đủ quyết tâm và thiếu kỹ năng.

Theo lời một Tổng biên tập một tờ báo khá mạnh về công nghệ hiện nay thì việc đào tạo cho đội ngũ phóng viên có được kỹ năng làm báo hiện đại là yêu cầu bắt buộc. Việc đào tạo này có thể đến từ những giảng viên chuyên nghiệp tại các trường đào tạo hay cũng có thể từ chính những đồng nghiệp trong cùng cơ quan, những đồng nghiệp tại các tòa soạn khác, song điều quan trọng nhất là bản thân mỗi phóng viên, nhà báo cần có tinh thần học hỏi, tinh thần cầu thị, cầu tiến vươn lên. Nếu có ý thức vươn lên, học hỏi họ sẽ dần theo kịp nhưng nếu dậm chân tại chỗ, tự hài lòng, họ sẽ trật ra khỏi vòng quay của tòa soạn”, vị này đưa ra cảnh báo.

Cũng đồng tình với quan điểm này, nhà báo Nguyễn Công Khanh cho rằng, không ngừng học hỏi tìm kiếm mục tiêu xa hơn là động lực của sự phát triển, nếu phóng viên, nhà báo nào đó mà cứ "ngủ quên" trên chiến thắng nghĩ rằng mình đã giỏi, đã thành công, không cần phải học hỏi, ngày nào đó thấy thế hệ trẻ vượt xa bản thân về chuyên môn nghề nghiệp sẽ cảm thấy tiếc nuối và ước là giá như được quay trở lại… lúc ấy mọi chuyện đã muộn màng. “Những người làm báo không bao giờ có điểm dừng, hành trình của họ được ví như những vận động viên đi chinh phục đỉnh núi cao, khi vượt qua được đỉnh núi cao này lại có một đỉnh núi cao khác đang chờ họ ở phía trước, hành trình đó sẽ mệt mỏi với những người không đủ quyết tâm và thiếu kỹ năng”, nhà báo Công Khanh chia sẻ.

Chia sẻ về quá trình đào tạo phóng viên để thích ứng với sự phát triển của công nghệ, Tổng biên tập Lê Quốc Minh cho rằng, việc đào tạo cho phóng viên thích ứng với công nghệ phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, hàng tháng, hàng tuần thậm chí hàng ngày, hàng giờ. Đồng thời bản thân người lãnh đạo mỗi cơ quan báo chí phải biết khơi gợi khả năng sáng tạo của mỗi phóng viên, biên tập viên trong cách thức làm báo để tránh đi vào lối mòn. “Mỗi cơ quan báo chí cần phát huy thế mạnh của từng cây bút, khuyến khích họ sáng tạo và đam mê hơn để tạo cho riêng mình cũng như tòa soạn nhiều những câu chuyện mới mẻ, đặc sắc cũng như cung cấp cho độc giả lượng kiến thức nhất định”, ông Lê Quốc Minh nói.

Dương Ngân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/nha-bao-phai-tu-van-dong-theo-dong-chay-cong-nghe.aspx