Nguy cơ thất nghiệp của lao động trẻ cao gấp 3 lần so với nhóm khác

Bình quân cứ 10 thanh niên thì có 1 người bị thất nghiệp. Nguy cơ mất việc làm của số lao động trẻ cũng cao gấp 3 lần so với những lứa tuổi lớn hơn, theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội…

Người lao động theo dõi thông tin tuyển dụng việc làm. Ảnh - N.Dương.

Thanh niên là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sau đại dịch Covid-19 và tình trạng suy giảm kinh tế, vì thế công tác giải quyết việc làm cho lực lượng lao động trẻ là thanh niên là vấn đề vô cùng cấp thiết.

TỶ LỆ THẤT NGHIỆP THANH NIÊN CAO LÀ THÁCH THỨC VỚI THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG

Theo kết quả khảo sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về việc làm đối với thanh niên giai đoạn từ năm 2020 - 2023" của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp, nhất là các khu công nghiệp tập trung bị ảnh hưởng rất lớn, làm gia tăng tình trạng thất nghiệp trong thanh niên.

Năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp của người lao động trong độ tuổi từ 15-24 chiếm 7,21%; năm 2021, tỷ lệ này là 8,55% và là năm cao nhất trong vòng 10 năm gần đây. Năm 2022, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, tình hình việc làm của thanh niên dù có sự chuyển biến tích cực nhưng tỷ lệ thanh niên thất nghiệp vẫn chiếm hơn 7,7%, chiếm 37,6% tổng số người thất nghiệp.

Báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng cho thấy bình quân cứ 10 thanh niên thì có 1 thanh niên bị thất nghiệp, lao động trẻ cũng có nguy cơ mất việc cao gấp 3 lần so với những lứa tuổi lớn hơn.

Theo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thanh niên là lực lượng đông đảo, đóng vai trò chủ đạo trong việc thực hiện chiến lược phát triển nhanh, bền vững đất nước trong giai đoạn mới, song công tác giải quyết việc làm cho thanh niên đang đặt ra rất nhiều vấn đề cần được quan tâm giải quyết.

Hiện nay, tỷ lệ thanh niên trong cơ cấu dân số cũng như lực lượng lao động đang có xu hướng giảm mạnh do tình trạng “già hóa dân số”. Dự báo giai đoạn “cơ cấu dân số vàng” của Việt Nam sẽ kéo dài đến khoảng năm 2038, vì vậy, cần có các chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ để tận dụng lợi thế của thời kỳ này.

Bên cạnh đó, trong thời gian tới, số thanh niên lao động trong khu vực phi chính thức sẽ ngày càng tăng, do thị trường việc làm ở khu vực công, khu vực chính thức có tính cạnh tranh cao; do tác động của tiến bộ khoa học công nghệ; bị sa thải vì không đáp ứng được yêu cầu công việc; hoặc tự khởi nghiệp, lập nghiệp, xu hướng làm việc tự do…

Mặt khác, trong thời gian tới, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp dự báo vẫn gặp khó khăn, nhất là các ngành công nghiệp, dịch vụ, dẫn đến tình trạng số thanh niên bị mất việc và giảm giờ làm, giảm thu nhập có thể gia tăng.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh nhận định, tình trạng thất nghiệp của thanh niên, nhất là ở nhóm tuổi từ 15 – 24 tuổi vẫn tiếp tục là thách thức đối với thị trường lao động của Việt Nam. Chưa kể, Việt Nam đang ở giai đoạn dân số trẻ chuyển sang dân số già, điều này đặt ra cả cơ hội lẫn thách thức đối với lực lượng lao động thanh nên.

CẦN NHIỀU GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ TẠO VIỆC LÀM CHO THANH NIÊN

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng, vấn đề việc làm cho nhóm lao động trẻ này cần được nhìn nhận thấu đáo để đưa ra các chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn nữa.

Tư vấn việc làm cho lao động trẻ tại sàn việc làm Hà Nội. Ảnh - Thanh Bình.

TS. Nguyễn Hoàng Hà, chuyên gia Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam nhấn mạnh, thanh niên là lực lượng lao động rất đặc biệt, tuy nhiên khái niệm thanh niên trong độ tuổi hiện nay vẫn có sự vênh nhau.

Đơn cử trong Luật Thanh niên năm 2020 của Việt Nam quy định độ tuổi của thanh niên là từ 16 – 30 tuổi, trong khi đó theo độ tuổi chung của Liên Hợp Quốc quy định thanh niên là từ 15 – 24 tuổi.

Theo ông Hà, hoạt động chung của thanh niên và việc làm của nhóm này cần được nhìn thẳng vào thực tế. Hiện nay, nhìn vào lực lượng thanh niên được đào tạo có bằng cấp thì có khoảng 29%, song tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm này cũng cao gấp 3 lần so với tỷ lệ thất nghiệp chung.

“Vấn đề rất lớn hiện nay là việc làm cho thanh niên cần thực hiện thế nào, kỹ năng ra sao, vấn đề hệ sinh thái khởi nghiệp để tạo điều kiện cho họ khởi nghiệp, hay tiếp cận việc làm cho thanh niên đã đặt vào đối tượng trung tâm hay chưa, đặc biệt là việc liên kết các nhà (nhà nước – nhà doanh nghiệp – nhà trường)”, TS. Nguyễn Hoàng Hà nói.

Còn theo TS. Trịnh Thu Nga, Phó Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), trong thời gian tới, vấn đề việc làm cho thanh niên cần là nội dung được chú trọng trong công tác giải quyết việc làm quốc gia.

Bên cạnh đào tạo nghề, thì vai trò của các trung tâm dịch vụ việc làm, đoàn thanh niên cũng rất quan trọng, bởi hệ thống này trải dài trên khắp các tỉnh, thành phố. Hiện cả nước có hơn 80 trung tâm dịch vụ việc làm, từ năm 2020 - 2022 đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho gần 8,5 triệu lượt người.

Theo bà Nga, hệ thống này trong thời gian qua đã hỗ trợ nhóm lao động thanh niên rất nhiều, song cần phát huy, chuyên nghiệp, hiện đại hóa hơn trong hỗ trợ thanh niên nhằm giúp họ tiếp cận nhiều hơn các hệ thống dịch vụ việc làm. Đồng thời, các hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm công cũng cần chú trọng hơn đến nhóm này để hỗ trợ thanh niên tìm kiếm các cơ hội việc làm thỏa đáng.

Thời gian qua, Chính phủ cũng đã có các chương trình khởi nghiệp cho thanh niên, vì vậy, bà Nga cho rằng cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nội dung này. Ngoài ra, hỗ trợ thanh niên đi làm việc ở nước ngoài cũng là một giải pháp quan trọng.

“Trong bối cảnh việc làm trong nước hạn chế, cần thúc đẩy hỗ trợ lực lượng thanh niên đi làm việc ở các thị trường có thu nhập cao, các nền kinh tế tiên tiến để họ học hỏi thêm các kiến thức, kỹ năng hiện đại. Sau này, khi kết thúc hợp đồng về nước, lao động trẻ sẽ có cơ hội phát triển kinh tế đất nước, địa phương”, TS. Trịnh Thu Nga nhấn mạnh thêm.

Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2020 – 2022, cả nước đã đưa được hơn 266.000 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, thì có đến 95% là lao động thanh niên (18-30 tuổi), tập trung ở các thị trường truyền thống như Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản.

Lao động làm việc ở nước ngoài được trang bị kiến thức, kỹ năng, trình độ chuyên môn, được đào tạo, làm việc trong môi trường hiện đại, công nghiệp là nguồn lao động tiềm năng, chất lượng cao bổ sung cho nguồn nhân lực quốc gia, phục vụ phát triển đất nước.

Phúc Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nguy-co-that-nghiep-cua-lao-dong-tre-cao-gap-3-lan-so-voi-nhom-khac.htm