Nguyên nhân nhà báo qua đời ngay trong trận Argentina đối đầu Hà Lan

Chứng phình động mạch chủ thường được gọi là 'kẻ giết người thầm lặng'. Nhiều người không biết họ mắc bệnh này cho đến khi phình động mạch chủ bị rách hoặc vỡ, dẫn đến tử vong.

Grant Wahl mất do phình động mạch chủ đang phát triển chậm và không được phát hiện bị vỡ. Ảnh: FIFA.

Nhà báo người Mỹ Grant Wahl (49 tuổi) đã ngã quỵ trên ghế hôm 9/12 khi đang đưa tin về trận tứ kết World Cup giữa Argentina và Hà Lan ở Lusail, Qatar.

Vợ của Wahl, bác sĩ Céline Gounder nói rằng khám nghiệm tử thi xác nhận chồng cô đã mất do phình động mạch chủ đang phát triển chậm và không được phát hiện bị vỡ.

Cô Gounder nói: “Tình trạng này có thể đã hình thành suốt nhiều năm. Vì nguyên nhân nào đó, nó xảy ra vào thời điểm này”.

Phình động mạch chủ là gì?

Theo Washington Post, Milind Desai, Giám đốc y tế tại Trung tâm Bệnh động mạch chủ của Cleveland Clinic, cho biết phình động mạch chủ là chỗ phình ra giống như quả bóng trong động mạch chủ. Nó làm suy yếu một hoặc tất cả lớp của thành động mạch chủ, dẫn đến hiện tượng lóc tách hoặc vỡ, có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Động mạch chủ là mạch máu lớn mang máu từ tim qua ngực và thân mình đến phần còn lại của cơ thể. Nó có 3 lớp để chịu được nhiều áp lực.

Nhưng do di truyền và điều kiện y tế, một số người sẽ dễ bị giãn nở, có thể phát triển thành phình động mạch chủ, theo ông Desai. Khi phình động mạch bị rách hoặc vỡ, nó có thể gây chảy máu và đe dọa tính mạng.

Hai loại phình động mạch chủ là bụng và ngực. Chúng có các yếu tố nguy cơ và nguyên nhân khác nhau.

Ông Desai cho biết nguyên nhân phổ biến nhất của chứng phình động mạch chủ xảy ra ở ngực là do gia đình hoặc di truyền, nghĩa là bệnh nhân có xu hướng phát triển bệnh này. Khi bệnh xảy ra bên dưới cơ hoành, nguyên nhân phổ biến nhất là huyết áp cao và do xơ vữa động mạch, sự dày lên hoặc xơ cứng của động mạch.

Triệu chứng của phình động mạch chủ

Phần lớn phình động mạch chủ không có triệu chứng, chúng không gây ra bất kỳ dấu hiệu nào trừ khi bị lóc tách hoặc vỡ. Lóc tách là vết rách xảy ra ở lớp bên trong của động mạch chủ, khiến máu chảy ra thành động mạch chủ.

Ahmet Kilic, bác sĩ phẫu thuật tim tại Đại học Johns Hopkins, cho biết: “Đó là điều khó chịu. Bạn có thể bị chứng phình động mạch mà không có triệu chứng”.

Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), trong một số trường hợp, tùy thuộc vào vị trí của chỗ phình trên động mạch và kích thước của nó, có thể có một số triệu chứng.

Phần lớn phình động mạch chủ không có triệu chứng, chúng không gây ra bất kỳ dấu hiệu nào trừ khi bị lóc tách hoặc vỡ. Ảnh: Shutterstock.

Chúng có thể bao gồm khó nuốt hoặc khó thở, cảm giác no, khàn giọng, đau ở cổ, hàm, lưng, dạ dày hay vai, đau nhói trong bụng, và sưng mặt, cổ hoặc cánh tay.

Các triệu chứng của việc vỡ, vết rách xuyên qua cả 3 lớp của thành động mạch chủ, có thể bao gồm choáng váng, nhịp tim nhanh và đau dữ dội đột ngột ở dạ dày, ngực hoặc lưng.

“Nếu bạn xuất hiện các triệu chứng trên bạn nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức, vì thời gian là điều quan trọng”, bác sĩ Kilic nói.

Cô Gounder cho biết chồng cô bị tức ngực ngay trước khi chết, đây có thể là triệu chứng ban đầu của động mạch chủ bị vỡ.

Gounder viết trên trang web của Wahl: “Không có bất kỳ hồi sức tim phổi (CPR) hay khử rung tim nào có thể cứu được anh ấy. Cái chết của chồng tôi không liên quan đến Covid-19 hay tình trạng tiêm chủng. Không có gì bất chính về cái chết của anh ấy”.

Tầm soát chứng phình động mạch chủ

Theo ông Desai, người dễ mắc phải chứng phình động mạch chủ và cần được sàng lọc để đề phòng gồm:

- Người có tiền sử gia đình bị phình động mạch chủ (có người thân cấp một bị phình động mạch chủ ngực).

- Người mắc một số bệnh thấp khớp hoặc rối loạn mô liên kết như hội chứng Ehlers-Danlos, hội chứng Loeys-Dietz hoặc hội chứng Marfan.

Theo NIH, cứ 10 người bị phình động mạch chủ bụng thì có một người có tiền sử gia đình mắc bệnh này. Các yếu tố nguy cơ khác của chứng phình động mạch bao gồm hút thuốc hoặc dùng chất kích thích làm tăng huyết áp như cocaine.

Trong quá trình sàng lọc, bác sĩ có thể tiến hành khám sức khỏe, siêu âm vùng bụng, chụp CT hoặc chụp MRI để xem liệu động mạch chủ có lớn hơn bình thường. Đồng thời, bác sĩ có thể sờ bụng, nghe tim và kiểm tra mạch ở tay và chân. Và hình ảnh sẽ cung cấp thông tin về kích thước của phình động mạch chủ.

Khi chứng phình động mạch trở nên lớn hơn, nó có thể lan rộng nhanh chóng trong thời gian ngắn hơn. Theo NIH, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện một loạt kiểm tra để theo dõi tốc độ phát triển của chứng phình động mạch và liệu người bệnh có cần phẫu thuật.

Phòng ngừa chứng phình động mạch

Ông Desai cho biết khi chứng phình động mạch được phát hiện và điều trị sớm, chúng có thể cứu chữa.

Theo NIH, chứng phình động mạch nhỏ có thể được kiểm soát bằng cách thay đổi lối sống lành mạnh như ăn uống để tốt cho tim, hoạt động thể chất và kiểm soát căng thẳng.

Bất kỳ phương pháp điều trị nào cũng nhằm ngăn chặn sự phát triển của chứng phình động mạch, làm giảm khả năng rách hoặc vỡ động mạch. Vì vậy, bác sĩ có thể tập trung vào điều trị các tình trạng y tế khác như huyết áp cao, bệnh tim mạch vành, bệnh thận mạn tính hoặc cholesterol trong máu cao, để giảm nguy cơ mắc bệnh.

Ông Desai chia sẻ sau khi chẩn đoán phình động mạch chủ, bước quan trọng nhất là giảm căng thẳng cho động mạch chủ bằng cách giảm huyết áp và nhịp tim, thường là bằng các loại thuốc như thuốc chẹn beta.

Ngoài ra, bác sĩ cũng cảnh báo bệnh nhân cần tránh các hoạt động thể chất như cử tạ cường độ cao vì nó gây nhiều áp lực lên động mạch chủ. Đồng thời, bệnh nhân được khuyến khích để kiểm soát các bệnh đi kèm như tăng huyết áp, béo phì và tiểu đường.

Bác sĩ Kilic nói: “Tất cả chứng phình động mạch đều không gây tử vong. Nhiều thập kỷ qua, tôi theo dõi các bệnh nhân với chứng phình động mạch, họ có thể không bao giờ cần phẫu thuật”.

Nam Giao

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguyen-nhan-nha-bao-qua-doi-ngay-trong-tran-argentina-doi-dau-ha-lan-post1385002.html