Nguyên tiêu và bài thơ nguyên tiêu của Bác Hồ

Theo âm lịch, hàng năm dân tộc ta sau tết Nguyên đán cổ truyền 15 ngày là đón tết Nguyên tiêu. Nguyên tiêu là từ Hán Việt, 'Nguyên - 元' là đầu tiên; 'Tiêu - 宵' là đêm, chỉ đêm rằm đầu tiên một năm mới - tức rằm tháng giêng.

Tích Tết Nguyên tiêu

Kể rằng, xưa Ngọc Hoàng rất yêu quý đôi thiên nga. Vào ngày đẹp trời, cặp thiên nga xuống trần chơi, chẳng may bị thợ săn bắn chết. Ngọc Hoàng giận lắm, cho rằng người trần đều thế, ban lệnh trừng phạt. Cứ mỗi năm đến ngày 15 tháng 1, cho thiên binh xuống trần phun lửa đốt hoa màu, con người không thể canh tác, thiếu đói. Thần tiên trên trời thấy trừng phạt vậy là ác, không đồng tình, bèn lén xuống bày kế cho người trần vào đêm rằm tháng giêng treo đèn lồng đỏ và đốt pháo hoa rực sáng, rồi về lừa tâu Ngọc Hoàng rằng đã phóng hỏa đốt nhà, hoa màu hạ giới. Nhờ vậy, người hạ giới mới được bình yên vô sự.

Theo tích, cứ đến đêm rằm tháng giêng, nhà nhà treo đèn lồng, đốt pháo hoa, sắm lễ dâng cúng thần tiên cầu cho năm mới an lành, cũng là dịp con cháu tỏ lòng thành kính với ông bà tổ tiên. Ngày xưa, ở triều đình, vua thường tổ chức tiệc chiêu đãi quần thần, các trạng nguyên đến thưởng ngoạn luận bàn vẻ đẹp đất trời và trổ tài làm thơ. Tết Nguyên tiêu mang ý nghĩa tượng trưng cho sự thư giãn, tao nhã lòng người trước vẻ đẹp ánh trăng và trời đất. Dịp đón Tết Nguyên tiêu Giáp Thìn (2024) này, và nhân ngày thơ Việt Nam, có vài cảm nhận về bài thơ Nguyên tiêu của Bác Hồ giao lưu cùng bạn đọc.

Âm hưởng Đường thi trong bài Nguyên tiêu của Bác Hồ

Vào đêm Nguyên tiêu năm Mậu Tý (1948), Bác Hồ cùng cán bộ Trung ương có cuộc họp trong chiếc thuyền trên sông Đáy, lúc về khuya, khi giải lao, Bác ra khỏi khoang thuyền, dưới ánh trăng rằm, cảm tác bài thơ tứ tuyệt bằng chữ Hán, đọc cho mọi người nghe: “Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên/ Xuân giang, xuân thủy, tiếp xuân thiên/ Yên ba thâm xứ đàm quân sự/ Dạ bán quy lại nguyệt mãn thuyền”. Lúc ấy có nhà thơ Xuân Thủy, anh em đề nghị nhà thơ dịch: “Rằm xuân lồng lộng trăng soi/ Sông xuân nước lẫn mầu trời thêm xuân/ Giữa dòng bàn bạc việc quân/ Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”.

Đối chiếu bản dịch với nguyên tác và yếu tố Đường thi: “Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên” (Đêm nay rằm tháng giêng đúng độ trăng tròn). Hình ảnh câu này bắt gặp trong bài Tây đình của Lý Thương Ẩn (813-858) thời vãn Đường, ở 3 từ cuối: “Thử dạ Tây đình, nguyệt chính viên” (Đêm ấy, ở đình Tây, đúng độ trăng tròn). Xuân Thủy dịch bay bổng và rất thoát: “Rằm xuân lồng lộng trăng soi”, nhưng hình ảnh “lồng lộng trăng soi” thiên về tả, còn “đúng độ trăng tròn” là thủ pháp gợi. Mà gợi là một trong những thủ pháp nghệ thuật Đường thi. Câu thừa: “Xuân giang, xuân thủy, tiếp xuân thiên” (Sông xuân, nước xuân, tiếp với trời xuân), cảm hứng về bản thể vũ trụ (cosmic essence), điệp 3 từ “xuân” trong câu mở ra không gian đất trời sông nước vào xuân bao la. Ở bản dịch, câu khai thêm vào từ “xuân” thì câu thừa lại dịch thiếu 1 từ “xuân”: “Sông xuân nước lẫn mầu trời thêm xuân”. Hình ảnh “tiếp xuân thiên” gợi mở tự nhiên không gian muôn trùng, còn bản dịch nói “thêm xuân” cảm giác ý thơ như hẹp lại. Đọc hai câu đầu ngỡ khách du ngoạn thưởng xuân thường thấy trong Đường thi, nhưng đến câu chuyển, con người xuất hiện với một động thái khác: “Yên ba thâm xứ đàm quân sự”, hóa ra không phải du ngoạn mà “bàn việc quân”. Hình ảnh “yên ba” (khói sóng) thuyền trăng trên sông nước mang yếu tố cổ mẫu được sử dụng khá nhiều trong thơ Trung đại: “Yên ba giang thượng sử nhân sầu” (Hoàng Hạc lâu, Thôi Hiệu). Trong bài Uống rượu tiêu sầu, Cao Bá Quát viết: “Yên ba thâm xứ hữu ngư châu”. Sự giao thoa ở đây là trên thuyền nơi “yên ba thâm xứ”, nhưng chiếc thuyền kia của Cao Bá Quát bộc lộ cảm xúc con thuyền câu lạc vào nơi xa vắng để uống rượu tiêu sầu, lánh đời, còn thuyền trong thơ Hồ Chí Minh hoàn toàn khác, ấy là nơi cơ quan Trung ương họp bàn xây dựng kế hoạch lãnh đạo quân sự tiếp tục kháng chiến sau chiến dịch Việt Bắc Thu – Đông thắng lợi (hạ tuần tháng 12/1947). Chiếc thuyền ấy là nơi hoạch định đường lối cực kỳ quan trọng với Tổ quốc. Câu hợp: “Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền” (Đến nửa đêm trăng (chiếu) đầy thuyền). Ở Đường thi, bài Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế (?-779, thời trung Đường) với câu hợp: “Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền”. Cũng không gian và thời gian trên thuyền vào nửa đêm, nhưng hai cảm quan hoàn toàn khác. Nửa đêm của Trương Kế là lúc trăng lặn (nguyệt lạc), bao phủ bóng tối đen ngòm, lại có tiếng quạ kêu (ô đề), tiếng quạ có khi nào vui! Và ánh đèn câu (ngư hỏa) soi vào giấc ngủ u buồn (đối sầu miên). Cảnh buồn, bởi tâm trạng chủ thể trữ tình buồn, nghe cô đơn, có lẽ đó cũng là nỗi niềm của một mệnh quan triều đình nhận ra con đường sụp đổ của triều đại khi loạn An Lộc Sơn nổi dậy vua quan phải bỏ chạy khỏi Tràng An. Còn trong thơ Hồ Chí Minh gợi lên sức mạnh tập thể bàn kế hoạch lớn lao, đánh trả kẻ thù, giải phóng dân tộc, dưới vẻ đẹp ánh trăng rằm tháng giêng sáng rợp đất trời.

Bài Nguyên tiêu có 2 chủ thể: một ẩn và một nhập vai (đàm quân sự), làm cho sự kết hợp yếu tố cổ điển và hiện đại thêm độc đáo. Bài thơ ra đời trong hoàn cảnh địch thực hiện chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh”, lùng bắt chính phủ Hồ Chí Minh, tình hình chiến sự rất căng thẳng, nhưng biểu đạt trong thơ chỉ có cụm từ “đàm quân sự”, còn lại là cảm hứng vẻ đẹp thiên nhiên đất trời. Điều đó cho thấy, phải là người nắm chắc cục diện thời cuộc, chủ động trong chiến lược, tài ba lắm mới có được tâm hồn và phong thái ung dung điềm tĩnh như vậy.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/nguyen-tieu-va-bai-tho-nguyen-tieu-cua-bac-ho-117049.html