Nguyên nhân “bí ẩn” khiến xuất khẩu gạo tụt dốc

Ngược lại với hầu hết các dự báo khả quan trong nửa đầu năm, xuất khẩu gạo năm nay chắc chắn sẽ “tụt dốc không phanh”. Xác định đúng nguyên nhân là tiền đề không thể thiếu để tránh đi vào “vết xe đổ” này trong những năm tới.

Chỉ riêng Việt Nam “mất mùa” xuất khẩu gạo

Nếu như khối lượng gạo xuất khẩu trong hai tháng cuối năm này chỉ đạt dưới 400.000 tấn như ước tính trong tháng 10 vừa qua thì tổng khối lượng xuất khẩu cả năm nay chỉ đạt dưới 5 triệu tấn, thấp kỷ lục kể từ năm 2009 đến nay.

Điều này đồng nghĩa với việc xuất khẩu gạo năm nay sẽ giảm hơn 1,5 triệu tấn và khoảng 24-25% so với năm 2015. Còn nếu tính cả lượng xuất khẩu tiểu ngạch chắc chắn cũng thấp hơn thì tổng lượng gạo xuất khẩu năm nay sẽ thấp hơn năm 2015 khoảng hơn 2 triệu tấn.

Trong khi đó, tình hình xuất khẩu gạo của hai đối thủ cạnh tranh chủ yếu của ta là Ấn Độ và Thái Lan lại sáng sủa hơn nhiều.

Số liệu thống kê của Ấn Độ cho thấy, chín tháng đầu năm nay nước này vẫn đứng đầu thế giới với lượng xuất khẩu gần 8,1 triệu tấn, so với cùng kỳ chỉ giảm 9,9%; còn Thái Lan tiếp tục đứng thứ hai với gần 6,9 triệu tấn, tăng nhẹ 3,7%.

Như vậy, nếu cả hai đối thủ cạnh tranh này vẫn duy trì nhịp độ xuất khẩu như hiện nay thì chúng ta chính là tác nhân chủ yếu dẫn đến tổng khối lượng gạo xuất khẩu của thế giới năm nay giảm 2,6 triệu tấn và 6,1% như dự báo tháng 11 này của Bộ Nông nghiệp Mỹ.

Hai “kẻ giấu mặt”

Thực trạng nói trên bắt nguồn từ hai nguyên nhân chủ yếu sau đây:

Những khó khăn trong xuất khẩu gạo hiện nay bắt nguồn từ những nguyên nhân khách quan nhưng những yếu kém của chính chúng ta càng làm cho tình trạng nghiêm trọng hơn.

Thứ nhất, thực tế chứng minh nhận định Thái Lan xả kho gạo dự trữ khổng lồ tồn kho quá lâu ngày của nước này ít ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu gạo mới của chúng ta là sai lầm.

Các số liệu thống kê của Thái Lan cho thấy, để xuất khẩu được gần 6,9 triệu tấn trong chín tháng đầu năm nay, nước này đã kéo giá xuống chỉ còn 449 đô la Mỹ/tấn, giảm 31 đô la Mỹ và 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá bình quân của gần 5,2 triệu tấn gạo trắng được kéo xuống chỉ còn 351 đô la Mỹ/tấn; còn giá bình quân của gần 1,7 triệu tấn gạo thơm Thai Hom Mali nổi tiếng cũng được kéo xuống chỉ còn 751 đô la Mỹ/tấn, giảm 17,7%.

Một khi đã “đại hạ giá” gạo cũ để đẩy ra thị trường thì người Thái cũng đã buộc phải kéo giá gạo mới xuống để lôi kéo khách hàng.

Trong khi đó, giá xuất khẩu bình quân 4,2 triệu tấn gạo của nước ta trong 10 tháng đầu năm nay (theo số liệu thống kê của hải quan) là 449 đô la Mỹ/tấn, đúng bằng giá bình quân của Thái Lan và tăng 5,5% so với cùng kỳ.

Như vậy, nếu như tỷ trọng gạo thơm xuất khẩu của nước ta hiện nay đã tăng lên và bằng với tỷ trọng này của gạo thơm Thai Hom Mali nhưng giá vẫn thấp hơn rất nhiều thì giá gạo trắng của nước ta đã cao hơn nhiều so với của Thái Lan.

Tương quan về giá như vậy đương nhiên khiến gạo trắng của Thái Lan hút khách, còn lượng gạo xuất khẩu của nước ta “tụt dốc không phanh” trong những tháng giữa năm vừa qua và lượng xuất khẩu cả năm bị giảm mạnh như nói trên. Đây cũng chính là lý do tại sao gạo trắng của chúng ta quá ế ẩm, trong khi gạo thơm vẫn “túc tắc” bán được.

Xét về thị trường, các số liệu thống kê của Thái Lan cho thấy, trong chín tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo của nước này tăng được 200.000 tấn thì ASEAN chính là thị trường giữ vai trò này và đây cũng chính là mức giảm của chúng ta.

Bên cạnh đó, để đạt được hơn 5 triệu tấn gạo trắng xuất khẩu trong chín tháng đầu năm nay, Ấn Độ vẫn duy trì mức giá 372 đô la Mỹ/tấn, gần như không đổi so với cùng kỳ năm 2015, cho nên chúng ta cũng rất khó cạnh tranh với đối thủ này, cũng như với Thái Lan ở thị trường châu Phi.

Thứ hai, nếu như nguyên nhân nói trên bắt nguồn từ bên ngoài và chỉ mang tính thời điểm thì nguyên nhân bên trong đã kéo quá dài còn quan trọng hơn nhiều.

Có thể đặt câu hỏi, tại sao xuất khẩu gạo của nước ta cứ mãi phụ thuộc vào các hợp đồng tập trung, tại sao nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo của nước ta không chú trọng tìm kiếm các hợp đồng thương mại?
Các số liệu thống kê của nước ta cho thấy, trong 10 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của nước ta sang ba thị trường chủ yếu là Philippines, Indonesia và Malaysia chỉ mới đạt hơn 940.000 tấn, giảm rất mạnh tới 42,2% so với cùng kỳ và cả năm nay gần như chắc chắn sẽ thấp hơn năm 2013 - là năm chỉ đạt 1,13 triệu tấn, thấp kỷ lục kể từ năm 2005 trở lại đây.

Câu trả lời có lẽ nằm ở sự chênh lệch về giá cả.

Nếu tính chung kể từ khi chúng ta đạt khối lượng gạo xuất khẩu 2 triệu tấn cho ba thị trường này từ năm 2005 đến nay thì khoảng cách này so với các thị trường khác là gần 30 đô la Mỹ/tấn.

Rõ ràng, trong điều kiện cùng có thị trường đầu vào như nhau, nhưng những doanh nghiệp xuất khẩu gạo vào ba thị trường này có giá cao hơn thì phải đạt lợi nhuận cao hơn so với những doanh nghiệp xuất khẩu theo các hợp đồng thương mại sang các thị trường khác.

Không những chỉ có giá cao hơn, mà ba thị trường cũng không đòi hỏi chất lượng gạo quá cao, càng không đòi hỏi gạo phải có thương hiệu. Rõ ràng, với việc lượng gạo xuất khẩu vào ba thị trường này chiếm gần 40% tổng khối lượng xuất khẩu của nước ta từ đó đến nay và với giá cao hơn rất đáng kể như vậy thì đây chính là lý do chủ yếu dẫn tới tình trạng có một bộ phận doanh nghiệp “ngồi ngóng hợp đồng tập trung”, không quan tâm đến nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu, càng không quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu.

Thực trạng này tất yếu dẫn đến hệ quả tai hại hiện nay, là dù có muốn tăng lượng gạo xuất khẩu theo các hợp đồng thương mại thì cũng rất khó, bởi gạo không có thương hiệu của chúng ta bị “cấm cửa” ở những thị trường đòi hỏi chất lượng khắt khe. Do vậy, để xuất khẩu được lượng gạo tồn kho chắc chắn tăng mạnh hiện nay, kịch bản tiếp theo sẽ là, các doanh nghiệp sẽ phải tiếp tục kéo giá xuống trong những tháng tới để hút khách.

Nói tóm lại, những khó khăn trong xuất khẩu gạo hiện nay bắt nguồn từ những nguyên nhân khách quan, nhưng những yếu kém của chính chúng ta càng làm cho tình trạng nghiêm trọng hơn.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/153948/nguyen-nhan-bi-an-khien-xuat-khau-gao-tut-doc.html/