Nguyên mẫu trong bài thơ thất tình của Phan Thị Thanh Nhàn là ai?

Lần đầu tiên, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn đã 'mở đường' cho những người đàn ông mình yêu quý, trân trọng bước từ trang thơ ra cuộc đời thực.

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn. Ảnh: FBNV.

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn thuộc thế hệ những nhà thơ được trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Những vần thơ của bà luôn thể hiện nỗi khát khao về tình yêu, day dứt và trăn trở khiến người đọc vấn vương nhớ mãi.

Bài thơ Hương thầm đoạt giải thưởng của Báo Văn nghệ năm 1969 khẳng định chỗ đứng của bà trên thi đàn. 15 năm sau, Hương thầm được nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ nhạc và nhanh chóng lan tỏa trong đời sống nghệ thuật nước nhà.

Đã 80 tuổi mà nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn có dáng vẻ thật nhanh nhẹn, trẻ trung. Ánh mắt tinh anh, nụ cười hiền và giọng nói nhỏ nhẹ khiến người nghe như bị dẫn dụ vào miền ký ức trong veo và dạt dào xúc cảm của bà.

- Nhân vật “Anh” trong bài thơ Con đường có phải là mối tình đầu của bà?

- Đúng là mối tình đầu của tôi. Năm ấy tôi 19, còn chàng độ 22, 23 tuổi. Lần đầu tôi có buổi đi chơi riêng, khoảnh khắc được chàng cầm tay, run rẩy vô cùng! Bình thường, hai đứa không dám cầm tay nhưng có hôm trời đổ cơn mưa, chàng quay sang nói: “Anh thấy trời xầm xì nên mang sẵn áo mưa”, nói đoạn, kéo vai tôi che chung áo. Cũng bởi tôi chưa bao giờ chạm tay vào con trai nên khi ấy né ra vì ngại ngùng.

Hôm khác, khi đang đi dưới hàng cây cơm nguội mới trồng, tôi bị đứt guốc nên anh ấy ngỏ ý đóng lại giúp. Sửa xong anh nhẹ nhàng nhấc lấy chân tôi đặt vào chiếc guốc, hình ảnh ấy khiến tôi cực kỳ cảm động.

Nhân vật “Anh” trong bài thơ Con đường vốn là đại sứ Việt Nam tại một số nước như Ấn Độ, Ai Cập, Israel, Kuwait, Syria, Palestine. Anh còn là một nhà báo, là người yêu văn thơ. Bức ảnh anh tặng tôi kèm những lời đề tặng là tư liệu rất quý của anh và cố Thủ tướng Ấn Độ Rajiv Gandhi.

- Bài thơ kể về mối tình vụng dại, kết cục là ly tan nhưng dường như lại có sự cảm thông, chia sẻ về thân phận đàn bà, thấm đẫm chất nhân văn, thất tình thật đấy nhưng kiêu hãnh, không bi lụy - tôi cảm nhận như thế có đúng không thưa bà?

- Một thời gian sau, nhân vật trong bài thơ đi học xa, chiến tranh sơ tán khắp nơi nên việc thư từ rất khó, vì vậy chúng tôi mất liên lạc trong khoảng 9 tháng. Thời điểm ấy, Hội Nhà văn cũng tổ chức một lớp học văn chương trên đường Quảng Bá và tôi gặp ông xã. Anh ấy sống trên Tây Bắc về học ở Trường viết văn Nguyễn Du gần nhà tôi nên ngày nào cũng ghé qua chơi và bày tỏ tình cảm. Lúc đó, nhân vật trong bài thơ cũng không liên hệ gì nên tôi dứt áo lên xe hoa. Một năm sau, anh ấy cũng lập gia đình.

Ngẫm lại, dù lời đã ngỏ, ý thư cũng đã trao nhưng vì xa cách quá lâu nên mối tình ấy như một cơn gió thoáng qua, mang theo những rung động đầu đời. Nhờ đó, tôi lại được gặp một người đàn ông đẹp trai, tài hoa của núi rừng Tây Bắc. Chắc bởi vậy nên không có cảm giác đau buồn, bi lụy trong thơ tôi.

- Sau này, đã bao giờ bà gặp lại người đàn ông mà mình đã gửi gắm tình cảm và thể hiện qua những vần thơ rất đẹp không?

- Thỉnh thoảng, anh ấy vẫn viết thư cho tôi, bức ảnh anh chụp với cố Thủ tướng Ấn Độ được gửi cho tôi vào năm 1991, khi đó chồng tôi đã mất từ năm 1979. Nhiều lần sinh nhật, hoa được gửi về tòa soạn nơi tôi công tác (Báo Hà Nội mới), nhưng thường chỉ thấy hoa mà không thấy người đâu. Sau đó, anh sẽ nhắn tin hỏi xem tôi nhận được hoa chưa.

Do công việc làm đại sứ, thi thoảng anh gửi tặng cho tôi những món quà đặc trưng của một số quốc gia. Trong một lần viết thư kể về chuyến đi Nepal, mặc dù nội dung rất dài, giọng văn thân thiết nhưng không hề đả động đến chuyện tình cảm.

Đám cưới anh ấy mời tôi đến dự, thậm chí cả lúc con trai chào đời cũng báo tin. Dù có gửi lời chúc mừng nhưng tôi chưa bao giờ đến nhà. Cả hai luôn giữ một khoảng cách nhất định vì hoàn cảnh mỗi người giờ đây đã khác.

Khi viết Con đường, tôi cũng không kể với anh ấy. Có thể anh đã đọc, nhưng chưa bao giờ cả hai lên tiếng xác nhận rằng bài thơ nói về mối tình đó. Một phần do thói quen khi viết về ai, tôi không bao giờ nói cho họ biết.

Mới đây, khi chia sẻ bức ảnh và câu chuyện trên trang Facebook cá nhân, người quen báo anh mất rồi, tôi ngạc nhiên và thật sự buồn. Nếu có dịp, tôi cũng muốn đến thăm mộ thắp cho anh nén hương để trọn tấm lòng với một người bạn đặc biệt.

- Bà tiết lộ còn có người đàn ông thứ hai?

- Mối tình tiếp theo của tôi dành cho một người trẻ tuổi hơn, học ở Bulgaria về, khi gặp tôi người này mới tốt nghiệp đại học, sau đó người ta quay lại Bulgaria làm tiến sĩ mấy năm và tôi cũng sang thăm, thậm chí còn có mấy bài thơ dành tặng anh ấy. Khi nào có cơ duyên, tôi sẽ chia sẻ cùng các bạn về người đàn ông thứ hai này.

- Khoảng trống tâm hồn không thể bù đắp khi người chồng ra đi quá sớm, mẹ góa con côi nương tựa cùng nhau vượt gian khó, có khi nào bà mong có một tình yêu mới, một người đàn ông có thể “đỡ đần nhau cuối đời”?

- Nhiều người thắc mắc khi đối mặt với một cuộc sống cô đơn và mất mát như vậy, sao tôi vẫn có thể vui tươi và yêu đời. Tôi nghĩ rằng, việc bố mẹ sinh ra và cho mình sống thôi vốn đã là một niềm vui rồi.

Được đi dạo vòng Hồ Tây, ngắm những đóa hoa nở rộ hay chỉ cần nhìn con trẻ vui đùa thôi… đã đủ thấy yêu mến cõi nhân gian này. Vì vậy, tôi không có lý do gì để chán ghét cuộc đời mà vẫn tận hưởng từng giây phút mình đang sống. Trong một cuộc sống thiếu vắng tình yêu, thậm chí đôi khi vẫn còn khúc mắc tâm tư, được hòa mình vào đất trời và có những cuộc gặp gỡ với bạn bè đã là một thứ hạnh phúc không phải ai cũng có được.

Tôi chọn cuộc sống một mình, tự nuôi sống bản thân để thoải mái hơn trong việc nuôi con, đi du lịch, buôn bán… Nếu có một người bạn tâm giao để chia sẻ câu chuyện cũng tốt, nhưng không cần thiết phải ở chung với nhau.

- Nhà thơ từng nói rằng: Nếu sống một cuộc đời đau khổ liệu có xứng đáng với những người đã hy sinh xương máu cho đất nước này (trong đó có người em trai - người mà bà viết tặng bài thơ 'Hương thầm'), bà có thể chia sẻ thêm về điều này?

- Cậu em trai tên Khải của tôi đi bộ đội từ năm 18,19 tuổi, thường thì vẫn được về thăm nhà 1, 2 lần. Nhưng từ khi vào chiến trường miền Nam, cậu ấy không quay về được nữa. Có lần Khải gửi thư tâm sự với tôi rằng: “Đêm nay, bọn em ở trong rừng Trường Sơn, đơn vị có một cái đài thôi và cả đội đang nghe chương trình Tiếng thơ có bài thơ Hương thầm của chị do nghệ sĩ Trần Thị Tuyết ngâm, nhớ nhà lắm!”.

Khải rất tinh tế và chiều chị, cậu ấy hay thả từng chùm hoa bưởi vào túi tôi, đến tòa soạn ngồi làm việc thấy thơm nức, mở ra mới biết. Thương quý vô cùng, chưa kịp yêu đương, chưa kịp hưởng trọn hạnh phúc, em đã ra đi từ rất sớm…

- Gọi mình là “bà già điên” như một cách tự giễu bản thân vô cùng thú vị. Bà làm thế nào để duy trì nguồn năng lượng tích cực như thế khi đã ở tuổi 80 với gánh nặng thời gian trên vai?

- Tôi thích nói chuyện vui vẻ với bạn bè, đôi khi có thể tếu táo, trêu đùa. Nhưng sẽ có không ít người cho rằng ở tuổi của tôi đáng lẽ phải rất nghiêm túc, đứng đắn, nên tôi mới tự phong là “bà già điên”. Điên chút cho đời thêm rộn ràng. Có thời gian là tôi lại đi du lịch, nhảy đầm hay chụp ảnh check in cùng hội chị em. Tôi cũng thích chơi mạng xã hội để giao lưu cùng mọi người.

Trang Facebook cá nhân là nơi tôi chia sẻ nhiều câu chuyện thơ ca và cả “bí mật hậu trường” đã ôm ấp gần như suốt cả cuộc đời, giờ đã ở tuổi mà ranh giới sống - chết khá mỏng manh lại muốn kể cho mọi người cùng biết và đồng cảm.

Linh Đan - Anh Nguyễn/Vietnamnet

Nguồn Znews: https://znews.vn/nguyen-mau-trong-bai-tho-that-tinh-cua-phan-thi-thanh-nhan-la-ai-post1448572.html