Nguyễn Xuân Xanh: Làm thơ để tìm lời giải cuộc đời

Sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo miền trung du Bắc Bộ, chàng thiếu niên nghèo Nguyễn Xuân Xanh đã sớm xác định tự học tập chính là con đường ngắn nhất để thoát nghèo và giúp ích cho đất nước.

Chính vì thế ngay từ những năm tháng còn ngồi trên ghế nhà trường, tuy tuổi còn trẻ nhưng tinh thần yêu nước cũng như sự khâm phục những chí sĩ cách mạng đã luôn nhen nhóm trong lòng chờ dịp bùng cháy.

Thơ của Nguyễn Xuân Xanh được giới thiệu trong tập "gương mặt thơ đương đại Việt nam"

“Trong lòng con rất bâng khuâng

Trên tay con viết chú nâng bao điều

Mái trường con học chú yêu

Những lời chú giảng sớm chiều đầy hoa

Con cầm cây bút trên tay

Chú khuyên con sẽ suốt ngày làm thơ”

( Bài kính tặng Tố Hữu )

Năm 1965, ông làm đơn xin tham gia vào lực lượng thanh niên xung phong, tham gia tích cực vào các phòng trào đánh giặc cứu nước. Những năm tháng chiến đấu quên mình vì nhiệm vụ cao cả của dân tộc đã rèn luyện cho ông đức tính cao đẹp theo lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thanh niên xung phong, kiên cường bất khuất chống lại cái ác, cái xấu.

Để rồi đến năm 1968, khi xuất ngũ trở về quê hương ông đã ngay lập tức bắt tay thực hiện những cái mà người đời lúc đó còn rất lạ lẫm, mới mẻ. Chính vì tất cả còn mới nên việc làm của ông gặp nhiều thuận lợi song cũng vấp phải không ít khó khăn.

Sự tin tưởng của chính quyền địa phương, sự yêu mến của bà con nhân dân ngày càng tăng lên khi ông chính là người đầu tiên kiến nghị về phương pháp chuyển đổi giống cây trồng, phát triển chăn nuôi gắn với nghiên cứu khoa học.

Kiến nghị lên cấp trên tiến hành chuyển đổi cây lúa nước cho thu hoạch thấp sang nuôi trồng thủy sản. Theo thời giá lúc bấy giờ, một kg cá trắm có giá trị bằng 10, 12 kg thóc khiến bà con nông dân vô cùng phấn khởi, hơn thế lại góp phần giảm chi phí chống úng cho vùng chiêm trũng, đem lại giá trị kinh tế cao hơn.

Để bà con thực sự tin tưởng và làm theo, ông đã tập trung phát triển kinh tế gia đình vững mạnh bởi theo lời ông “ có nói được thì mới làm được”. Bằng chứng là cho tới nay, mảnh đất rộng ngót nghét 1000m2 mà gia đình ông đang ở cũng là do những tháng ngày ông hăng say lao động đó mà có được.

Đất nước hết chiến tranh, hòa bình lập lại, ông lại là một trong những người đầu tiên tham gia tích cực vào phong trào phát triển nông thôn mới, văn hóa văn nghệ của địa phương.

Chân dung Hai vợ chồng nhà thơ Nguyễn Xuân Xanh.

Hàng cây cao 3,5m của gia đình nơi cổng ngõ ngay lối đi của gia đình vốn là con đường của khu xóm phố chợ bị sạt lở, chứng kiến nhiều người dân và các cháu học sinh đi qua bị vấp ngã, tai nạn ông đã bàn với bà cùng bỏ tiền ra tự mua gạch, xi măng để xây dựng gần 40m bờ kè dọc theo con kênh để “trẻ con đi học khỏi ngã, con đường thêm đẹp đẽ của thôn Cường Tráng, xã An Thịnh ngày nay”.

Đối với bạn bè ông vừa là người bạn tri kỉ đàm đạo thơ ca tuổi về già, vừa như vị “ mạnh thường quân” bởi đã nhiều lần ông giúp đỡ về vật chất, thậm chí đóng góp kinh phí để xây một căn nhà cho bạn có chỗ che mưa che nắng. Tất cả những việc làm đó đều xuất phát từ cái Tâm, cái Tầm của ông mà không hề đòi hỏi được người đời biết đến hay ngợi khen, bởi ông quan niệm:

“Thấm nhuần đạo đức noi gương Bác

Cả nước bên nhau mọi phong trào”.

Thấm nhuần tư tưởng đó, nên các dịp lễ tết, quốc tế người cao tuổi ông đều trích phần tiền cá nhân của mình tặng quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các cụ già cao tuổi, gia đình chính sách... Thử đọc tập thơ mới nhất mang tên: “Tiếng thơ” của ông, mới thấy nó bình dị và hiền hòa như chính con người của ông vậy. Không cầu kì trong câu chữ, cũng chẳng ẩn ý trong câu từ mà lại cuốn hút người đọc đến lạ lùng.

Bức tranh về thực trạng xã hội cứ được ông bóc dần từng lớp một mà càng đọc, ta lại càng thấy thấm thía. Sự sắp xếp có chủ ý của tác giả đưa ta từ phần đầu tiên gợi nhớ về tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc bằng cách gợi lại những địa danh, những trận đánh lịch sử của dân tộc và ngay chính quê hương nơi ông đang sinh sống:

“Cuộc kháng chiến toàn dân đứng dậy

Chống ngoại xâm giữ lấy hòa bình

Quảng trường tỏa sáng bình minh

Tuyên ngôn độc lập hồi sinh cho đời

Tổng khởi nghĩa Bác Hồ kêu gọi

Trận Điện Biên sáng chói lừng vang”

(Bài Kỉ niệm Cách mạng tháng Tám- Quốc khánh 2/9)

Hay những lời khuyên dạy con cái, cháu chắt về đạo làm người, đề cao chữ Hiếu, chữ Tình, tin vào đạo Phật, răn làm điều Thiện mà tránh xa cái ác:

“Con nghe thầy nguyện trồng cây đức

Gieo cái nhân chân thực trong tâm

Thầy ơi! Cây đức nảy mầm

Để chuyển nghiệp thiện sửa lầm khi xưa”

( Bài Nghe thầy hướng thiện)

Trong nhà ông luôn treo những bài thơ răn dạy con cháu về những giá trị đạo đức đáng trân trọng

Lớp thứ hai là những vần thơ mang đậm dấu ấn cá nhân với chủ đề về tình yêu đôi lứa, tình cảm bạn bè khăng khít trước sau như một:

“Gửi bạn hai tiếng chân thành

Sống vui sống khỏe tuổi xanh trong đời”.

Những tưởng mỗi cách gieo vần nhả chữ, cách đặt tên bài chỉ là sự ngẫu nhiên, là thơ vui như ông đề trước mỗi bài, nhưng không, ẩn sau mỗi câu chữ là hàm ý sâu sa, vui tươi mà sâu sắc. Vui đấy nhưng rồi lại buồn đấy. Buồn vì cái thế sự nước nhà còn nhiều ngang trái, buồn vì những giá trị đạo đức bị suy đồi xuống cấp, đồng tiền danh lợi khiến con người ta dễ dàng quên đi những đạo lí làm người khiến ông “ nghĩ đến chuyện đau lòng tôi lắm”.

Nhiều người chưa gặp ông sẽ vội phán xét rằng thơ ông giản dị thế chắc con người ông cũng xuề xòa, dễ dãi. Nhưng chớ có lầm, thơ ông còn là cách để ông dạy con cháu về đạo Nhà, đạo nước mà cũng là để răn mình. Cách đối nhân xử thế, cư xử giữa người với người tưởng rằng ai cũng rõ mà lại được ông vạch rõ trong từng câu thơ để rồi ta phải “à” lên một tiếng sao mà hay, mà đúng đến thế.

Từ chuyện thiên hạ xây mộ gần nhau cạnh tranh đất đai, xây to xây nhỏ gây mất đoàn kết xóm giềng ( bài: lời người quá cố”) đến chuyện vợ chồng nhà anh Khèo tuy có khiếm khuyết về hình hài cơ thể nhưng vẫn giữ được tình cảm vợ chồng sắt son, chung thủy. Ở cái tuổi “mùa thu” của cuối cuộc đời , tình yêu giữa thi sĩ Xuân Xanh và vợ là bà Nguyễn Thị Ngẫm khiến người ta vừa ngưỡng mộ vừa tưới tắm hi vọng về một “ ngôn tình” đời thực. Có quan tâm hết mực, cũng có không ít những bất đồng nhưng sau tất cả, trong mắt chàng chỉ có nàng, còn nàng dùng tất cả kiêu hãnh để bảo vệ hạnh phúc của gia đình nhỏ của mình, chăm lo cho chồng và các con:

Yêu nhau đâu phải sang giàu

Thương nhau ý hợp tâm đầu em ơi

Với những đóng góp cho cộng đồng ông đã được nhận nhiều bằng khen và giải thưởng do các cấp hội cũng như chính quyền trao tặng

Như vậy, ở Xuân Xanh hội tụ đầy đủ các tố chất của một con người “tử tế”. Hai tiếng “ Tử tế” nghe thật đơn giản mà thời nay hiếm ai đạt được. Cuộc đời ông sống đúng như lời mình tâm sự thông qua bài Toán đời có cộng trừ nhân chia xin trích ra đây thay cho lời kết để bạn đọc - những người yêu thích thơ ca hiểu thêm về “bài toán cuộc đời” của thi sỹ Nguyễn Xuân Xanh, để thêm niềm tin rằng trên cuộc đời này, vẫn còn rất nhiều người “đáng để ta trông cậy vào”.

Thu Trang/KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/nguyen-xuan-xanh-lam-tho-de-tim-loi-giai-cuoc-doi-p42007.html