Nguyễn Huệ hành quân hay Nguyễn Thiếp dựng quân?

Đã tròn 300 năm ngày sinh La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp. Do những ghi chép, sách văn trong gia tộc Nguyễn Thiếp hầu như chưa được công bố nên hiểu biết về Nguyễn Thiếp còn rất ít, thậm chí có chỗ sai lệch. Vai trò của ông và anh em, con cháu trong gia tộc góp phần làm nên chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa lẫy lừng vẫn còn chưa được ghi nhận và làm sáng rõ.

Mỹ hiệu La Sơn Phu Tử

Các cuốn “Bách Việt Triệu Tổ cổ lục”, “Cổ Lôi ngọc phả truyền thư”, “Phả họ Nguyễn” và cuốn “Thu tập” đều được biên soạn khi Nguyễn Thiếp còn tại thế. Những tài liệu này vẫn còn được lưu ở Đại Lôi, xã Phú Lương huyện Thanh Oai, Hà Nội, do ông tộc trưởng họ Nguyễn dòng đích Nguyễn Vân Liên giữ.

Xem các câu đối, bi kí, chữ khắc trên chuông đồng chùa Chúc Thánh Hà Nội; miếu mộ, di tích, nhà thờ Nguyễn Thiếp; nhà thờ họ Nguyễn ở Phú Lương, Thanh Oai, Hà Nội; đền thờ Quang Trung ở Tam Điệp; nhà thờ La Sơn Phu Tử ở Can Lộc, Hà Tĩnh... chúng tôi thấy các tư liệu đều phù hợp với những gì đã ghi trong các văn sách ít ỏi.

Xem gia phả của La Sơn Phu Tử.

Theo đó, Nguyễn Thiếp sinh giờ Thìn, ngày 25 tháng 8 năm Quý Mão (1723 tại quê ngoại, ấp Văn Lôi, trang Thắng Lãm, khu Văn Nội, phủ Ứng Thiên, nay là xã Phú Lương, Thanh Oai, Hà Nội. Vùng đất này có sông Hát, có cửa Hát Môn, nhân dân thường tổ chức lễ hội, hát chầu văn, hát trống quân trên 9 chiếc thuyền ghép lại trước đền Thượng thờ Kinh Dương Vương. Trong lễ hội còn có tục "đánh đồng thiếp". Đoạn cuối sông Hát tử làng Văn Nội trở xuống gọi là sông Thiếp. Ông Nguyễn Quang Nhuận, quê gốc ở Cương Gián, Nghi Xuân, Hà Tĩnh lấy vợ ở đầu sông Thiếp. Ông đã lấy tên con sông này để đặt cho con trai trưởng của mình là Nguyễn Thiếp.

Từ nhỏ, Nguyễn Thiếp và ba anh em trai đã được chú ruột là Tiến sĩ Nguyễn Hành rèn dạy. Năm ông 19 tuổi, Nguyễn Hành đang làm Hiến sát sứ Thái Nguyên, ông có theo ra đó học. Chỉ được chừng 1 năm, ông Nguyễn Hành đột ngột qua đời, Nguyễn Thiếp được người bạn thân của chú là Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm (cha của thi hào Nguyễn Du) giúp đỡ, cho nương tựa và dạy dỗ thêm.

Năm 1743, ông dự thi Hương ở Nghệ An đỗ thủ khoa, nhưng không thi Hội mà về quê dạy học ở làng Nguyệt Ao (Can Lộc, Hà Tĩnh). Nhân dân nơi đây kính trọng, tin tưởng gửi con đến học rất đông.

Ba lần vời Nguyễn Thiếp ra giúp dựng cơ đồ, Nguyễn Huệ gọi Nguyễn Thiếp là bác, xưng cháu. Thực tế, Vua Lê Hiển Tông là anh vợ ba Nguyễn Thiếp, còn Nguyễn Huệ lại lấy Ngọc Hân công chúa, con vua Hiển Tông. Như dân dã, Nguyễn Huệ phải gọi Nguyễn Thiếp là dượng chứ không phải bác.

Nguyễn Thiếp không muốn tham gia cuộc nội chiến "huynh đệ tương tàn" giữa Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh nhưng ông lại khuyên Quang Trung cất quân ra Bắc diệt Trịnh, phò Lê. Sau khi Nguyễn Huệ trả lại Bắc Hà cho vua Lê cai quản, nghe tin Lê Chiêu Thống đang tâm bán nước, cầu vinh, Nguyễn Thiếp đã sẵn sàng hợp tác, bày binh bố trận giúp Nguyễn Huệ đánh tan quân Thanh xâm lược.

Hành quân thần tốc hay ém quân tại chỗ?

Sách "Lê triều dã sử" và nhiều nhà sử học khác đã nhận định: sở dĩ quân Tây Sơn hành quân nhanh chóng vì Nguyễn Huệ đã bố trí 3 người một tốp, 2 người cáng, một người nghỉ, rồi cứ thế thay phiên nhau đi suốt đêm ngày. Cách lý giải này thiếu tính thuyết phục.

Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế vào ngày 22/12/1788, lấy niên hiệu là Quang Trung và ngay hôm sau (23/12) ông đã cất đại quân từ Phú Xuân ra Bắc. Làm thế nào một đạo quân khoảng 10 vạn người (5 vạn đi từ Huế, 5 vạn tuyển ở Thanh Nghệ) và 300 thớt voi có thể đi qua quãng đường dài có nhiều sông ngòi, đồi núi chỉ mất có 40 ngày, 1 ngày 30 dặm và phải đi liên tục?! Ngoài súng đại bác, đội tượng binh, quân Tây Sơn còn được trang bị thêm hỏa hổ, súng tay, giáo mác, cung nỏ… qua sông lớn như sông Gianh, sông Lam, sông Mã,... là điều không thể. Thuyền đâu chở cho hết 10 vạn quân và 300 thớt voi chiến?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Điệp cho rằng: “Đây là cuộc hành quân không tưởng của 10 vạn nghĩa sĩ Tây Sơn và đến nay nhiều sử gia vẫn chưa thể giải thích thuyết phục”.

Vậy phải chăng, chẳng có cuộc hành quân dọc Nam - Bắc nào diễn ra? Thay vào đó, phải chăng là có một sự chuẩn bị chu đáo, kế hoạch vạch sẵn của các tướng sĩ và nhân dân Bắc Hà?

Cuốn “Thu tập” ghi: “Trong 2 năm 1786 -1787 Nguyễn Huệ ba lần cho người đưa thư do Trần Văn Kỷ viết cùng lễ vật đến mời Nguyễn Thiếp hợp tác. Hai lá thư đầu, Nguyễn Thiếp đang ở Nguyệt Ao (Can Lộc, Hà Tĩnh), nên đều có thư phúc đáp. Ông vẫn một mực từ chối, lấy cớ bệnh tật, không có tài cán gì và trả lại tất cả các lễ vật. Đến lá thư thứ ba lúc ấy ông đang ở Thắng Lãm thì không có thư phúc đáp nữa. Đó là lúc Nguyễn Huệ ra Thăng Long dự đám tang Lê Hiển Tông, sau đó đến Thắng Lãm làm lễ tổ đường ở Đền Thượng trong Nam thiên thất thập nhị từ và đến tận nhà Nguyễn Thiếp cầu kiến. Đó cũng chính là lúc vua Lê Chiêu Thống cùng bầu đoàn thê tử chạy trốn sang Trung Quốc cầu kiến nhà Thanh”. Sau khi nghe Nguyễn Thiếp trình bày kế hoạch luyện quân, tác chiến, dựa vào lực lượng, hậu cần tại chỗ, Nguyễn Huệ đã tin tưởng, trao chức Phó súy, phong tước Quảng Oai Hầu cho Nguyễn Thiếp cùng mỹ hiệu "La Sơn Phu Tử" để thể hiện sự “kính sư”, đồng thời cấp rất nhiều tiền bạc để ông thực hiện kế hoạch.

Nguyễn Thiếp bằng uy tín, tài năng của mình đã xây dựng được một đội quân gần 20 vạn người. Trong 3 tháng mùa đông Mậu Thân 1788, quân lính của ông giả làm thợ rừng, thợ xây, ngày vào rừng tập luyện, đêm ra bìa rừng ngủ. Xe pháo, vũ khí, cầu đường, lương thực được chuẩn bị chu đáo chờ lệnh.

“Thu tập” viết: “Lúc Huệ ở Nghệ An cả lính mới và cũ chỉ có 3 vạn 3 ngàn quân, lại 3 người giữ lại một, cho nên chỉ đem theo 2 vạn 2 ngàn xuất chinh ra Bắc Hà, nhưng nói phao lên là 10 vạn. Huệ giữ lại một vạn một ngàn lập ra 5 đồn đóng lại Nghệ An”. Từng ấy quân thì làm sao Nguyễn Huệ cự được với 29 vạn quân Thanh?

Khi Tôn Sỹ Nghị đưa Lê Chiêu Thống tiến vào Thăng Long, một đội giả làm các quan lại, tộc trưởng, phụ lão địa phương xin vào yết kiến, dâng rượu thịt, gạo nếp cho giặc. Hai chàng trai trẻ giỏi võ là Đặng Tiến Đông, Ngô Siêu được giặc giữ lại tin dùng. Công chúa Quỳnh Hoa, em vua Hiển Tông và là vợ ba của Nguyễn Thiếp đã có kế hoạch đầu độc quân Thanh. Giặc không hề nghi ngờ.

Hai người em, bốn con trai, các cháu của Nguyễn Thiếp và các tướng sĩ Bắc Hà lại là tướng của vua Lê, phần lớn được giặc phong "đại tướng". Theo yêu cầu của Nguyễn Thiếp, họ bố trí đóng trại xen kẽ với quân Thanh.

Một đoàn các hào trưởng, quan chức địa phương được Nguyễn Thiếp phân công vào thành “chúc tết mừng xuân, ăn mừng quân tướng thiên triều”. Tôn Sỹ Nghị đã "thay mặt thiên triều chuẩn hứa cho trăm họ tự do đi lại, mở hội mừng xuân" (Theo “Thu tập”). Nguyễn Thiếp cho các làng nhận tiền gạo, chia cho các nhà nấu bánh chưng, mua thịt gói giò, nấu thịt đông đón chào năm mới, nhưng thực ra là đang chuẩn bị lương thực tại chổ để chờ quân Tây Sơn tiến vào.

Một bộ phận quân tinh nhuệ dưới sự chỉ huy của 2 em trai Nguyễn Thiếp là Nguyễn Chuyên và Nguyễn Khải đã ém sẵn trong thành Thăng Long chờ lệnh.

Quân do Nguyễn Thiếp sắp đặt đã có mặt ở Thăng Long từ đêm 30 tết Kỉ Dậu. Đêm mồng 1 và 2 quân Tây Sơn do Đô đốc Bảo chỉ huy cũng đã hội quân ở Thắng Lãm. Tối mùng ba Quang Trung ra lệnh đánh Ngọc Hồi. Tôn Sỹ Nghị không có chút nghi ngờ. Khi có lệnh tiến công, "tướng như trên trời sa xuống, quân như dưới đất chui lên" (Hoàng Lê nhất thống chí). Giặc chạy tán loạn, nhiều tên khi chết vẫn chưa tỉnh rượu.

Như vậy Nguyễn Thiếp dày công chuẩn bị 3 tháng, chỉ 1 ngày giao tranh, 29 vạn quân Thanh phút chốc đã tan tác. Thây chất thành gò, tướng giặc kẻ phải treo cổ, người thì nhục nhã tìm đường lẻn trốn.

Trong bộ “Thu tập” có cả ý kiến, bài viết của một số tướng lĩnh từng tham gia trận đánh Ngọc Hồi - Đống Đa. Chính Nguyễn Thiếp cũng có bài thơ ghi lại sự kiện này như sau:

BÌNH THANH TỰ SỰ.

Tự ngã tòng chinh sơ nhất đông
Phù vương thảo tặc xuất tiên phong.
Thanh binh thiên vạn lưu thi lại.
Phụ tử ngũ sư chiến tặc đồn
Quân hành tưởng tự thiên nhi giáng
Tặc chúng tướng vong khủng thất hồn.
Tự kim nhi hậu đương từ nghịch
Cổ lai xâm lược kỉ nhân tồn.
Tạm dịch thơ như sau:

BÌNH THANH TỰ SỰ.

Luyện quân đánh giặc một mùa đông.
Giúp vua dẹp loạn xuất tiên phong.
Binh Thanh, ngàn vạn chôn thây lại.
Cha con năm đạo quét sạch đồn.
Quân đi tưởng tự trên trời xuống.
Tướng mất quân giặc sợ mất hồn.
Hãy nhớ từ nay chừa bạo ngược.
Xưa nay cướp nước mấy ai còn?

(Quảng Oai Hầu, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp).

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/nguyen-hue-hanh-quan-hay-nguyen-thiep-dung-quan--i711945/