Nguyễn Du hiện đại với Lý thuyết thông tin

Thật ngạc nhiên là những vấn đề mà Lý thuyết thông tin trong Văn học hiện đại của văn học thế giới thế kỷ XXI đã được Nguyễn Du thực hành trước đây 200 năm với Truyện Kiều.

Một bức thuộc bộ tranh Kiều của nữ họa sĩ Phạm Đức Hạnh. Nguồn: hatinh.gov.vn

Một trong những lý thuyết có ảnh hưởng lớn tới văn học hiện đại là Lý thuyết thông tin, ra đời năm 1948 với công trình khoa học của Claude E. Shannon A Mathematical Theory of Communication. Truyện Kiều không phải văn xuôi nhưng đã thực hiện Lý thuyết thông tin trong việc kể lại nhân vật được nhiều nguồn phát ra để bảo đảm tính chân thực, là Thúy Kiềuở nhiều góc nhìn, nhiều thời điểm khác nhau trên một chân dung cụ thể.

Nhiều nhân vật kể chuyện, nhiều chiều thời gian

Truyện Kiều ra đời trước năm 1820 (năm Nguyễn Du mất). Nội dung câu chuyện được Nguyễn Du kể xảy ra “Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh” (1522 - 1566) trước đó khoảng 300 năm. Vương Ông kể về Thúy Kiều thời gian nàng phải bán mình chuộc cha, lìa xa gia đình mới qua 6 tháng, khi Kim Trọng mãn tang chú từ Liêu Dương trở về. Lại già họ Đô kể về Thúy Kiều bị bán vào lầu xanh trước đó 10 năm. Thúc Sinh kể 5 năm tiếp đó, từ khi nàng gặp Từ Hải. Cả 4 người kể chuyện về Thúy Kiều là thời quá khứ. Họ sử dụng phương pháp hồi tưởng để đồng hiện với người nghe. Những người kể khác, Hoạn Thư, vãi Giác Duyên sử dụng thời hiện tại. Ma Đạm Tiên, Tam Hợp đạo cô sử dụng thời tương lai đồng hiện.

Thúy Kiều được nhiều người kể ở nhiều địa phương và thành phần xã hội khác nhau. Ở Bắc Kinh, Lâm Tri, lầu Ngưng Bích, Châu Thai, Chiêu Ẩn am, Vô Tích, Hàng Châu, sông Tiền Đường, ở quê nhà Vương Ông… Thành phần tham gia kể chuyệnvề Thúy Kiềurất đa dạng, có đủ đàn ông, đàn bà, người già như Vương Ông, người trẻ như Hoạn Thư, Thúc Sinh, ma quỷ như Đạm Tiên, người thực hành tôn giáo như vãi Giác Duyên, Tam Hợp đạo cô. Dân thường như dân Hàng Châu… Quan nha như họ Đô, trí thức như Thúc Sinh… Trong số đó với Thúy Kiều có người thân thích máu mủ như Vương Ông (cha), Thúc Sinh (người tình và chồng), gần gũi như vãi Giác Duyên, xa lạ như Đạo cô Tam Hợp, Lại già họ Đô, dân Hàng Châu, “cùng hội cùng thuyền” là Đạm Tiên, đối địch là Hoạn Thư...

Tất cả những người kể chuyện về Thúy Kiều đều thống nhất ở chỗ Thúy Kiều là người tài sắc vẹn toàn, giàu lòng nhân ái, tình nghĩa thủy chung.

Nhiều nguồn thông tin về số phận của Thúy Kiều

Một trong những phương pháp của Lý thuyết Thông tin là cung cấp cho người nghe một nội dung (một sự kiện, một vấn đề) lặp đi lặp lại nhiều lần để thuyết phục người nghe (tiếp nhận). Đó là khi nói đến số phận của Thúy Kiều, người con gái tài hoa, giàu lòng nhân ái nhưng bị xã hội chà đạp, giày xéo.

Số phận của Thúy Kiều lần đầu được thầy tướng sĩ nói đến là khi nàng mới tuổi 15, vừa gặp và đang sống những ngày tươi đẹp, hạnh phúc bên người yêu Kim Trọng. Ở buổi tối trao duyên ấy, nàng đã nói với Kim Trọng: Nhớ từ năm hãy thơ ngây/ Có người tướng sĩ đoán ngay một lời/ Anh hoa phát tiết ra ngoài/ Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa.

Nguồn tin thứ hai về số phận của Thúy Kiều là do ma Đạm Tiên cung cấp. Ngay hôm mấy chị em Thúy Kiều đi chơi Hội Đạp thanh, thắp hương cho "nấm mồ vô chủ" và gặp ma Đạm Tiên, tối về Thúy Kiều mơ thấy Đạm Tiên hiện ra cảm ơn Thúy Kiều và thông báo cho nàng biết: Mà xem trong sổ đoạn trường có tên/ Âu đành quả kiếp nhân duyên/ Cũng người một hội, một thuyền đâu xa.

Thúy Kiều có tên trong sổ đoạn trường, là những người có số phận éo le, cay đắng. Là nhân quả của kiếp trước, cùng hội cùng thuyền với Đạm Tiên, mà Đạm Tiên thì: Kiếp hồng nhan có mỏng manh/ Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương. Nghĩa là số kiếp tài hoa nhưng mệnh yểu. Đến nỗi Thúy Kiều đã hoảng hốt nói với cha mẹ: Cứ trong mộng triệu mà suy/ Phận con thôi có ra gì mai sau. Cuộc đời Thúy Kiều đúng hệt như thế.

Nguồn tin thứ ba về số kiếp của Thúy kiều là do Đạo cô Tam Hợp phát ra. Khi Hoạn Thư biết chồng nàng là Thúc Sinh yêu và lấy Thúy Kiều làm vợ đã nhờ mẹ đến đốt nhà và bắt Thúy Kiều từ Lâm Tri về đánh ghen. Thúc Sinh tưởng rằng Thúy Kiều đã chết cháy, nên lập bàn thờ và mời Đạo thầy về cúng nhưng Đạo thầy phán rằng: Người này nặng kiếp oan gia/ Còn nhiều nợ lắm, sao đà thác cho.

Đạo thầy nói nàng còn sống, chỉ ... mắc nạn to, một năm nữa mới dò được tin. Đúng năm sau Thúc Sinh về quê thăm vợ đã gặp Thúy Kiều (giáp mặt chiền chiền) ở đó nhưng sợ vợ không dám nhận mặt Thúy Kiều.

Nguồn tin thứ tư nói về số phận của Thúy Kiều là bà Tam Hợp đạo cô. Sau khi Thúy Kiều báo ân báo oán, vãi Giác Duyên Đeo bầu quẩy níp rộng đường vân du đã gặp Tam Hợp đạo cô và được bà nói về số phận của Thúy Kiều: Vậy nên những chốn thong dong/ Ở không yên ổn ngồi không vững vàng/ Ma đưa lối quỷ đưa đường/ Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi/ Hết nạn nọ đến nạn kia/ Thanh lâu hai lượt thanh y hai lần.

Thúy Kiều liên tiếp gặp nạn, hai lần vào thanh lâu của Tú Bà và Bạc Bà. Một lần trốn ở Chiêu Ẩn am, và một lần vào Quan âm các nhà Hoạn Thư, Thúy Kiều phải mặc trang phục màu xanh (thanh y) của người giúp việc nhà chùa, và sống trong cảnh nguy hiểm: Trong vòng giáo dựng gươm trần/ Kề răng hùm sói, gửi thân tôi đòi.

Khi Hồ Tôn Hiến bao vây và Từ Hải bị lừa, đầu hàng và bị giết. Từ Hải chết, Thúy Kiều bị Hồ Tôn Hiến ép gả cho viên thổ quan, nàng phải gieo mình xuống sông Tiền đường tự tử: Giữa dòng nước dẫy, sóng dồi/ Trước hàm rồng cá, gieo mồi thủy tinh.

Nhiều nhân chứng cho một sự kiện

Sự kiện lớn nhất và có tác động đến cuộc đời của Thúy Kiều là cuộc gặp gỡ giữa Thúy Kiều và ma Đạm Tiên. Thúy Kiều, Thúy Vân và Vương Quan cùng trông thấy nấm mồ vô chủ lạnh lẽo bên đường của Đạm Tiên. Thúy Kiều thương xót số phận của Đạm Tiên, nàng thắp hương cho người dưới mộ, chưa kịp rời đi thì đã thấy ma xuất hiện: Ào ào đổ lộc rung cây/ Ở trong dường có hương bay ít nhiều/ Đè chừng ngọn gió lần theo/ Dấu dày từng bước in rêu rành rành. Như vậy là cả ba người trông thấy mồ Đạm Tiên và cả ba người trông thấy ma xuất hiện.

Ở phiên tòa Thúy Kiều báo ân báo oán, trước phiên tòa Từ Hải đã cho quân đội đi truy nã tội phạm. Ba quân chỉ ngọn cờ đào/ Đạo ra Vô Tích, đạo vào Lâm Tri. Ta thấy ở phiên tòa Trướng hùm mở giữa trung quân (công khai để mọi người thấy), là Ba quân đông mặt pháp trường, là Mụ Quản gia, vãi Giác Duyên, Thúc Sinh… bên kia là tội phạm Hoạn Thư, Bạc Hạnh, Bạc Bà, Ưng, Khuyển, Sở Khanh, Mã Giám Sinh. Nhưvậy là córất đông người chứng giám.

Những sự kiện khác, tùy tính chất và hoàn cảnh xảy ra mà Nguyễn Du cho ít nhất làhai nhân chứng.

Lý thuyết Thông tin cho rằng những thông tin được nhiều người biết, trông thấy, chứng kiến bao giờ cũng trung thực và khách quan, đáng tin cậy hơn...

PGS.TS. Lê Đình Cúc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/nguyen-du-hien-dai-voi-ly-thuyet-thong-tin-i317964/