Nguy cơ loạn giá cận và sau Tết

(Toquoc)- Giá các loại thực phẩm như rau xanh, thịt, cá tại các chợ truyền thống đang tăng lên từng ngày. Cứ đà này nhiều người lo ngại sẽ xẩy ra tình trạng “loạn” giá dịp cận và sau Tết.

Chưa đến Tết giá đã nhảy liên tục

Từ Tết Dương lịch đến nay, thời tiết rét buốt kéo dài và kèm theo mưa phùn khiến giá các loại thực phẩm liên tục tăng.

Chị Nhàn sống tại ngõ 25/59 Vũ Ngọc Phan (Đống Đa) cho biết, sáng nào cũng ghé qua chợ Láng Hạ A mua thức ăn cho gia đình rồi mới đi làm. Vì vậy chị nhận thấy rất rõ sự biến động liên tục của giá các loại thực phẩm ở chợ.

“Từ đợt rét đậm sau Tết dương lịch xuống tới 10 độ giá thực phẩm ở chợ bắt đầu tăng lên, như bắp cải chỉ 6.000 – 7.000 đồng/kg sáng hôm sau ra đã lên 8.000 – 9.000 đồng/ kg, cách vài hôm nữa lại nhảy vọt thêm 2.000 – 3.000 đồng” – chị Nhàn cho biết.

Qua khảo sát nhiều chợ nội thành Hà Nội như Láng Thượng, Thành Công B, Ngã Tư Sở, Đông Tác… cho thấy hầu hết giá thực phẩm hơn nửa tháng nay đều có xu hướng tăng và mức tăng mỗi chợ một khác, không theo quy định nào.

Như chợ Thành Công B giá cà chua tăng từ 10.000 đồng lên 17.000 đồng/kg, chợ Ngã Tư Sở tăng lên 18.000 đồng/ kg, chợ Đông Tác tăng lên 20.000 đồng/kg.

Tương tự, các loại rau xanh như cải xoong, cải cúc, đậu cove, su hào, súp lơ, rau cần, hành lá… cũng có mức tăng giá khác nhau tại hầu hết các chợ.

Không chỉ rau xanh, nhiều mặt hàng thịt lợn, bò, gia cầm và nhiều mặt hàng thủy sản cũng được đà tăng giá.

Tại chợ Ngã Tư Sở, thịt lợn tăng từ 5.000 – 10.000 đồng/kg tùy theo mỗi loại khác nhau. Như thịt mông tăng từ 85.000 đồng lên 100.000 đồng/kg; chân giò tăng từ 90.000 – 110.000 đồng/kg; nạc thăn tăng từ 100.000 đồng lên 120.000 đồng/ kg…

Trong thời gian qua giá thịt gà, thịt vịt cũng tăng từ 20 – 30%, các loại thủy sản tươi sống như cá, tôm, ngao… cũng có mức tăng từ 10 – 30%.

Theo các tiểu thương, giá các loại thịt và thủy sản tăng cao là do thời tiết rét buốt cộng thêm việc nhiều đầu mối tích trữ hàng để bán dịpTết đã khiến nguồn hàng trở nên khan hiếm, bắt buộc giá phải tăng.

Không giống như ở chợ truyền thống, giá rau xanh, thực phẩm trong siêu thị vẫn khá ổn định (Nguồn: Internet)

Nguy cơ “loạn” giá cận và sau Tết

Nhận định giá các loại thực phẩm sẽ tiếp tục có nhiều biến động lớn, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú cho biết: “Từ sau Tết ông Táo (23 tháng Chạp) cho đến sau Tết giá các loại thịt lợn, thịt gà, thủy hải sản sẽ tiếp tục tăng cao thêm khoảng 30%, thậm chí 50% so với thời điểm hiện tại”.

Trong các mặt hàng, biến động về giá nhiều nhất là rau xanh. Bởi theo ông Phú, rau xanh bán ở chợ không được cơ quan nào quy định mức giá cụ thể mà chủ yếu là do tiểu thương định giá. Vì vậy, “rau xanh chắc chắn sẽ được “thổi giá” mạnh nhất” – ông Phú chắc chắn.

Ngoài ra, mặt hàng thịt lợn cũng sẽ tăng không kém do thiếu hụt nguồn hàng, các hộ chăn nuôi không chịu được sức ép của việc tăng giá thức ăn chăn nuôi, giá điện, giá gas… đã chủ động bỏ chuồng trại.

Tuy nhiên ông Phú cũng khẳng định, sự tăng giá không ngừng tại các chợ truyền thống một phần cũng là do các tiểu thương cung cấp hàng và bán ở chợ “bắt tay” làm giá khiến cho việc “tăng giá không minh bạch”. Vì vậy nguy cơ “loạn” giá có thể thể xẩy ra dịp cận và sau Tết Quý Tỵ.

Khảo sát tại các siêu thị như Big C, Fivimart, Hapro, Co.opMart… trong thời gian gần đây, mức giá các loại rau xanh, thịt, cá vẫn giữ được mức ổn định hơn so với giá ở chợ.

Bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc quan hệ công chúng và đối ngoại Big C lý giải nguyên nhân là do các siêu thị đã có kế hoạch chuẩn bị hàng Tết ngay từ giữa năm nên ổn định được lượng hàng cũng như giá cả.

“Dịp Tết Nguyên đán, Big C đảm bảo cung ứng cho thị trường 600 tấn thịt nguội và hơn 1.000 tấn rau, củ, quả các loại như cà chua, bắp cải, bưởi, xoài, cam, quýt…vì vậy chắc chắn sẽ không xẩy ra tình trạng thiếu hàng và biến động giá mạnh trước và sau Tết” – Bà Trang nói.

Được biết, trong thời gian qua, Sở Công Thương Hà Nội cũng đã có kế hoạch chuẩn bị 6.000 tỷ đồng hàng hóa Tết, trong đó có 2.000 tỷ đồng hàng bình ổn cho 11 nhóm hàng thiết yếu như: thịt lợn, gạo, dầu ăn, đường, thủy hải sản tươi sống…và được chia ra 710 điểm bán khác nhau. Đồng thời, tổ chức hàng trăm chuyến bán hàng lưu động đến các vùng nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng và ổn định mức giá cho người dân dịp Tết./.

P.Ngọc

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.gov.vn/Sites/vi-vn/details/3/kinh-te-viet-nam/113953/nguy-co-loan-gia-can-va-sau-tet.aspx